Chuyên gia Australia: Các nước cần phản đối các hoạt động vi phạm UNCLOS 1982
(VOV5) - Theo Tiến sĩ Bec Strating, Biển Đông là tuyến thương mại quan trọng đối với nhiều quốc gia.
Các cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân cùng các nhà báo, phóng viên trên tàu Trường Sa 19 vẫy chào cán bộ chiến sĩ trên Nhà giàn Dk1/15 - Ảnh minh họa: TTXVN
|
Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia Đông Nam Á ven biển vì UNCLOS cung cấp khuôn khổ pháp lý cho các nước này các quyền về khai thác hải sản và tài nguyên năng lượng cũng như nhiều quyền khác. Vì vậy, các quốc gia đều phải tuân thủ UNCLOS và phản đối các hoạt động vi phạm Công ước này. Đây là nhận định của Tiến sĩ Bec Strating, giảng viên cao cấp về chính trị và quan hệ quốc tế thuộc Khoa Chính trị và Triết học - Đại học La Trobe (Australia), về việc Trung Quốc gần đây đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông.
Cũng theo Tiến sĩ Bec Strating, Biển Đông là tuyến thương mại quan trọng đối với nhiều quốc gia. Vì vậy, trong mọi trường hợp, tất cả các quốc gia phải ủng hộ và bảo vệ các nguyên tắc tự do thương mại và hàng hải. Tiến sĩ Bec Strating đồng thời đánh giá cao các biện pháp mà Việt Nam đã thực hiện cho đến nay để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; đảm bảo mối quan hệ đối tác với các quốc gia mong muốn bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc hàng hải. Ngoài ra, Việt Nam còn đóng vai trò quan trọng trong tiến trình đàm phán hình thành Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).