Anh Trần Thắng với bộ sưu tập của mình tại tư gia.Bộ sưu tập bản đồ của Anh Trần Thắng là một trong những tư liệu lịch sử - pháp lý có giá trị, góp phần vào việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các tư liệu này đã được UBND huyện Hoàng Sa tổ chức triển lãm vào ngày 20/01/2013 để giới thiệu rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân tìm hiểu.
Để tư liệu được đến với đông đảo bạn đọc và công chúng, Ban Biên tập Trang thông tin điện tử UBND huyện Hoàng Sa sẽ lần lược giới thiệu các tư liệu này trên Trang thông tin điện tử UBND huyện Hoàng Sa.
Đôi nét về anh Trần Thắng
Anh Trần Thắng sinh năm 1971 tại tỉnh Quảng Ngãi, là cháu ngoại của nhà thơ Tế Hanh. Năm 1991, gia đình anh sang Hoa Kỳ định cư. Vốn là sinh viên Trường đại học Bách khoa TP.HCM, chuyên ngành cơ khí, năm 1991, anh cùng gia đình định cư tại Connecticut, Hoa Kỳ. Tại đây, anh tiếp tục theo đuổi và tốt nghiệp ngành cơ khí tại Trường ĐH Connecticut. Sau khi tốt nghiệp ĐH Connecticut, anh Trần Thắng học tiếp để lấy văn bằng hai chuyên ngành quản lý nhà máy. Năm 1999, anh chính thức làm công việc chuyên môn tại Công ty tàu ngầm nguyên tử Electric Boat. Năm 2000 anh về đầu quân cho Công ty động cơ máy bay Pratt & Whitney. Anh hiện là Chủ tịch Hội Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (viết tắt là IVCE, có địa chỉ trang thông tin là http://www.ivce.org ).
Anh là người của xã hội và có nhiều cống hiến cho những nỗ lực phát triển cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Anh cùng một số trí thức thành lập Hội Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ với ban cố vấn là những tên tuổi lớn như GS Trần Văn Khê, GS John Balaban, GS Nguyễn Thuyết Phong, TS Ngô Thanh Nhàn, nghệ sĩ sáo Nguyễn Đình Nghĩa...
Hằng năm IVCE thực hiện các chương trình cùng các hoạt động giao lưu với nghệ sĩ và trao đổi, thảo luận về tác phẩm. Qua những chương trình này, các bộ phim Ðời cát, Mê Thảo - thời vang bóng, Vua bãi rác, Của rơi, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Trăng nơi đáy giếng, Đừng đốt, Cánh đồng bất tận... đã được giới thiệu tại Mỹ. Anh cùng các cộng sự IVCE mở các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên du học, về Việt Nam tổ chức hàng loạt hội thảo du học miễn phí từ Bắc đến Nam, vận động các bạn du học sinh và sinh viên gốc Việt các trường ĐH danh tiếng dành cả mùa hè về VN chia sẻ kinh nghiệm học tập, nghiên cứu và dạy tiếng Anh miễn phí cho hàng ngàn học sinh.
Sức hút từ những bản đồ
Lãnh đạo Bộ Ngoại giao sang Mỹ trao bằng khen cho anh Trần Thắng.Sau khi báo chí trong nước và quốc tế loan tin từ cuộc trưng bày Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ 1904 của Nhà Thanh chỉ rõ cương giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, anh Trần Thắng đã ngay lập tức lùng sục khắp nơi để tìm kiếm nguồn tư liệu có giá trị lịch sử - pháp lý này để đóng góp cho Tổ quốc. Và chỉ trong thời gian ngắn, anh đã sưu tầm được 03 atlats bản đồ và gần 150 bản đồ riêng lẻ, có giá trị và tìm cách liên hệ các cơ quan chức năng. Sau đó, anh quyết định tặng số tư liệu này cho UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng.
Atlas of the Chinese Empire (Trung Quốc địa đồ) năm 1908 không có Hoàng Sa, Trường Sa
Đây là tập bản đồ được xuất bản năm 1908, bằng tiếng Anh. Atlas này gồm 1 bản đồ tổng thể (Index Map) vẽ toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và 22 bản đồ vẽ các tỉnh của Trung Quốc. Các bản đồ đều có kích thức 31cm x 41cm. Ðây là atlas chính thức, được in lần đầu tại Trung Quốc với số lượng in giới hạn, do The China Inland Mission (Hội Truyền giáo nội địa), có trụ sở ở Thượng Hải (Trung Quốc), London (Anh), Philadelphia (Hoa Kỳ), Toronto (Canada) và Melburn (Úc), biên soạn và phát hành với sự giúp của Tổng cục Bưu chính của nhà Thanh và sự trợ giúp kỹ thuật của một người Anh tên là Edward Stanford.
Ảnh bìa trước của quyển Atlas năm 1908.
Ảnh trang đầu của Atlas 1908
Đây là ảnh bản đồ tổng thể lãnh thổ Trung Quốc trong quyển Atlas 1908, phía dưới thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, không hề có 02 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, như tuyên bố sai trái của họ.
Đây là ảnh bản đồ tỉnh Quảng Đông trong Atlas 1908, trong đó cũng thể hiện rõ cực nam của tỉnh này chỉ đến đảo Hải Nam (lúc bấy giờ đảo Hải Nam chưa tách thành tỉnh riêng mà đơn vị trực thuộc tỉnh Quảng Đông), không có chỗ nào liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. 3
(xem tiếp Phần 2 - Atlas năm 1919 tiếp tục phản ánh sự thật lịch sử của Trung Quốc không hề có Hoàng Sa - Trường Sa)
Ban Biên tập/http://hoangsa.danang.gov.vn