Truyền thông thế giới: Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông
(VOV5) - Tổng thống Timor Leste, ông Taur Matan Ruak và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên tiếng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình ở Biển Đông thời gian qua.
Với tựa đề “Đường chữ U không phải là đường cơ sở của Trung Quốc”, tờ "Thời báo Hàn Quốc" phiên bản tiếng Anh (Korea Times) ra ngày 16/3 viện dẫn các quy định của luật pháp quốc tế để chứng minh rằng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông thông qua đường chữ U (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) là “hoàn toàn tùy tiện và không có căn cứ pháp lý”. Báo trên chỉ rõ “Trung Quốc chưa bao giờ đưa ra lý giải nào về tính hợp pháp của đường chữ U theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà nước này đã phê chuẩn. Cách xác định đường chữ U của Trung Quốc không nằm trong 3 phương pháp vạch đường cơ sở trong UNCLOS 1982, bao gồm đường cơ sở thông thường (điều 5), đường cơ sở thẳng (điều 7) và đường cơ sở quần đảo (điều 47). Do đó, quy định đường cơ sở của Trung Quốc đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản, đó là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm các quy định của UNCLOS 1982 về vạch đường cơ sở”. Báo trên cũng đưa ra những căn cứ lịch sử cho rằng Việt Nam có đầy đủ chủ quyền về mặt lịch sử đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và trong suốt hơn ba thế kỷ qua, Việt Nam đã liên tục bảo vệ và thực thi chủ quyền của mình trên hai quần đảo này phù hợp với luật pháp quốc tế.
|
Đường lưỡi bò vô lối xâm phạm vùng biển rộng lớn của Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Cùng ngày, báo Rzeczpospolita (Cộng hòa) của Ba Lan cũng có bài phê phán hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông. Báo nêu rõ: “Ngày nay, đảo Gạc Ma là một trong những điểm nóng trên Biển Đông, được cả thế giới quan tâm. Việc Trung Quốc liên tục có những hoạt động bồi đắp, xây dựng, mở rộng, làm thay đổi nguyên trạng là hành động vi phạm luật pháp quốc tế và không phù hợp với lợi ích của các nước liên quan”.
Trong khi đó, ngày 17/3, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson tuyên bố quân đội Mỹ đã phát hiện hoạt động của Trung Quốc quanh bãi cạn Scarborough (đảo Hoàng Nham), nằm ở phần phía Bắc của quần đảo Trường Sa, cách căn cứ trên Vịnh Subic của Philippines khoảng 200 km.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong cuộc gặp mới đây tại Tokyo, Tổng thống Timor Leste, ông Taur Matan Ruak và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên tiếng bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về tình hình ở Biển Đông thời gian qua. Trong một tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nêu rõ sẽ “phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng ở Biển Đông”. Đây là lần đầu tiên Timor Leste công khai lên tiếng về tình hình ở Biển Đông.