Thông tin về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của UBTW MTTQ VN; lễ Vu Lan của người Việt

(VOV5) - Tuần qua, nhiều thính giả người Việt ở nước ngoài viết thư muốn được thông tin về cơ cấu, chức năng nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;  lễ Vu Lan, một nét văn hóa của người Việt cũng được nhiều thính giả quan tâm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Chào quý vị, chào các bạn,

Quý thính giả thân mến! Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 9 tới là một sự kiện chính trị quan trọng. Rất nhiều kiều bào  yêu cầu được giải thích để hiểu rõ về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức này. Chúng tôi xin được cung cấp những thông tin của  Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII thông qua:

Điều 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; tham gia xây dựng Đảng và chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ  ngữ

Trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ chức liên minh chính trị là sự liên kết tự nguyện của các tổ chức và cá nhân tiêu biểu hướng tới mục tiêu chung của dân tộc là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

2. Chương trình hành động là Chương trình do Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi khóa ở mỗi cấp đề ra cho một nhiệm kỳ.

3. Chương trình phối hợp và thống nhất hành động là Chương trình do hội nghị thường kỳ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp đề ra theo quy định của Điều lệ.

4. Giám sát là việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

5. Phản biện xã hội là việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận xét, đánh giá, kiến nghị đối với dự thảo chính sách, pháp luật của Nhà nước; dự thảo các chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước.

Điều 4. Chức năng và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Chức năng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là  tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân; thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường đồng thuận trong xã hội; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

2. Nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; thực hiện và mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần phát triển tình hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước.

Điều 5. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và hoạt động theo Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

 Điều 6. Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước

 1. Quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước là quan hệ phối hợp để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

2. Quan hệ phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Nhà nước được thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác do Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan nhà nước hữu quan ở từng cấp ban hành.

3. Nhà nước bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động có hiệu quả.

Điều 7.  Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc

Lấy ngày 18 tháng 11 năm 1930, ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam là Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm.

 

Chương II: TỔ CHỨC CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Điều 8. Hệ thống tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức theo bốn cấp:

a) Trung ương;

b) Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh;

d) Xã, phường, thị trấn.

2. Ban Công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố (gọi chung là khu dân cư) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã ra quyết định thành lập để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 9. Thành viên và quan hệ giữa các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là các tổ chức và cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 1 của Luật này và đủ điều kiện theo quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Quan hệ giữa các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là hợp tác bình đẳng, đoàn kết, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 luật này; bảo đảm tính độc lập của mỗi tổ chức thành viên.

3. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì việc phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên cùng cấp để thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động.

Điều 10. Cơ quan lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi Điều 3)

1. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở mỗi cấp là cơ quan chấp hành của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, do đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp đó hiệp thương cử ra, có trách nhiệm tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  là đại diện của  Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữa hai kỳ họp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

3. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan đại diện của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giữa hai kỳ họp do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Đoàn Chủ tịch.

4. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ quan đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương giữa hai kỳ họp do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mỗi cấp hiệp thương dân chủ cử trong số Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 

Chương III: HOẠT ĐỘNG CỦA  MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Mục 1: TẬP HỢP, XÂY DỰNG  KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC

Điều 11. Mục đích và yêu cầu tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát triển đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động xã hội để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Điều 12. Hình thức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

1. Phối hợp giữa các tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo để thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân.

3. Phát huy vai trò người uy tín trong các tầng lớp nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt nhằm tập hợp, đoàn kết nhân dân.

4. Tuyên truyền, vận động người Việt Nam định cư ở nước ngoài đoàn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tôn trọng luật pháp nước sở tại; giữ gìn bản sắc văn hoá, truyền thống tốt đẹp của dân tộc; giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Điều 13. Phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

1. Đề xuất và tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến việc tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

2. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

3. Thực hiện đối thoại, hòa giải, xây dựng cộng đồng tự quản tại địa bàn khu dân cư.

Mục 2: THAM GIA XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN

Điều 14. Tham gia công tác bầu cử

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử; phối hợp với cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri ở nơi cư trú, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với những người ứng cử; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 15. Tham gia tuyển chọn Thẩm phán, Kiểm sát viên, giới thiệu Hội thẩm Toà án nhân dân

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán, Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên để lựa chọn, giới thiệu người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, để cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm làm Thẩm phán, Kiểm sát viên.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm Toà án nhân dân.

