(VOV5) - Tại COP29, các thảo luận về NCQG được dự báo sẽ rất căng thẳng và phức tạp bởi cho đến nay các bên hầu như chưa thống nhất được khía cạnh nào trong NCQG.
Diễn ra từ 11/11 đến 22/11 tại thủ đô Baku, Azerbaijan, Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP29) sẽ phải tìm giải pháp cho một loạt các vấn đề lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là vấn đề tài chính.
Được nhiều chuyên gia nhận định là Thượng đỉnh về “tài chính khí hậu”, nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra tại COP29 là xây dựng một cơ chế huy động tài chính mới mang tính ràng buộc, trong đó các quốc gia và tổ chức, đặc biệt là các nước phát triển, cần đóng góp tài chính một cách nhanh chóng và đúng như các cam kết đã đưa ra, nhằm hỗ trợ quá trình loại bỏ dần nhiên liệu hoá thạch, tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, bù đắp thiệt hại cho các quốc gia và lãnh thổ chịu thiệt hại nặng nhất về biến đổi khí hậu.
Các số liệu được công bố trước thềm COP29 cho thấy các cam kết tài chính khí hậu đều còn cách rất xa mục tiêu đặt ra. Trong báo cáo thường niên mang tên “Khoảng cách thích ứng” (Adaptation Gap Report) công bố hôm 06/11, Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) cho biết năm 2022, các nước phát triển mới đóng góp 28 tỷ USD cho các nước đang phát triển nhằm thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, trong khi cam kết được các nước phát triển đưa ra từ năm 2009 lên tới 100 tỷ USD/năm. Theo ông Henry Neufeldt, Trưởng nhóm Khoa học soạn thảo báo cáo, khoảng cách giữa cam kết và thực hiện đang là tỷ lệ 10-1, tức các quốc gia chỉ thực hiện được khoảng 1/10 cam kết. Với thực trạng này, đến năm 2030, khoảng cách giữa cam kết và thực thi trong vấn đề tài chính khí hậu lên tới 359 tỷ USD/năm.
Sân vận động Baku (Azerbaijan), nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc từ 11 – 22/11/2024. Ảnh: COP29 |
Nhằm thay thế cho cam kết 100 tỷ/năm được đánh giá là đã thất bại, COP29 sẽ thảo luận việc xây dựng cơ chế đóng góp tài chính mới mang tên “Mục tiêu định lượng tập thể mới” (NCQG). NCQG sẽ có hiệu lực từ năm sau, với mục tiêu định lượng được nhu cầu tài chính khí hậu của các nước đang phát triển và định lượng được đóng góp từng năm của nhóm các nước phát triển, kèm theo cơ chế thực thi mang tính ràng buộc hơn “cam kết 100 tỷ” trước đây. Theo tính toán của Ngân hàng thế giới (WB), đến năm 2030, nhu cầu chi tiêu vào lĩnh vực khí hậu của toàn bộ các nước đang phát triển (trừ Trung Quốc) lên tới khoảng 2.400 tỷ USD. Trong số này, chỉ có khoảng 1.000 tỷ đến từ đóng góp của các nước phát triển và các nhà tài trợ, do đó, thách thức lấp đầy khoảng trống còn lại rất lớn. Ông Henry Neufeldt nhận định: “Không có cách nào để khoảng cách này được lấp đầy bởi NCQG. Chúng ta cần khuyến khích và bổ sung các nguồn tài chính từ khu vực tư nhân và đây là bài toán hóc búa. Ngoài ra, cũng cần gia tăng đầu tư công, cả trên phạm vi quốc tế lẫn trong nội bộ các nước bởi rất nhiều việc cần làm trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu không thể được tài trợ bởi khu vực tư nhân”.
Tại COP29, các thảo luận về NCQG được dự báo sẽ rất căng thẳng và phức tạp bởi cho đến nay các bên hầu như chưa thống nhất được khía cạnh nào trong NCQG, từ việc làm cách nào để các nước phát triển có thể đóng góp nhiều hơn nữa khi ngay cả cam kết 100 tỷ USD/năm cũng đã rất chật vật để thực hiện, cho đến việc xác định danh sách các nước thuộc nhóm “phát triển” phải đóng góp. Tranh cãi tiếp theo là việc liệu có gộp Quỹ đền bù mất mát và thiệt hại vì biến đổi khí hậu, ý tưởng được đưa ra từ COP28, vào trong NCQG hay không, đồng thời xác định rõ tiêu chí chính xác của “tài chính khí hậu” là gì… Việc thiếu vắng lãnh đạo cấp cao của các tổ chức, quốc gia đóng góp nhiều nhất, như: Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen; Tổng thống Mỹ, Joe Biden; Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình (Xi Jinping); Tổng thống Brazil, Lula da Silva… tại COP29 này càng khiến nhiều người hoài nghi hơn về các cam kết tài chính mà nhóm các cường quốc này có thể đưa ra.
Bên cạnh vấn đề tài chính khí hậu, ưu tiên tiếp theo của COP29 là việc xây dựng được các quy định quốc tế liên quan đến việc trao đổi tín chỉ carbon, gồm: xác định tiêu chí tín chỉ carbon; xây dựng cơ chế minh bạch về chuyển nhượng tín chỉ; xây dựng trung tâm lưu ký quốc tế về tín chỉ carbon… Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gần đây ngày càng gây ra nhiều thiệt hại, y tế cũng là một ưu tiên của COP29. Một báo cáo mang tên “2024 Lancet Countdown”, công bố hôm 30/10, tập hợp đánh giá của khoảng 120 chuyên gia trên toàn cầu, nhận định các đe doạ về y tế liên quan đến biến đổi khí hậu đã đạt mức cao chưa từng thấy. Cụ thể, khoảng 570.000 người trên thế giới đã thiệt mạng vì thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra trong vòng 20 năm qua, trong đó riêng hiện tượng nắng nóng cực đoan đã khiến số ca tử vong liên quan đến nắng nóng tăng 167%. Bà Marina Romanello, Giám đốc điều hành Lancet Countdown, nhận định: “Với chúng tôi, điều quan trọng nhất tại COP29 này là việc đưa các vấn đề y tế vào các thảo luận tài chính. Các tác động y tế của biến đổi khí hậu là vô cùng to lớn. Chỉ riêng việc mất năng lực lao động cũng đã đạt mức kỷ lục, lên tới 7,6% GDP của những quốc gia nghèo nhất”.
Một chủ đề khác cũng có thể là ưu tiên thảo luận tại COP29 là vấn đề minh bạch. Trước thềm COP29, nước chủ nhà Azerbaijan đã công bố “Nền tảng Baku về Minh bạch khí hậu toàn cầu” nhằm giúp các quốc gia hoàn tất các nghĩa vụ báo cáo liên quan đến các tiến bộ đạt được trong việc cắt giảm phát thải hay đóng góp cho tài chính khí hậu, qua đó buộc các nước có trách nhiệm cao hơn trong thực thi các cam kết khí hậu.