Tiếng sáo gọi bạn

(VOV5) - Trong các hình thức sinh hoạt văn hoá của đồng bào dân tộc Mông, âm nhạc là hình thức gắn bó mật thiết với đồng bào. Ngày nay trong đồng bào còn sử dụng phổ biến các hình thức ca hát dân gian. Nhạc hát của đồng bào Mông có cả một kho tàng đồ sộ với nhiều nội dung phong phú như: hát tỏ tình giữa nam và nữ, hát trong cưới xin, ma chay. Những nhạc khí dân gian của đồng bào Mông cũng rất phổ biến và đa dạng, trong đó phải kể đến: Khèn Mông, Sáo Mông, Khèn Môi, Kèn lá.v.v. điểm đặc biệt của các nhạc khí này là có sự gia công của bàn tay con người. Ngoài chiếc Kèn lá là nhạc cụ hoàn toàn tự nhiên, còn các nhạc khí khác đều có sự sáng tạo cuả con người để tạo nên những cây sáo đa âm sắc và thuận tiện trong việc sử dụng.
                                                

Đàn Môi, Khèn, Sáo của đồng bào Mông đều được gắn một lá đồng mỏng để làm bộ phận tạo âm thanh. Riêng cây Sáo Mông là nhạc cụ được thanh niên rất ưa chuộng dùng để tỏ tình, dùng trong các lễ hội. Nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Quang Huy cho biết:“Nhìn hình thức bên ngoài, Sáo Mông giống như Sáo trúc ở Đồng Bằng. Thân sáo làm bằng nứa tép, hoặc trúc. Đầu sáo có gắn một lá đồng phát âm. Sáo có 7 lỗ. Sáo là người bạn trong lao động, bạn đường, bạn tâm đắc của các cô gái, nên đi đâu các chàng trai thường mang theo Sáo bên người.Âm thanh của Sáo như một lời tự sư, như tiếng vỗ về, vừa có tiếng thô, vừa có tiếng đục, tiếng nghe xù xì như thân cây cổ thụ đại ngàn, sẵn sàng chịu đựng thách thức với thiên nhiên, vẫn xoà tán là đồ sộ giữa hoa ngàn cỏ dại, lại vừa có tiếng trong trẻo, thủ thỉ như giọng nói của con người".

Sáo Mông là nhạc cụ rất phổ biến, nên nếu quý vị và các bạn đến các bản làng của đồng bào Mông ở khu vực miền núi phía Bắc, không phải chờ tới ngày hội mới được nghe tiếng sáo. Các chàng trai Mông ai cũng biết thổi sáo và họ thổi sáo ở mọi lúc, mọi nơi có thể. “Những đêm trăng sáo, trên các triền núi cao, tiếng Sáo vang lên trên những xóm núi. Đó là tiếng sáo bày tỏ niềm tâm sự thầm kín của các chàng trai với người mình yêu. Tiếng sáo thủ thỉ như lời hát trong một bài dân ca:

                   "Người Yêu đang say trong giấc ngủ

                   Sáo bạn tình ai thổi réo rắt bản ngoài,

                   Giấc mơ say người trong chợt tỉnh

                   Sáo bạn tình ai thổi văng vẳng bên tai

Ngay từ những năm 1970, cây sáo Mông đã có mặt trên sân khấu biểu diễn chuyên nghiệp, mà người đưa cây sáo Mông lên sân khấu đầu tiên chính là nghệ sĩ Nhân dân Lương Kim Vĩnh. Ông đã có nhiều cải tiến cây sáo, mở rộng tầm cữ âm vực, cũng như kỹ thuật diễn tấu. Với những cải tiến của nghệ sĩ Lương Kim Vĩnh đã khiến cho cây sáo có thể diễn tấu linh hoạt được nhiều loại hình âm nhạc khác nhau, từ những bản nhạc cổ đến những sáng tác mới, có thể chơi độc tấu, song tấu và hoà tấu trong nhiều dàn nhạc.Từ những cải tiến của nghệ sĩ Lương Kinh Vĩnh, cây sáo Mông đã theo chân các nghệ sĩ Việt nam có mặt trong những chương trình biểu diễn, giai lưu, cũng như tham dự các Festival âm nhạc quốc tế, được bạn bè thế giới yêu thích.

Nhấn vào file để nghe âm thanh:



Phản hồi

Các tin/bài khác