(VOV5) - Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam trong nhiều năm qua đã có những hoạt động cụ thể nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam.
Đó là sự trợ giúp cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật, học sinh vùng sâu vùng xa ở Việt Nam. Chị Nguyễn Thu Thảo, người Việt tại Australia, năm 2007, về Việt Nam và tiếp quản là Trưởng đại diện Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Chị là người Việt Nam đầu tiên, sinh ra sau chiến tranh, không phải là cựu chiến binh, lại là nữ giới và là người có nhiều công lao trong việc kéo gần thêm mối quan hệ Việt – Mỹ, cũng như các dự án giải quyết hậu quả chiến tranh trong vai trò là Trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Phóng viên VOV5 phỏng vấn chị Nguyễn Thu Thảo về các chương trình mà Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam triển khai có hiệu quả tại Việt Nam.
|
Chị Nguyễn Thu Thảo trong chuyến thăm Trường Sa 2016 |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa chị, xin chị cho biết về những hoạt động của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam?
Chị Nguyễn Thu Thảo: Từ khi bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vào năm 1994, đến nay chúng tôi đã có hoạt động ở trên 20 tỉnh, thành của Việt Nam trong đó tập trung chủ yếu ở miền Trung. Bởi vì miền Trung là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hậu quả chiến tranh.
Chúng tôi có 4 chương trình chính trong đó có chương trình khắc phục hậu quả bom mìn, làm việc với Bộ Quốc phòng Việt Nam. Chương trình thứ 2 là chương trình hỗ trợ những người khuyết tật. Đặc biệt, thông qua chương trình, chúng tôi cung cấp chân tay giả và xe lăn cho người khuyết tật. Chương trình này chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với Bộ Y tế của Việt Nam. Chương trình thứ 3 là chăm sóc sức khỏe tâm thần quốc gia, phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Thương binh và xã hội. Chương trình thứ 4 là chương trình xây dựng trường học cho trẻ em cấp 1, cấp 2 ở những vùng bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và cả ở những vùng miền núi xa xôi hẻo lánh như Cao Bằng, Điện Biên. Đó là những hoạt động chính của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại VN tính từ năm 1994 đến nay.
Phóng viên: Được biết trước năm 1994, Quỹ Cựu chiến binh Mỹ có trụ sở tại Washington cũng đã có một số hoạt động nhằm thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước?
Chị Nguyễn Thu Thảo: Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại VN bởi những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam trong chiến tranh thành lập nên. Và sau đó, khi trở về Hoa Kỳ, thì họ lại là những người đi đầu trong phong trào phản chiến. Khi chiến tranh kết thúc, họ lại là những người đi đầu tỏng việc kêu gọi bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tôi còn nhớ tôi đã đọc một tờ báo của Bộ Ngoại giao nói về quan hệ ngoại giao vào đầu những năm 2000. Trong đó có một bài dài có kể về Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và vai trò của Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam trong những ngày mà Hoa Kỳ và Việt Nam chưa bình thường hóa quan hệ. Họ viết rằng, vào thời điểm những năm trước khi bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, đoàn cán bộ ngoại giao của Việt Nam sang làm việc với Liên hợp Quốc ở New York, bị hạn chế về mặt liên lạc, đi lại. Thời điểm đó, văn phòng của Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Washington DC và những cựu chiến binh Mỹ tại đây đã là cây cầu nối rất hiệu quả dù không chính thức. Những cựu binh Mỹ này đã tích trong trong việc tham gia vào quá trình vận động bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Phóng viên: Làm việc cho Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam được 15 năm nay và giữ chức vụ trưởng đại diện từ năm 2007, chị có những chia sẻ gì trong việc tiếp tục hợp tác để vun đắp mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ theo hướng tốt đẹp?
Chị Nguyễn Thu Thảo: Tôi xác định đây là một thời điểm, một cơ hội đặc biệt. Vì sao? Vì quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ bây giờ đang đơm hoa kết trái. Chúng ta vừa kỷ niệm 20 năm quan hệ Việt- Mỹ năm 2015. Vấn đề liên quan đến hậu quả chiến tranh thì đã, đang và sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Như vậy là chúng ta có những điều kiện cần để làm việc này một cách hiệu quả hơn. Nhưng chúng ta cần phải ý thức rằng là trong 5 năm tới, những người cựu chiến binh Mỹ hoặc lãnh đạo tại Hoa Kỳ, có nhiều người trưởng thành trong những năm chiến tranh của Việt Nam và dù họ có tham gia chiến tranh hay không, thì họ cũng là những người bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến để lại cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ. Và do vậy, họ có cảm tình đặc biệt với Việt Nam. Phần nhiều là quý Việt Nam. Người ta biết đến Việt Nam, biết đến cuộc chiến, biết đến hậu quả chiến tranh. Đây là cơ hội rất tốt để cho chúng ta vận động không chỉ là chính phủ Hoa Kỳ mà cả người dân Hoa Kỳ giúp Việt Nam giải quyết vấn đề này. Và những năm qua chúng ta làm rất tốt. Và năm năm tới chúng ta phải làm cực tốt. Vì sao? Vì sau năm năm nữa, chính những người lãnh đạo đó ở Mỹ về hưu. Như vậy, chúng ta mất đi một đồng minh cực kỳ hữu hiệu. Do vậy, 5 năm tới, chúng ta phải tạo ra được thế bàn cờ. Để sau 5 năm nữa, tự nó có thể duy trì được. Và chúng ta cũng ý thức rằng Việt Nam chưa phải là một nước đặc biệt quan trọng đối với Hoa Kỳ. Vai trò của chúng ta ngày càng tăng lên trong khu vực. Nếu chúng ta khai thác được lợi thế đó thì chúng ta sẽ phát triển được tốt hơn. Tôi hi vọng quỹ sẽ tiếp tục duy trì được những hoạt động này. Và có thể mở rộng ra một số hoạt động khác, ngoài quỹ để đa dạng hóa các hoạt động, gây dựng nên những cây cầu hiệu quả hơn nữa.
Phóng viên: Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.