(VOV5) - Hội thảo đã phân tích và đưa ra nhiều nhận định, đánh giá về tình hình chính trị, an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó trọng tâm là khu vực Biển Đông.
Ngày 18/11, Viện Á-Phi thuộc Đại học Hamburg (Đức) đã tổ chức hội thảo quốc tế về các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và vấn đề Biển Đông, theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến.
Tiến sỹ Eve Wilden, Viện trưởng Viện Á-Phi, Đại học Hamburg phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Mạnh Hùng/TTXVN |
Với chủ đề "Các chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và Biển Đông - Quan điểm từ khu vực", hội thảo thu hút sự tham gia và thảo luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp, Australia, Nhật Bản... Hội thảo đã phân tích và đưa ra nhiều nhận định, đánh giá về tình hình chính trị, an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó trọng tâm là khu vực Biển Đông; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp giải quyết xung đột trong khu vực.
Tại hội thảo, các chuyên gia đều khẳng định Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài PCA là những cơ sở pháp lý vững chắc nhất và quan trọng nhất cho việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Các hành vi đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế, gây hấn, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực với các quốc gia khác là không thể chấp nhận được.
Theo các chuyên gia, chỉ có tích cực đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau, tính đến lợi ích hài hòa giữa các bên, đồng thời thúc đẩy niềm tin và tăng cường hợp tác hướng tới tương lai lâu dài, mới là biện pháp tối ưu nhất trong giải quyết xung đột, bảo vệ hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.