Thủ tục mua nhà của việt kiều, không khí đón Giáng Sinh tại Việt Nam

(VOV5) - Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, nhiều thính giả muốn biết người Việt đón Giáng Sinh như thế nào? Thính giả cũng quan tâm tới thủ tục mua nhà của người Việt Nam ở nước ngoài, những nét tiêu biểu văn hóa Chăm.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:   

Chào quý vị, chào các bạn!

Thời điểm này, các nước trên thế giới nhộn nhịp chuẩn bị đón Giáng Sinh. Tại Việt Nam, Giáng Sinh và Tết dương lịch cũng được người Việt chờ đón. Thính giả từ Nhật Bản, Inđônêsia, Trung Quốc.. muốn biết người Việt đón Giáng Sinh như thế nào?

Chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin: không khí đón Giáng Sinh và Tết dương lịch ở Việt Nam cũng rất nhộn nhịp, nhất là tại các xứ đạo. Đây là dịp lễ thiêng liêng với đồng bào Công Giáo. Tại thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, không khí nhộn nhịp, đông đúc nhất là tại các nhà thờ. Trên các đường phố, tại các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị, khách sạn, cây thông nô-en trang hoàng rực rỡ.  Người dân và nhất là thanh niên đổ ra đường tới các nhà thờ, các tụ điểm sinh hoạt văn hóa. Còn tại các tỉnh, thành khác, bà con tập trung về các nhà thờ xứ đạo vui Noel. Vài năm trở lại đây, càng gần tới Giáng Sinh và Năm mới, người dân mua sắm ngày càng nhiều. Đặc biệt, dịch vụ ông già Noel chuyển quà ngày càng phát triển.  Nếu có dịp tới Việt Nam vào dịp này, các bạn sẽ được tận  mắt chứng kiến không khí đón Nôel và Năm mới tưng bừng.

Tuần qua, chương trình  nhận được thư của thính giả khắp mọi miền đất nước tiếp tục hỏi về vấn đề sức khỏe, góp ý kiến vào các chuyên mục trên trang web VOV5 như sắc màu dân tộc, nông thôn mới, việt nam đất nước con người. Một thính giả người Nhật nhận xét về chương trình tiếng Anh của Hệ phát thanh Đối ngoại như sau: “Tôi rất vui vì được nghe chương trình của bạn. Tôi đã có những khoảng thời gian tuyệt vời để tìm hiểu về Việt Nam. Tôi nghĩ rằng những thông tin về Việt Nam rất thú vị đối với tất cả mọi người trên toàn thế giới”. Chương trình cũng nhận được thư của các cộng tác viên Võ  Văn Long, ở Ba Lan, Trương Anh Tú, ở Đức… về các hoạt động của cộng đồng người Việt tại các nước. Thư của các cơ quan thường trú Đài TNVN tại Mỹ, Nga, CPC về đời sống của người Việt ở nước sở tại. Chương trình cũng nhận được thư của một số thính giả ở Pháp, Nga, Anh, Lào… Chúng tôi mong tiếp tục  nhận được nhiều hơn nữa ý kiến đóng góp với chương trình.

Tuần qua, trong thư gửi về chương trình, một số thính giả là người việt nam ở nước ngoài đặt câu hỏi: Nếu người mua căn hộ ở Việt Nam là Việt kiều có được đứng tên hay không, thủ tục ra sao?

Quý thính giả thân mến! Hiện tại việc mua nhà của người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn áp dụng theo Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai có sửa đổi, bổ sung. Theo đó, đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam như sau:

Nhóm 1: Mua nhà không hạn chế số lượng:

Nhóm này bao gồm các đối tượng sau đây:

-          người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư

-          người có công đóng góp cho đất nước

-          nhà khoa học, nhà văn hóa, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam

Nhóm 2: Mua nhà có hạn chế số lượng:

Nhóm này bao gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài  không thuộc Nhóm 1 được cơ quan Nhà nước cấp thị thực và cư trú ở Việt Nam 3 tháng trở lên, thì được sở hữu 1 nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư để bản thân và gia đình sống.

