Mưa, con đường nhỏ với hầu hết là những đoạn lầy lội, đá nham nhở ngoằn ngoèo như sợi chỉ vượt qua từng triền núi đá, qua dòng Nho Quế rồi lại lên núi cao, nhiều đoạn như đi trong mây với bề ngang chỉ đủ một chiếc ôtô chạy và cũng nhiều đoạn chạy sát tuyến đường biên giới của nước bạn Trung Quốc với những cột mốc hiện rõ trong sương mù... Phải mất hơn 3 tiếng đồng hồ, chúng tôi mới vào tới nơi cần đến, cho dù đoạn đường đó chỉ khoảng 50 km, từ thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) vào thôn Lũng Làn (xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc).
|
Tôi vẫn nhớ như in những hình ảnh từ chuyến đi cách đây 3 năm về trước. Khi ấy, đúng vào ngày 2-3-2009, ngày mà đồn biên phòng Lũng Làn và nhân dân xã Sơn Vĩ mở hội kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống bộ đội biên phòng và 20 năm Ngày biên phòng toàn dân. Đón chúng tôi ở cổng đồn, thiếu tá Trần Anh Tuấn – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Lũng Làn nói: chỉ sợ có mưa to, các anh không vào được, may mà mưa nhỏ. Hôm nay mà đi xe máy chắc phải mất hơn 4 tiếng mới vào đến đây được... Cùng đi và vào sau chúng tôi còn có đội văn nghệ xung kích của huyện Mèo Vạc, đoàn công tác của huyện ủy, UBND, HĐND cùng nhiều cơ quan huyện Mèo Vạc. Tất cả đều vào để giao lưu và chúc mừng anh em chiến sĩ ở đồn biên phòng được xem là xa xôi, cách trở nhất tỉnh Hà Giang này. Tất cả xe và người đều bê bết bùn đất...
Chiều đó, người dân các thôn xóm ở Sơn Vĩ, không quản đường xa và mưa đều về đồn Biên phòng Lũng Làn. Các thầy cô giáo, học sinh trường nội trú dân nuôi sau buổi học cũng lên đồn. Cả đồn vang lên tiếng hát, tiếng cười dù ngoài trời đang mưa và lạnh với nhiệt độ khoảng 14-15 độ C. Một bữa cơm đoàn kết quân dân, một đêm giao lưu văn nghệ đang sẵn sàng...
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư xã Sơn Vĩ - Hoàng Thị Tương cho biết, dân ai cũng quý bộ đội và ngược lại bộ đội cũng rất thương dân. Có việc gì nhờ, bộ đội cũng giúp, không ngại khó khăn, vất vả. Đặc biệt, bà con rất tin tưởng bộ đội, có nhiều chuyện khó khăn, không báo cáo với chính quyền xã, nhưng lại nói với bộ đội. "Tình cảm quân dân thắm thiết” - bà Tương khẳng định.
Khi nói về điều đó, thiếu tá đồn trưởng Trần Anh Tuấn cười và khẳng định thêm: Đúng là bà con các dân tộc ở đây rất tin tưởng bộ đội biên phòng. Ngay như dân tộc Mông, vốn nổi tiếng là sống rất kín đáo trong chuyện gia đình, nhưng lỡ bị đói, vợ chồng khúc mắc nhau, con cái ốm đau... đều sẵn sàng chia sẻ với bộ đội.
Tại đồn Biên phòng Lũng Làn, thượng úy quân y Nguyễn Công Hoan là người có quê xa nhất. Quê anh ở tận Quỳnh Lưu (Nghệ An). Vợ anh làm ruộng ở quê; 2 đứa con, đứa lớn 13 tuổi, đứa bé 6 tuổi ở nhà với vợ. Trước đây anh từng ở đồn Nghĩa Thuận (huyện Quản Bạ, Hà Giang) 10 năm và 2004 thì lên công tác ở đồn Lũng Làn này. Anh cho biết, hồi ở Nghĩa Thuận vợ con có lên thăm 1 lần, còn từ hồi lên Lũng Làn thì chưa. "Mình đang định hè này, sẽ đưa vợ con lên đây chơi một chuyến cho biết. Xa xôi cách trở, nhớ vợ, nhớ con lắm. Nhưng điều kiện công tác như vậy, phải chấp nhận thôi.
