Những “cột mốc” chủ quyền trên thềm lục địa: Bia chủ quyền sống trên biển


Vượt lên trên những cách trở về không gian, thời gian, gian nan, thiếu thốn là tinh thần trụ vững kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió của người lính biển


LTS:
Ít ai biết giữa đại dương mênh mông cách đất liền hàng nghìn km lại có những ngôi nhà nhỏ bé mọc lên từ đáy đại dương, bốn mùa dầm chân trong nước biển mặn. Đó là các Trạm Kinh tế - Khoa học - Dịch vụ DK1 (thường gọi là nhà lô, nhà chòi, hay nhà giàn) đóng trên thềm lục địa Tổ quốc. Đó là nơi chốt giữ của cán bộ, chiến sĩ tiểu đoàn DK1, vùng 2 Hải quân. Nắng cũng như mưa, ngày cũng như đêm, mùa biển lặng cũng như mùa giông bão, họ phải gồng mình chịu sự khắc nghiệt của thời tiết, và nỗi nhớ đất liền luôn trào dâng trong lòng. Vượt lên trên khó khăn trở ngại ấy là tinh thần kiên cường bám trụ, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.

 Những “cột mốc” chủ quyền trên thềm lục địa: Bia chủ quyền sống trên biển  - ảnh 1

Nhà giàn DK1 vững vàng trên thềm lục địa Tổ quốc

Vành đai đảo thép trên biển

Trước yêu cầu bảo vệ vùng biển thềm lục địa Tổ quốc, ngày 5/7/1989, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) giao cho Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Công binh thăm dò, khảo sát và đóng các nhà nổi trên các bãi đá san hô ngầm khu vực thềm lục địa lãnh hải nước ta, từ Bãi cạn Ba Kè (giáp quần đảo Trường Sa), đến Bãi cạn Cà Mau (biển Cà Mau tỉnh Minh Hải, nay là tỉnh Cà Mau - vùng tiếp giáp với biển Malaysia và Philippines)… Các nhà giàn ra đời từ đó với nhiệm vụ là canh giữ vùng biển,  vùng trời, làm tiêu và chỗ dựa cho ngư dân ra khai thác đánh bắt hải sản, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng biển, vùng trời thềm lục địa của Tổ quốc.

Các nhà giàn được kết cấu bằng thép do Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng có sức bền lâu dài và chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết như gió to, bão lớn cấp 10, cấp 11, có chân bằng thép cắm sâu xuống đáy san hô. Nhà chia thành nhiều tầng, nhiều khối để sinh hoạt học tập với diện tích sử dụng hàng trăm m2/tầng. Mùa sóng bão, nhà rung lắc nhưng không chao đảo và không dễ gì đổ được. Theo quy định, khi có bão to, xảy ra hiện tượng nhà rung lắc mạnh là cán bộ,  nhân viên được lệnh chuyển xuống tàu an toàn.

Hiện nay trên vùng biển thềm lục địa Bà Rịa - Vũng Tàu có 15 nhà giàn ở các cụm Ba Kè, Phúc Tần, Quế Đường, Tư Chính, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Cà Mau tạo thành một vành đai đảo thép trên biển. Mỗi nhà như một “pháo đài” vững chắc. Trên đó là những người trẻ tuổi ngày đêm quan sát phát hiện mục tiệu lạ, “mời” ra khỏi vùng biển được phân công. Đó là cán bộ chiến sĩ tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân - những người mà anh em gọi nửa đùa nửa thật là “Bia chủ quyền sống” trên biển. Những “tấm bia” ấy không chỉ gồng mình với điều kiện khắc nghiệt, mà còn phải chịu đựng nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Nhưng vượt lên trở ngại về không gian cách trở, gian khổ, thiếu thốn là tinh thần trụ vững kiên cường nơi đầu sóng ngọn gió.

Nơi “hai thừa, ba thiếu, ba khát”

Vùng biển thềm lục địa Tổ quốc được coi là “vùng biển bão tố”. Thời tiết ở đây chia làm 2 mùa rõ rệt. Mùa biển lặng từ tháng 4 đến tháng 10. Mùa bão tố từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nắng gió đã làm cho da của những người lính ở đây đen cháy. Những cái tên thân thương “Nhật da chum”, “Hạnh da mầu”, “Thuỷ Ăng gô la” cũng bắt nguồn từ cái nắng như thiêu, như đốt ấy. Do khí hậu ở đây vô cùng khắc nghiệt. Việc trồng rau xanh được ươm trong máng gỗ và làm nhà cho rau ở, gió chiều nào, che chiều ấy. Bây giờ nhà nào cũng có rau xanh tươi tốt, nhưng vẫn là “hàng” hiếm hoi. Một nhà giàn có hơn chục bồn rau, gọi là nhiều nhưng phải tiết kiệm ăn dần. Mọi người thường gọi lính nhà giàn là “hai thừa, ba thiếu, ba khát”. Đó là thừa nắng, thừa gió; thiếu rau xanh, thiếu nước ngọt, thiếu báo chí; khát thư nhà, khát văn công và khát hơi ấm đất liền.

 Những “cột mốc” chủ quyền trên thềm lục địa: Bia chủ quyền sống trên biển  - ảnh 2

Rau xanh ở nhà giàn DK1 được trồng trên các máng gỗ từ đất liền mang ra


Nói về nước ngọt, ít ai biết ở đây nước ngọt hiếm hơn cả Trường Sa. Ở Trường Sa, nước ngọt được các chiến sĩ đào giếng lấy lên từ lòng biển, còn ở nhà giàn, nước ngọt được mang ra từ đất liền và hứng từ mưa trời là chủ yếu. Với mỗi nhà giàn, lượng nước ngọt dự trữ khó có thể đủ cho hơn chục con người dùng trong 6 tháng mùa khô. Vì thế, chỉ huy đã lên “kế hoạch tắm” cho bộ đội. Mùa mưa 2 ngày tắm 1 lần, mùa khô tuần tắm 2 lần. Có nhà giao cho người quản lý bếp ăn đong nước sẵn trong can nhựa, một tuần, mỗi người được dùng 1 can 30 lít cho cả tắm giặt. Nước thừa dồn vào một thùng để tưới rau miễn không lẫn xà bông và nước mặn. Bắt đầu từ tháng 10 dương lịch là phải tắm theo kế hoạch 2 lần/tuần. Anh em tiết kiệm nước thừa để tưới rau bằng cách “tắm tiên”. Nhiều hôm sau khi huấn luyện, anh em rủ nhau ra tắm gió, kỳ ghét bở như vỏ khoai lang, hoặc nhảy ùm xuống biển tắm, nước ngọt chỉ tráng qua người.

Nếu ở Trường Sa, chiến sĩ “khát” văn công một, thì ở các nhà giàn DK1 “khát” văn công mười. Ở Trường Sa, cứ tháng 4, tháng 5 hằng năm, đến hẹn văn công lại ra biểu diễn cho bộ đội xem, nhưng đối với các nhà giàn DK1, được xem văn công biểu diễn là vô cùng hiếm hoi. Những nhà giàn ở cụm Quế Đường, Ba Kè có thể mỗi năm được xem văn công một lần, nhưng đối với chiến sĩ các nhà giàn Tư Chính, Phúc Nguyên, Cà Mau, 3 - 4 năm, thậm chí 5 năm mới được xem văn công một lần. Nhân viên Đặng Văn Anh, nhà giàn Tư Chính thổ lộ: “Đã lâu rồi chưa một lần nhìn thấy con gái, chưa một lần cầm tay con gái. Chỉ cần nói có văn công là cả trạm thấp thỏm đợi chờ nhiều đêm không ngủ, mong từng ngày từng giờ đoàn đến”./.


Mai Thắng/vovonline

Phản hồi

Các tin/bài khác