Các bạn có thể căn cứ vào các quy định để xem mình thuộc nhóm nào và hình thức sở hữu như thế nào. Từ đó sẽ thực hiện thủ tục mua nhà. Các bên phải mua bán nhà thông qua hợp đồng mua bán nhà ở được xác nhận công chứng của công chứng viên hoặc chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau khi hoàn thành giao dịch Hợp đồng, một trong hai bên phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại Ủy ban nhân dân quận/huyện nơi có căn nhà.

 Quý thính giả thân mến ! Tiếp tục thông tin về một số nét độc đáo văn hóa Chăm ở Bình Thuận theo yêu cầu của thính giả, tuần này, chúng tôi xin nói về nghề dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào người Chăm tập trung ở hai xã Phan Hòa, Phan Thanh của huyện Bắc Bình, cách thành phố Phan Thiết khoảng 80km về hướng Bắc. Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm vẫn còn giữ nhiều nét truyền thống như: những hoa văn, màu sắc đặc trưng được dệt trên loại khung dệt dài chỉ có ở người Chăm, dệt ra những sản phẩm khổ hẹp dùng trong lễ nghi, tôn giáo. Hoa văn và hoa văn thổ cẩm Chăm là một đề tài phong phú thể hiện bản sắc văn hóa tộc người rõ rệt. Bông hái về phơi khô, cán lấy hột, dùng cung bắn cho bông bung ra trải thành lớp mỏng, lấy thanh tre cuộn lại thành con bông rồi móc vào xa quay kéo sợi. Muốn sợi chắc không bị đứt, bị xù lông khi dệt thì đem ngâm nước cơm, sau đó chải sợi, phơi khô, đánh ống. Nếu muốn sợi có màu lục thì nhuộm với cây tràm, màu đỏ nhuộm với lá trâm bầu, màu đen từ cây buông, màu vàng từ cây trừng…Từ bốn hoa văn cổ truyền xanh két, vàng cúc, trăng, đen đi trên nền đỏ, người thợ có thể tạo ra các loại sản phẩm như túi xách, ví, khăn, dây thắt lưng… thích hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng và du khách.

 Quý thính giả thân mến !

Quý thính giả thân mến! Rất mong quý vị tiếp tục đón nghe chương trình và gửi thư, bài vở cho  chúng tôi theo địa chỉ: Chương trình phát thanh Dành cho đồng bào VN ở xa Tổ quốc, Hệ Phát thanh Đối ngoại, Đài TNVN, 45 Bà Triệu, Hà Nội.

Điện thoại: 84. 4. 38252 070

Hộp thư điện tử: vietkieuvov@gmail.com      vovworld@vov.org.vn

Các bạn thính giả thân mến, Bắt đầu từ 0h00 ngày 01 tháng 01 năm 2015, Đài Tiếng Nói Việt Nam dừng phát sóng  buổi  phát thanh tiếng Việt  từ 0h00 đến  1h00(Giờ Quốc tế) tức là từ 7h00 đến 8h00(giờ Việt Nam) trên sóng 7285 Khz. Rất mong các bạn thính giả thông cảm.

Các bạn  có thể tiếp tục nghe chương trình của chúng tôi trên website: www.vovworld.vn. Chương trình cũng được phát trực tuyến qua trang web này vào lúc: 1h30-2h30 (giờ quốc tế) tức từ 8h30 đến 9h30 (giờ Hà Nội); 4h30-5h30 (giờ quốc tế) tức từ 11h30 đến 12h30 (giờ Hà Nội) và 17h-18h (giờ quốc tế) tức từ 0h đến 1h (giờ Hà Nội) hàng ngày.  Hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong những cánh thư sau./.

 

Phản hồi

Các tin/bài khác