Niềm vui của đôi vợ chồng Giàng Thị Xay và Giàng Mý Vừ
trong "dịp tết” của Bộ đội Biên phòng tại đồn Lũng Làn
Khác với anh Hoan, trung úy Giàng Mý Dũng trong dịp này có vợ và con vào tận đồn thăm và động viên. Vợ anh là Giàng Thị Xay, vốn là giáo viên mầm non ở Lũng Làn. Năm 2005, anh Dũng về đồn Lũng Làn công tác rồi họ quen nhau, tìm hiểu nhau. Đến cuối 2006 thì cưới nhau. Vợ là người Mèo Vạc, còn chồng là người ở thị xã Hà Giang. Giờ thì họ đã có 1 con trai vừa tròn 1 tuổi. Năm ngoái, vợ chuyển ra Mèo Vạc công tác, vợ chồng đành tạm xa nhau. "Một tháng em và con đều vào thăm anh ấy cùng đồn ít nhất là một lần. Tết thì mẹ con em vào đồn ăn Tết luôn. Mấy hôm nay, em xin nghỉ 2 buổi dạy, đi nhờ xe vào thăm anh, cũng như để chúc mừng đồn nhân ngày truyền thống Bộ đội biên phòng. Con em vào suốt, nên nó cũng quen. Giờ cả đồn, ai bế đi chơi nó cũng cho cả. Mấy anh trong đồn bảo đó là con chung của cả đồn...” – cô giáo Xay tâm sự. Hỏi chuyện, từ cán bộ, chiến sĩ ai cũng bảo đôi đó đẹp. Yêu nhau ở đây, lấy nhau ở đây. Giờ xa nhau tý, nhưng vẫn luôn được gặp.
Đến với bộ đội biên phòng và bà con nơi đây, chúng tôi cũng được biết, trước đây trường Tiểu học và THCS Sơn Vĩ có hơn 400 em là học sinh nội trú, nhưng chỗ ở nội trú không đủ. Chỉ có một dãy nhà gỗ nhỏ, đủ cho khoảng 50 em ngủ. Số còn lại phải ngủ ngay tại phòng học. Thầy Nguyễn Văn Huân – Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Vĩ cho hay, chăn màn, chiếu để ở cuối phòng, sau buổi học, các em lại xếp bàn ghế lên phía trên, rải chiếu, chăn ra để ngủ và nghỉ ngơi. Buổi sáng lại thu xếp chăn chiếu và sắp xếp lại bàn ghế để học. "Đó là khi đã có dãy trường xây 2 tầng rồi, các em mới ngủ vậy được. Chứ hồi trước là trường tạm, thì gần như không có chuyện học sinh nội trú, vì không có chỗ cho các em ngủ lại. Xa mấy thì các em cũng phải sáng đi bộ tới trường, chiều đi bộ về nhà...” – thầy Huân kể lại. Tháng 4-2008, với số tiền 80 triệu đồng do một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ, trường và xã đã cùng nhau xây dựng căn nhà nội trú cho các em học sinh. Theo thầy Huân, lúc đầu định xây thấp, chỉ để một tầng giường ghép cho các em ngủ. Nhưng sau đó, xã và trường đã quyết định xây cao làm thêm một gác lửng nữa, nhằm tăng thêm chỗ nằm cho các em.
Chủ tịch xã Lù Thị Dâu cho biết, xã đã huy động nhân công xây nhà, huyện thì cho tiền mua ngói phiro xi xăng, bà con thì góp gỗ, ván để làm gác lửng và ghép giường cho các em học sinh. Bà con ai cũng phấn khởi và nhiệt tình đóng góp xây dựng... Và cho đến tháng 11-2008, căn nhà hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Thầy Huân tâm sự, "Có được căn nhà, các em đi học đều đặn hơn. Ăn ở cũng đỡ tạm bợ hơn. Em nào cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung hơn. Còn nhà trường thì cũng thấy vui hơn. Giá có thêm tiền, làm thêm 1 căn như thế nữa cho các em thì tốt. Thầy cô vẫn đang ở nhà tạm bợ, nhưng có thêm nhà cho học sinh nội trú thì vẫn tốt hơn...”.
Hơn một ngày ở Lũng Làn, chia tay chiều 1-3, trước sân trường Tiểu học Sơn Vĩ, Bí thư xã Hoàng Thị Tương nắm tay chúng tôi thật chặt mà bảo rằng: có dịp các anh lại lên đây thăm bà con Sơn Vĩ. Còn Phó chính trị viên đồn Biên phòng Lũng Làn thì lại bảo: "Khó khăn, vất vả bao nhiêu thì quân và dân ở đây cũng luôn đoàn kết thương yêu nhau”.
Theo Trần Lưu Bình/ddk.vn