Vấn đề đất đai và môi trường trong Dự thảo Hiến pháp 1992 được cho ý kiến

(VOV5) - Hôm nay, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai nhằm kiểm tra công tác tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh cần tranh thủ sự đóng góp ý kiến của tầng lớp trí thức, nhà khoa học, người làm công tác quản lý. Với đặc thù là tỉnh công nghiệp (có gần 700.000 công nhân lao động) và là địa phương có số giáo dân (gần 1 triệu người) đông nhất cả nước, Đồng Nai cần đẩy mạnh công tác lấy ý kiến góp ý dự thảo Hiến pháp ở những đối tượng này.


Chiều cùng ngày, tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 do Bộ tài nguyên và môi trường tổ chức, các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung thuộc lĩnh vực ngành quản lý như môi trường, tài nguyên đất, nước, khoáng sản. Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng trưởng Tổng cục đất đai, Dự thảo đã tập hợp và đưa ra được cách giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực thi Hiến pháp 1992. Dự thảo cũng đã thể hiện được tinh thần của Nghị quyết 19 tại Hội nghị TW 6 liên quan đến các quan điểm lớn về đất đai. Tuy nhiên, Dự thảo cần bổ sung thêm 2 đối tượng sử dụng đất là hộ gia đình và các cộng đồng dân cư, để các đối tượng này cũng phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Về vấn đề biển, ông Phạm Ngọc Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam, nêu ý kiến:  Đề nghị thêm 1 điều về tài nguyên biển. Vì Nghị quyết TW 4 đã nói chúng ta sẽ tiến ra biển và chúng ta sẽ tăng GDP từ biển rất lớn. Nếu như được chấp nhận thì điều này khẳng định rõ chúng ta sẽ quản lý tài nguyên biển, khai thác sử dụng tài nguyên biển để bảo đảm nó được khai thác bền vững cũng như bảo vệ môi trường, là định hướng cho các luật chuyên ngành sau này.


Đề cập vấn đề môi trường, ông Lê Kế Sơn, Tổng cục trưởng Tổng cục môi trường, kiến nghị: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của Nhà nước, xã hội và là nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân. Chúng tôi đề nghị phải thêm vào đó trách nhiệm và quyền lợi của mọi tổ chức và cá nhân có hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Có như vậy mới xác định rõ hơn đối tượng và phạm vi bảo vệ môi trường, thống nhất với Luật bảo vệ môi trường năm 2005 và Luật môi trường đang sửa đổi.


Sáng cùng ngày, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Các ý kiến đánh giá cao việc Dự thảo sửa đổi đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đã có quy định đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác