(VOV5) - hội thảo diễn ra ba phiên thảo luận với các nội dung chính là: Kinh nghiệm khu vực và quốc tế về phân định biển và giải quyết tranh chấp trên biển
Ngày 4/12, tại Hà Nội, diễn ra Hội thảo quốc tế về “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông” do Học viện Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Anh, Đại sứ quán Australia đồng tổ chức.
Với sự tham gia của các diễn giả quốc tế và khu vực đến từ Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên Hợp Quốc (UN ILC), Anh, Australia, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam, hội thảo diễn ra ba phiên thảo luận với các nội dung chính là: Kinh nghiệm khu vực và quốc tế về phân định biển và giải quyết tranh chấp trên biển; các khía cạnh pháp lý trong hoạt động và hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp lý trên biển; và thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên Biển Đông.
Tiến sĩ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, cho biết biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, an ninh trong khu vực và trên toàn cầu, là vùng biển có những tuyến giao thương nhộn nhịp nhất thế giới. Những diễn biến gần đây ở Biển Đông đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thực thi luật biển, nhưng đồng thời cũng đặt ra những rủi ro nhất định đối với an ninh khu vực, trong bối cảnh một số quốc gia đang tìm cách thay đổi hơn là gìn giữ trật tự hiện hành.
|
Tiến sĩ Phạm Lan Dung cho biết: Là một quốc gia ven biển, Việt Nam luôn nỗ lực hành động vì sự ổn định và hòa bình trong khu vực, đảm bảo trật tự hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, giải quyết các vấn đề mới nổi bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 cùng với các điều luật quốc tế hiện hành khác. Đến thời điểm hiện tại, các lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã hợp tác với các cơ quan liên quan của nhiều quốc gia gồm Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ và một số quốc gia Châu Âu khác.
Đại sứ Australia tại Việt Nam Craig Chittick cho rằng Australia, ASEAN và nhiều nước đang chia sẻ một tầm nhìn chung trong khu vực và mọi tranh chấp đều phải được giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa quân sự. Đảm bảo các quyền tự do hàng hải, hàng không của các bên, trong khi các quyền của các nước nhỏ cũng phải được tôn trọng.