 Điều 16. Tham gia xây dựng pháp luật

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật với các nội dung sau đây:

a) Kiến nghị với Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

b) Trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội dự án luật, pháp lệnh.

c) Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nghị quyết liên tịch để hướng dẫn thi hành những vấn đề khi pháp luật quy định về trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia quản lý nhà nước.

d) Tham gia tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Hiến pháp, luật, pháp lệnh; góp ý kiến vào các dự án luật, pháp lệnh và các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

đ) Tham gia trưng cầu ý dân đối với những vấn đề do Quốc hội quyết định.

2. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia góp ý kiến; tiếp thu và phản hồi về kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Điều 17. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thi hành chính sách, pháp luật

1. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Tham gia với chính quyền các cấp tổ chức vận động nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước về nếp sống tự quản ở khu dân cư.

3. Tổ chức, chỉ đạo hoạt động thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn và giám sát đầu tư của cộng đồng.

4. Tham gia hoạt động hoà giải ở cơ sở.

Điều 18. Tham dự các kỳ họp của Quốc hội, phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, kỳ họp Hội đồng nhân dân, phiên họp Uỷ ban nhân dân (sửa đổi, bổ sung Điều 11)

1. Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tham dự các kỳ họp của Quốc hội; được mời tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan.

Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở địa phương được tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân; được mời tham dự các phiên họp của Uỷ ban nhân dân cùng cấp khi bàn các vấn đề có liên quan.

2. Tại kỳ họp thường kỳ của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thông báo về hoạt động của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền; đề xuất kiến nghị với Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân những vấn đề cần thiết.

Cơ quan nhà nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ phối hợp với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành nghị quyết liên tịch về tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri.

3. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp  tổ chức thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri.

Điều 20. Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân

1. Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì phối hợp với Uỷ ban thường vụ Quốc hội xây dựng và trình Quốc hội báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước tại các kỳ họp Quốc hội.

2.  Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân chuyển đến Ủy ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ở địa phương để giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật.

3. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp ở địa phương phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để thông báo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.

4. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp ở địa phương có trách nhiệm phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

 Điều 21. Tham gia tố tụng, tham gia công tác đặc xá

 Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia tố tụng, tham gia thực hiện công tác đặc xá theo quy định của pháp luật để đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Mục 3: HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT

Điều 22. Mục đích, nguyên tắc giám sát

1. Hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

2. Hoạt động giám sát được thực hiện theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan theo Hiến pháp và pháp luật.

Điều 23. Đối tượng, nội dung giám sát

1. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước trên một số lĩnh vực cần thiết có liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

2. Giám sát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và đạo đức, lối sống của đại biểu dân cử, cán bộ, công chức nhà nước.

Điều 24. Hình thức giám sát

1. Tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền giám sát.

2. Tham gia hoạt động giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

3. Tổ chức đoàn giám sát khi cần thiết.

4. Các hình thức giám sát khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 25. Quyền và trách nhiệm của các bên trong hoạt động giám sát

1. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

a) Xây dựng kế hoạch giám sát; yêu cầu thông tin về các vấn đề liên quan đến nội dung giám sát.

b) Tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị khi cần thiết.

c) Ban hành văn bản về kết quả giám sát.

d) Kiến nghị và theo dõi việc giải quyết của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

đ) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền biểu dương, khen thưởng và bảo vệ người có thành tích trong hoạt động giám sát và xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật.

2. Đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân được giám sát

 a) Bảo đảm điều kiện cần thiết để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giám sát.

b) Cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung giám sát; giải trình những vấn đề liên quan theo yêu cầu giám sát.

c) Yêu cầu đối thoại để làm rõ nội dung kiến nghị giám sát khi cần thiết.

d) Xử lý và trả lời kiến nghị giám sát trong thời hạn theo quy định của pháp luật

Mục 4: HOẠT ĐỘNG PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Điều 26. Mục đích, nguyên tắc phản biện xã hội

1. Hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn trong việc xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận trong xã hội.

