(VOV5) - Phần trình diễn khinh khí cầu diễn ra 2 lần mỗi ngày, từ ngày 31/3 đến 2/4 tại các bãi biển thuộc thôn Duy Hà, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm kết nối vùng và là cửa ngõ chính ra Biển Đông
Ngày 29/3, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa sẽ trở thành trung tâm kết nối vùng và là cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.
Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh trở thành khu du lịch hiện đại, đẳng cấp. Ảnh: VOV |
Về định hướng phát triển, Khánh Hòa sẽ khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế cho phát triển với kinh tế biển là nền tảng, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển đột phá các vùng trọng điểm: khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Cao tốc Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột kết nối giữa Tây nguyên và các cảng biển tại Vân Phong. Ảnh: VOV
|
Mục tiêu đến năm 2030, cùng với việc xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương, Khánh Hòa còn là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế. Trong đó, khu kinh tế Vân Phong, đô thị Cam Lâm trở thành địa bàn động lực phát triển mới của tỉnh và vùng Nam Trung Bộ. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, cho biết: “ Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành loạt các quy hoạch phân khu, định hình khoảng 17 phân khu cơ bản. Có đề xuất, bổ sung 5 khu công nghiệp mới. Công nghiệp, đô thị, du lịch, các khu cảng hành khách quốc tế...”
Thủ tướng giao UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức công bố quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch theo quy định.
Liên hoan Du lịch Cát Bà 2023
Tối 31/3, tại huyện đảo Cát Hải (thành phố Hải Phòng), diễn ra Chương trình nghệ thuật Cát Bà xanh - Khai mạc Du lịch Cát Bà 2023. Đây là một trong nhiều sự kiện kỷ niệm 64 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Làng cá Cát Bà (31/3/1959 - 31/3/2023), ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2023). Chương trình nhằm tôn vinh những giá trị truyền thống, đặc trưng về đời sống, văn hóa con người Cát Hải, Cát Bà; giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh nổi trội, khác biệt, riêng có của quần đảo Cát Bà...
Ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải (thành phố Hải Phòng) khẳng định: Chương trình khai mạc du lịch Cát Bà năm 2023 là lời mời trân trọng du khách trong nước và quốc tế đến với Cát Bà. Ảnh: VOV |
Nhân dịp này, tại Cát Bà còn diễn ra nhiều hoạt động, như: Hội chợ Thương mại – Du lịch Thủy sản Cát Bà; Giải vô địch quốc gia các câu lạc bộ lân sư rồng lần thứ IX; Giải vô địch quốc gia và Giải vô địch trẻ quốc gia môn bóng chuyền bãi biển; Giải đua thuyền rồng trên biển...
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ khai mạc. Ảnh: VOV |
Ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: “Chúng tôi tổ chức 8 hoạt động trong Lễ hội truyền thống của huyện Cát Hải năm 2023. Đây là cơ hội tốt để Cát Hải giới thiệu về khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, di tích quốc gia đặc biệt và giới thiệu về Vịnh Lan Hạ, 1 trong 46 thành viên của Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới đến du khách muôn phương”.
Củng cố tình đoàn kết quân-dân trên vùng biển đảo Tây Nam
Từ ngày 20 đến 29/3, cán bộ chiến sỹ Vùng 5 Hải quân tổ chức các hoạt động dân vận trên các đảo thuộc vùng biển Tây Nam của Việt Nam bao gồm các đảo Thổ Chu, Nam Du, Hòn Khoai, Hòn Chuối và Hòn Đốc. Tại đây, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho gần 1.000 lượt người dân; khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 250 lượt người; tặng 300 lá cờ Tổ quốc, 200 áo phao cứu sinh, 150.000 lít nước ngọt cho các tàu cá ngư dân.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 551 phối hợp với Tàu 637 cấp nước ngọt miễn phí cho tàu cá của ngư dân trên biển. Ảnh: baohaiquanvietnam.vn |
Dịp này, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 Hải quân còn cấp phát 1.200 bộ tài liệu những điều cần biết khi đi biển; 1.000 thư kêu gọi của UBND tỉnh Kiên Giang và Cà Mau về hưởng ứng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho ngư dân.
Những hoạt động này góp phần nâng cao nhận thức, thắt chặt tình đoàn kết quân-dân, cổ vũ, động viên ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ngày hội khinh khí cầu lần đầu tiên được tổ chức tại bờ biển Thăng Bình (Quảng Nam)
Nằm trong chuỗi hoạt động “Lễ hội văn hóa, thể thao miền biển năm 2023” từ ngày 31/3 đến 02/4 tại tỉnh Quảng Nam, ngày hội khinh khí cầu lần đầu tiên được tổ chức tại bờ biển Thăng Bình, sẽ tạo nên không gian đầy màu sắc thu hút du khách.
Phần trình diễn khinh khí cầu sẽ diễn ra 2 lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi chiều từ ngày 31/3 đến 2/4 tại các bãi biển. Ảnh: VOV |
Phần trình diễn khinh khí cầu diễn ra 2 lần mỗi ngày, từ ngày 31/3 đến 2/4 tại các bãi biển thuộc thôn Duy Hà, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Gần 20 quả khinh khí cầu đủ màu sắc được bố trí bay trên bờ biển lộng gió.
Theo ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, đây là một trong những hoạt động đặc sắc, mới mẻ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hướng đến quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của địa phương: “Sau lần tổ chức này, chúng tôi sẽ xin phép các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Quảng Nam để đưa trình diễn khinh khí cầu thành sản phẩm du lịch đặc sắc của huyện Thăng Bình, kết hợp với các khu nghỉ dưỡng cao cấp như Hoiana, Vinpearl Land, Nam Hội An… thu hút khách du lịch”.
Trong khuôn khổ “Lễ hội văn hóa, thể thao miền biển huyện Thăng Bình năm 2023” còn có nhiều hoạt động văn hoá, nghệ thuật đặc sắc, như: Trưng bày giới thiệu sản vật đặc trưng văn hóa miền biển, sản phẩm OCOP địa phương; hát Bả trạo và lễ cầu ngư; liên hoan nghệ thuật quần chúng và các trò chơi dân gian… Các hoạt động này nhằm tôn vinh và bảo tồn các loại hình văn hóa, thể thao truyền thống của địa phương; đẩy mạnh việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch biển của tỉnh Quảng Nam.