(VOV5)- Một chương trình biểu diễn nghệ thuật và đấu giá gây quỹ ủng hộ trẻ em khuyết tật tại mền Trung Việt Nam vừa diễn ra tại Washington DC (Mỹ). Khách mời không những có cơ hội chia sẻ những khó khăn của trẻ em thiệt thòi mà còn có dịp khám phá những nét văn hóa truyền thống Việt Nam.
Khách nước ngoài thích thú với những điệu múa sạp
Ngôi “Nhà Việt Nam” nằm trên con phố nhỏ hẹp và yên bình với cái tên đơn giản “R” tại thủ đô Washington DC bỗng náo nhiệt khác thường vào một tối đầu thu. Từ tiền sảnh liên tục vọng ra tiếng ngã giá, những con số không ngừng được đẩy lên, “475” rồi “500”… Đây là buổi đấu giá các tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công trong khuôn khổ sự kiện văn hóa và ẩm thực do Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ phối hợp với Quỹ Phục vụ Cộng đồng Toàn cầu (Global Community Service Foundation) tổ chức với mục đích gây quỹ cho trẻ em khuyết tật tại miền Trung Việt Nam.
Đấu giá sản phẩm
Không tiếng xuýt xoa tiếc nuối, không tiếng reo mừng đắc thắng, chỉ có tiếng vỗ tay nồng nhiệt mỗi khi tên người mua cuối cùng được xướng lên. Những vật phẩm đấu giá, từ chiếc khăn quàng với họa tiết tinh xảo cho đến bức tượng bằng sợi thủy tinh hay chiếc bát sơn mài, dù mang dáng dấp hiện đại nhưng vẫn thấm đẫm hồn Việt, và đây chính là nét khác biệt của sự kiện đấu giá lần này. Bà Marcia Selva, Chủ tịch Quỹ Phục vụ Cộng đồng Toàn cầu cho biết: “Đây là lần thứ 3 chúng tôi tổ chức sự kiện như thế này tại Đại sứ quán. Tôi muốn tổ chức tại đây vì đó là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ. Tôi cố gắng từng bước đưa vào các phong trào để gây quỹ từ thiện và dự án giúp đỡ cộng đồng tại Việt Nam. Tôi muốn mang đến buổi đấu giá này những thiết kế, những vật phẩm đương đại, chứ không phải những gì mà mọi người đã từng biết đến trước đó. Dù mang tính đương đại nhưng những sản phẩm này vẫn hàm chứa những nét truyền thống độc đáo của VN.”
Trong số gần 200 người tham gia đấu giá, gia đình ông Mark Vogel đã may mắn mua được một vật trang trí rất ưng ý sau khi vượt qua một loạt “đối thủ nặng ký”: “Tôi tham gia rất nhiều hoạt động tại đây. Hôm nay chúng tôi mua được một sản phẩm. Đó là một con kiến bằng đồng mà tôi nghĩ sẽ là một vật trang trí hoàn hảo trong căn bếp của tôi. Tôi rất thích tác phẩm nghệ thuật này. Tôi yêu Việt Nam”, Mark chia sẻ.
Khách tham gia chọn mua đồ
Công ty áo dài nổi tiếng Ngân An đã tự trang trải kinh phí để mang từ Hà Nội tới Mỹ những bộ sưu tập mà các nhà thiết kế đã dày công chuẩn bị riêng cho chương trình. Chị Nguyễn Anh Thư, nhà thiết kế chính của Ngân An cho biết:“Là một doanh nhân, ngoài công việc, tôi luôn hướng đến các hoạt động thiện nguyện và rất muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho cộng đồng. Tôi thấy đây là một chương trình mà mình cần phải tham gia nên đã bay sang đây, mang theo những bộ sưu tập thời trang và tặng cho sứ quán những sản phẩm áo dài để đấu giá từ thiện. Các người mẫu đều là phu nhân của cán bộ nhân viên Đại sứ quán và các sinh viên đang học tập tại Mỹ.”
Ngoài cộng đồng người Việt, nhóm người mẫu không chuyên còn được bổ sung những gương mặt có lẽ trước đó chưa một lần được khoác lên người chiếc áo dài. Đó là những sinh viên Mỹ, không ít người đến từ những địa phương rất xa. Họ đến vì trẻ em Việt Nam, vì văn hóa Việt Nam và vì những trải nghiệm mới. Kimberly Zepeda, một sinh viên Mỹ thuộc trường Đại học Washington, bang Maryland nói: “Tôi rất tự hào và háo hức được tham gia trình diễn thời trang của Việt Nam. Ban đầu tôi có đôi chút lo lắng nhưng sau đó mọi thứ đều ổn. Công việc người mẫu nhiều lúc cũng gặp khó khăn nhưng rất thú vị. Đây là một trải nghiệm mà tôi chưa từng có”.
Vẫn điệu múa sạp, thật thích thú
Không chỉ tham gia đấu giá từ thiện, khách tham dự còn có cơ hội thưởng thức những nét văn hóa độc đáo của Việt Nam qua những món ăn nổi tiếng như phở, nem, bún chả, hay điệu múa sạp độc đáo của đồng bào dân tộc phía Bắc.
Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình, ước tính khoảng 25.000 USD, sẽ được dành để hỗ trợ trường Trẻ em Khuyết tật Quảng Trị thông qua các hoạt động đào tạo giáo viên và mở rộng các chương trình và dịch vụ dành cho học sinh. Với khoản tài trợ trên, bước đầu, khoảng 60 trẻ em khuyết tật sẽ có cơ hội tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng sống, tự lập, hướng nghiệp và hòa nhập cộng đồng.