(VOV5) - Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam đã đi được 1/3 chặng đường. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chương trình, thành công lớn nhất trong 3 năm (2011-2013), nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa về chương trình xây dựng nông thôn mới có những thay đổi tích cực. Ở miền núi, có những nơi mặc dù thiếu đất sản xuất, nhưng nhiều gia đình vẫn sẵn sàng cắt đất ở, đất sản xuất để đầu tư cơ sở hạ tầng làm cho bộ mặt thôn được đẹp đẽ khang trang hơn.
|
Ảnh: Hồng Sơn |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Anh Đinh Ken, làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai là 1 trong 50 cá nhân được nhận bằng khen tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Là trưởng thôn, anh Đinh Khen vừa vận động bà con dân tộc Bana trong làng góp công, góp sức, vừa chủ động hiến đất của gia đình để làm đường đi lại: Đây là để phát triển nông thôn mới, phát triển cho nhân dân. Đường vận chuyển nguyên liệu, chủ yếu là mía, đường sá khó khăn, nhân dân đồng tình ủng hộ tuyến đường ấy. Xuống nói với bà con bây giờ đường ra khu sản xuất khó khăn. Bây giờ nhân dân, các hộ gần hiến đất. Ủng hộ tiền, ngày công.
Bà con ở làng Bờ bán mía cho nhà máy ở An Khê (Gia Lai). Có đường, ô tô vào tận vườn mía. Bà con đỡ công vận chuyển, mía lại bán giá cao hơn. Thương lái cũng không còn cớ để ép giá: Phát triển nông thôn rất là lớn so với trước đây. Nhất là về cơ sở như nhà ở này, xe máy, xe vận chuyển mía, hoa màu khác. Đời sống nhân dân so với năm trước cao hơn. Trồng mía thu nhập tính bình quân đầu người/năm trên 19 triệu.
Chị Lồ Thị Liên, dân tộc Bố Y ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, Lào Cai tự nguyện hiến 400 mét vuông đất mở đường liên thôn. Hỏi có tiếc không, chị Liên đáp tức thì: Không tiếc, không tiếc đâu, có đường đi thuận tiện, đẹp đẽ thì tiếc gì nữa? Không phải mỗi nhà mình có đường thuận tiện để đi, mà bà con ai cũng được đi. Vui lắm.
Ở tỉnh miền núi như Hà Giang, nhiều nơi vẫn còn thiếu đất sản xuất thì chuyện người dân hiến vài trăm mét vuông đất là điều đáng quý. Anh Anh Lý Chòi Quyên, ở thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì hiến 500m2 đất ruộng ở ngay trung tâm của thôn để xây dựng nhà văn hoá. Ở xã Sín Cái, ông Ly Sìa Sính hiến hơn 400m2 đất để xây dựng điểm trường. Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Giang khẳng định: Chúng tôi thấy dân biết, dân bàn dân làm mới thành công. Đối với tỉnh chúng tôi có những hộ hiến đến 1.150 mét đất. Với tỉnh khác có thể bình thường những với 1 tỉnh miền núi, đặc biệt thiếu đất sản xuất, việc 1 hộ dân góp 1.150 mét đất là rất khó khăn. Vì vậy tôi nghĩ rằng, dân khi đã hiểu và làm thì chắc chăn thành công.
Giữa thời buổi tấc đất tấc vàng, để vận động người dân hiến đất là điều tưởng chừng như khó thành hiện thực. Vậy nhưng chính những con đường ở các làng quê đang ngày một khang trang đã chứng minh điều ngược lại. Và dấu ấn thể hiện rõ nhất không phải là những con số thống kê khô khan nằm trên sổ sách mà là ở sức mạnh của sự đồng thuận, tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng./.