2. Hoạt động phản biện xã hội được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan theo Hiến pháp và pháp luật.

Điều 27. Đối tượng, nội dung phản biện xã hội

1. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.

2. Các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước cùng cấp liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.

Điều 28. Hình thức phản biện xã hội

1. Tổ chức hội nghị phản biện.

2. Gửi văn bản góp ý, kiến nghị.

3. Các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 29. Quyền và trách nhiệm của các bên trong hoạt động phản biện xã hội

1. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

a) Xây dựng kế hoạch phản biện xã hội; yêu cầu cơ quan, tổ chức gửi dự thảo văn bản và thông tin cần thiết.

b) Tổ chức phản biện; gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan, tổ chức dự thảo văn bản.

c) Yêu cầu cơ quan soạn thảo trả lời bằng văn bản đối với kiến nghị của mình; trường hợp cơ quan dự thảo văn bản không tiếp thu thì yêu cầu có giải trình; tổ chức đối thoại khi cần thiết.

2. Đối với cơ quan, tổ chức được phản biện.

a) Gửi dự thảo văn bản cần phản biện đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời hạn ít nhất là ba mươi ngày trước khi trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; cung cấp thông tin cần thiết.

b) Cử người có trách nhiệm tham dự hội nghị phản biện hoặc tham gia đối thoại khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có yêu cầu.

c) Trả lời bằng văn bản về việc tiếp thu ý kiến phản biện đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành.

 Chương IV: ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Điều 30. Bộ máy giúp việc

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có bộ máy giúp việc. Tổ chức, biên chế bộ máy giúp việc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp do cơ quan có thẩm quyền quy định.

2. Cán bộ chuyên trách và không chuyên trách Mặt trận  được đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, nghiệp vụ công tác, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

3. Cơ quan nhà nước có liên quan bảo đảm các điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện kế hoạch, chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng và phát huy lực lượng chuyên gia, tư vấn, cộng tác viên.                  

Điều 31. Kinh phí hoạt động và tài sản của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp theo phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quản lý và sử dụng  tài sản Nhà nước giao, tài sản và các nguồn tài trợ của tổ chức và cá nhân trong nước hoặc nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Điều 32. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức

1. Tạo điều kiện để cán bộ, công chức làm nhiệm vụ khi được cử vào Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc được phân công, phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

2. Phối hợp hoạt động với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cung cấp thông tin cần thiết khi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có yêu cầu.

3. Thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chương V: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 33. Hiệu lực của Luật

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.

Quý thính giả thân mến ! Lâu nay, lễ Vu Lan đã gắn bó với người Việt và là ngày trọng đại trong tâm thức của mỗi người Việt Nam. Để đáp ứng yêu cầu của thính giả muốn biết về ý nghĩa nhân văn của lễ Vu Lan, chương trình chuyển tới quý thính giả một số thông tin như sau:

Tháng Bảy, mùa Vu Lan về cùng với ngày Rằm xá tội vong nhân. Ngày nay trong lễ này, người Việt ta có một "quy ước": nếu ai đó còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng. Người cài hoa trắng sẽ thấy như một sự nhắc nhở, sẻ chia, không bao giờ quên ơn cha mẹ. Người được hoa hồng sẽ sung sướng vì biết rằng mình còn có mẹ.

Theo Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, bông hoa hồng trong cách nhìn của người Việt là loài hoa thông dụng và dễ thương, được nhiều người yêu thích nhất. Loài hoa này còn mang quy ước biểu hiện của tình yêu thương của loài người. Chính vì thế Hòa thượng đã chọn bông hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật và viết ấn phẩm “Bông Hồng Cài Áo” vào tháng 8 năm 1962.

Ngày lễ Vu Lan là dịp “nhắc nhở” các thế hệ con cháu chúng ta nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ, ông bà, tổ tiên cũng như những đóng góp to lớn của các anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước. Ðồng thời giúp chúng ta tiếp cận được những ý nghĩa giáo dục đầy nhân bản của văn hoá Phật giáo đó là “Từ, bi, hỷ, xả”, “vô ngã, vị tha”, “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 38252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn cũng có thể nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vovworld.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này vào lúc: 0h -1h (giờ quốc tế) tức từ 7h đến 8h (giờ Hà Nội); 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.

Phản hồi

Các tin/bài khác