(VOV5)- Trong hai ngày 9 và 10/10 tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Viện Konrad Adenauer (Cộng hòa Liên bang Đức) phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Tranh chấp ở Biển Đông: Tác động và các hướng tiếp cận hòa bình, hợp tác”.
Hội thảo là diễn đàn khoa học để các học giả quốc tế và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất của mình, đặc biệt tập trung đánh giá tác động đa chiều của tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, từ đó đề xuất các giải pháp theo hướng hòa bình, hợp tác phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, Luật pháp quốc tế và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Ông Phùng Xuân Nhạ, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Ý nghĩa quan trọng của hội thảo này là có một cách tiếp cận mới về một vấn đề không mới. Biển Đông là một vấn đề không mới và sẽ luôn luôn là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Hội thảo nhìn vấn đề xung đột ở Biển Đông không phải từ góc độ của một, hai nước hay vấn đề về sức mạnh của một hay hai nước mà nhìn từ sự đoàn kết và tiếng nói của cộng đồng quốc tế phải tôn trọng Luật pháp quốc tế. Khi sự đoàn kết này có một định hướng đúng thì nó tạo sức mạnh và chính sức mạnh này làm cho lực lượng không tôn trọng luật pháp quốc tế sẽ phải chùn bước.”
Tham luận của các chuyên gia tập trung vào các chủ đề: vai trò của ASEAN trong ngăn ngừa xung đột đang leo thang ở Biển Đông; nhận định quan hệ ngoại giao Trung Quốc đối với Việt Nam; tranh chấp lãnh thổ Biển Đông trong bối cảnh luật pháp quốc tế, cơ sở pháp lý và các phương thức giải quyết một cách hòa bình tranh chấp quốc tế về chủ quyền biển đảo. Với tư cách là thành viên của ASEAN, Việt Nam trước sau như một khẳng định mong muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác với ASEAN trong vấn đề Biển Đông.