Nhớ vườn mít của bà

(VOV5) - Mùa hè đến, trong khu vườn rợp bóng mát của bà, chúng tôi vui mừng chào đón mùa mít ra quả. Đầu tiên là những bông hoa. Hoa mít lạ lắm, là những cuống to mọc ra từ thân cây sần sùi, già nua. Sau đó kết thành những đài và quả mít non lấm chấm những phấn hoa trên thân quả. Bọn trẻ chúng tôi có khi hái những trái non chấm với muối ăn vừa chát vừa bùi.

Nhớ vườn mít của bà - ảnh 1
Những trái mít non còn xanh mướt trên cây


(Bấm để nghe âm thanh):




Bà tôi được cái mát tay trồng hoa trái. Năm nào cũng vậy, mít ra chi chít quả. Có cây, quả mọc từng chùm từ gốc lên đến ngọn. Bà bảo, trồng cây gì cũng vậy, phải có tâm và chăm sóc nó thì năm sau cây sẽ ra nhiều trái to và ngon. Chính vì thế mà năm nào cũng vậy, sau mỗi mùa ăn quả, bà lại nhờ người đến tỉa những cuống mít đã cho quả, những cành nhỏ trên thân cây mà người dân quê tôi thường gọi đó là “rửa mít”. Rồi bà cũng duy trì phong tục từ bao đời của người dân quê vào mỗi dịp tết đoan ngọ, mùng 5 tháng 5 là “khảo mít”. Đúng 12 giờ trưa mùng 5, bà sai chúng tôi trèo lên những cây mít ít ra quả, sau đó dùng dao bập vào gốc cây rồi tra hỏi vì sao mít không ra quả. Ở trên ngọn, chúng tôi trả lời thay mít và hứa sang năm sẽ ra nhiều quả hơn. Hồi đó còn bé nhưng chúng tôi cũng đã nhận ra mục đích của cách làm này, thực chất là bà dùng dao bập vào thân cây, mít đau, nhựa ứa ra. Và rồi từ vết thương ấy sẽ tích tụ thành những mầm quả non ở mùa sau.

Sau ba tháng, quả trên các cây mít bắt đầu chín và cho thu hoạch. Quả chín đầu tiên của mùa mít, bà bổ ra thành từng thỏi nhỏ, đặt vào đĩa trên bàn thờ rồi thắp hương thần linh và tổ tiên. Bà bảo, ăn trái phải biết nhớ đến người người đã có công trồng cây.


Nhớ vườn mít của bà - ảnh 2
"Ăn trái phải biết nhớ đến người người đã có công trồng cây"

Trong vườn mít của bà, có biết bao cây nhưng không cây nào giống cây nào. Mỗi cây có một vị ngon khác nhau. Có cây mít na quả nhỏ, da nhẵn, bóng mượt, múi nhỏ ăn thơm và ngọt. Có cây múi dài, mật đầy bên trong, có cây múi nhỏ nhưng dày và ngọt. Rồi có cây quả da xanh ngắt mà bên trong vàng ươm một màu…có cây là giống mít mật, có cây mít dai. Nhiều lắm, mỗi cây, mỗi vị thơm ngon khác nhau trên cùng một vị đất quê trong vườn của bà.

Mùa mít, ngày hè tuy nóng bức nhưng hầu như ngày nào chúng tôi cũng ăn mít, nhiều khi ăn no mít mà quên cả ăn cơm. Mít chín có giờ, cứ khoảng 10 giờ sáng là lác đác những quả sẽ tỏa mùi thơm. Những trái mít mật nếu không để ý kỹ có khi tụt cuống và rơi xuống đất lúc nào không hay.

Có năm, quê tôi mất mùa lúa, đói mòn đói mỏi, mít là loại quả cứu cánh cái đói trong nhiều năm dài. Không chờ đợi mít chín, quả mít xanh được hái xuống, bóc múi, cho vào trộn với cơm ăn cho no bụng. Rồi múi mít để cả xơ cho lên nồi xôi chín ăn kèm vào những bữa cơm. Bà còn dùng xơ mít xào lên hoặc muối chua thành những món ăn vừa quen vừa lạ. Nhưng nhớ nhất, có lẽ là món hạt mít. Những ngày đói, hạt mít được người dân quê tôi độn với cơm. Hằng ngày, mẹ giao cho ở nhà bóc đủ 100 hạt mít để độn với bữa trưa. Rồi hạt mít được phơi khô lùi vào tro bếp luộc ăn ngọt lừ.


Nhớ vườn mít của bà - ảnh 3
Hạt mít lùi tro ăn ngọt lừ

Những đêm mưa, nằm bên bà dưới mái nhà tranh, chúng tôi thao thức không sao chợp mắt. Nằm nghe bà kể chuyện cổ tích, đếm tiếng mưa rơi xuống mái cọ, rào rào trên mỗi tán lá mít. Rồi mỗi khi gió quất mạnh lại có những trái mít rụng xuống.

Thời gian trôi qua, chúng tôi đã khôn lớn, bà tôi tóc đã bạc và sức khỏe đã yếu. Đã bao mùa cây mít trong vườn của bà kết trái và cho những quả ngon, đã bao lần tôi nhớ về mùa mít, nhớ về kí ức tuổi thơ. Vườn mít của bà nay đã thưa hơn trước, chỉ còn lác đác một vài cây nhỏ. Dù thế nào, hình ảnh vườn mít năm xưa của bà vẫn sống mãi trong kí ức của tôi. Nó chắp cánh cho cuộc sống của tôi hôm nay./.

Phản hồi

Các tin/bài khác