(VOV5) - Sáng nay, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên và một số tổ chức xã hội góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Dũng, đóng góp 5 ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 và cho rằng: Điều 4 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đã bổ sung hai đoạn hết sức quan trọng. Đó là: "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" ,và "Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Góp ý vào điều 39, ông Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam, cho rằng: So với Điều 64 hiện hành, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã bỏ khoản 1 là “Gia đình là tế bào của xã hội”. Ông Duyệt đề nghị cần giữ lại bởi gia đình là nền tảng của xã hội và của quốc gia và để xây dựng xã hội văn minh, phát triển cần xây dựng yếu tố gia đình. Theo ông Duyệt:“Giữ lại câu này để xác định rằng, tất cả mọi người, tất cả mọi tổ chức do nhân dân lập ra đều có trách nhiệm giáo dục, rèn luyện, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc thì nó thực sự là tế bào của xã hội. Nhất là thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, những tiêu cực kinh tế thị trường đang xâm phạm vào từng ngõ ngách và đang làm đảo lộn nề nếp, đạo đức của từng gia đình”.
Trước đó, ngày 26/2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các đại biểu góp ý vào các nội dung cụ thể. Về Điều 21 về quyền sống nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Hiến pháp quy định chưa rõ, cần làm rõ thêm vì đây là quyền cực kỳ quan trọng; Điều 68 và một số điều khác có ghi “các quyền… thực hiện theo quy định của pháp luật”, các đại biểu đề nghị sửa bằng câu “theo quy định của luật” vì luật do Quốc hội ban hành nhằm đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Điều 30 “công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”, các đại biểu cho rằng cần đặt ở vị trí rõ ràng hơn và xác lập thế chủ động của người dân.
Ông Đồng Văn Khiêm, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất: “Tôi đề nghị phải bổ sung sửa đổi một số điều, ví dụ trong Hiến pháp cũ có ghi “mọi âm mưu và hành động chống phá Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa”, trong dự thảo Hiến pháp mới lại bỏ chữ “âm mưu” đi, tôi cho là như thế không thỏa đáng vì như vậy chúng ta chỉ trừng trị bọn tay sai thôi, còn bọn âm mưu, đầu sỏ lại không bị trừng trị. Hay là một điều về quyền con người ghi “mọi người đều có quyền sống”, như thế không thỏa đáng. Bởi vì như thế trong Luật hình sự chúng ta phải bỏ tội tử hình đi. Mà trong điều kiện hiện nay, cái bọn mà không tiếc cuộc sống của nó và cũng chà đạp lên cuộc sống của cộng đồng thì phải loại trừ ra khỏi xã hội.”
Các đại biểu cũng thống nhất cần tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng để đảm bảo công bằng xã hội và phù hợp với nguyện vọng của toàn dân. Giáo sư, bác sỹ Trần Đông A, nêu ý kiến: “Theo tôi trong hoàn cảnh hiện tại, Hiến pháp phải quy định rõ và luật hóa được sức mạnh hệ thống của chúng ta mà đã được quốc tế công nhận, từ nòng cốt lãnh đạo là Đảng Cộng sản VN đến nền tảng, cơ sở chính trị. Có như thế mới phù hợp với thay đổi của đất nước trong bối cảnh hội nhập thế giới, trong khi tình hình quốc tế có biến đổi sâu sắc và phức tạp, mới thực hiện được và tránh được những điều mà Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận xét.”
Cùng ngày, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội nghị các nhóm phụ nữ góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. 70 đại biểu đại diện cho các tầng lớp phụ nữ đến từ các tỉnh miền Trung tham dự hội nghị đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; tập trung vào các vấn đề như: phương thức thực hiện quyền lực Nhà nước của nhân dân, quyền con người, quyền công dân, việc bảo vệ Hiến pháp.../.