Công ước Luật biển 1982 có ý nghĩa lịch sử với nhân loại

(VOV5) - UNCLOS giúp tăng cường hòa bình, an ninh, ổn định trên thế giới, góp phần giải quyết tranh chấp liên quan đến biển và đại dương.

Hôm qua (8/12), tại trụ sở Liên hợp quốc, New York, Hoa Kỳ, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp Quốc Đặng Hoàng Giang đồng chủ trì Phiên họp chính thức kỷ niệm 40 năm ngày ký Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).

Công ước Luật biển 1982 có ý nghĩa lịch sử với nhân loại - ảnh 1Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện cho hơn 40 nước thành viên của Nhóm bạn bè UNCLOS (UNCLOS GoF), Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh UNCLOS có ý nghĩa lịch sử đối với cả nhân loại, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc sử dụng đại dương một cách trật tự và bền vững.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển được ký thông qua ngày 10/12/1982 với 107 quốc gia tham, trong đó có Việt Nam. Công ước chính thức có hiệu lực từ ngày 16/11/1994 và trở thành một trong những văn kiện quốc tế quan trọng nhất của thế kỷ XX. Đến thời điểm này, đã có 168 quốc gia phê chuẩn Công ước.

 

UNCLOS giúp tăng cường hòa bình, an ninh, ổn định trên thế giới, góp phần giải quyết tranh chấp liên quan đến biển và đại dương. Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang, tất cả các quốc gia đều phải tuân thủ các nghĩa vụ theo Công ước luật biển 1982. Hoạt động của các quốc gia, bao gồm các yêu sách về biển, các hoạt động biển phải phù hợp với UNCLOS, góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững.

Dịp này, Việt Nam cùng Hy Lạp, Ai Cập và Senegal đồng tổ chức Hội thảo “40 năm thông qua UNCLOS - Những thành tựu và thách thức đặt ra”. Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã thay mặt các nước đồng tổ chức tái khẳng định cam kết đối với các mục tiêu và nguyên tắc phổ quát được nêu trong UNCLOS, đồng thời bày tỏ mong muốn được hợp tác với các thành viên khác để phát huy vai trò của UNCLOS trong giải quyết các thách thức chung, duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. 
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác