(VOV5) - Các đại biểu cho rằng dự thảo văn kiện xác định vừa kế thừa vừa phát triển, bổ sung và cụ thể hóa nhiều điểm mới, bắt kịp với thời đại.
Tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, các đại biểu cho rằng dự thảo văn kiện xác định vừa kế thừa vừa phát triển, bổ sung và cụ thể hóa nhiều điểm mới, bắt kịp với thời đại.
Theo nhiều đại biểu, 3 khâu đột phá được Đảng Cộng sản Việt Nam nêu ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII lần này có nhiều điểm mới cụ thể và cập nhật được những diễn biến mới của thời đại, như khâu đột phát chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, Dự thảo văn kiện lần này nêu rõ phải phát triển đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, về môi trường và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đại biểu Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nêu ý kiến: "Quan trọng là đột phá về thể chế. Phải có thể chế, tạo hành lang pháp lý đủ mạnh đủ thông thoáng thì khơi dậy được mọi nguồn lực để phát triển…".
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà - Ảnh: Hải Phú/laodong.vn |
Còn theo đại biểu Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa, địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên nên đặc biệt quan tâm tới khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực. "Trong 3 khâu đột phá là thể chế, nhân lực và hạ tầng thì ở Khánh Hòa chúng tôi tận dụng khâu đột phá thứ 3, tức là và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để phục vụ cho một nền công nghiệp và dịch vụ thật sự có chất lượng. Do vậy, chúng ta phải chuyển hướng gấp cho việc mở rộng các khu công nghiệp và các ngành công nghệ cao để làm sao là nguồn nhân lực của chúng ta có thể đáp ứng được theo một xu thế phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa công tác nhân sự thì được chuẩn bị rất là kỹ" - ông Tuân nói.
Đại biểu Lê Hùng Sơn, đoàn tỉnh Quảng Ninh cho rằng: phải tập trung vào giáo dục và giáo dục phải đi trước một bước để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng trong tình hình mới hiện nay.
Ông Lê Hùng Sơn cho rằng: "Cần có những đột phá trong nguồn lực phát triển. Đặc biệt là đột phá trong giáo dục để xây dựng nguồn nhân lự chất lượng cao, để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số một cách toàn diện, để từ đó phát triển đất nước đột phá hơn".