TS Lê Bá Vinh: Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thị trường dược liệu

(VOV5) - Các nhà khoa học nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng hết sức quan tâm đến các loài dược liệu và tiềm năng dược liệu biển của Việt Nam.-

Tiến sĩ (TS) Lê Bá Vinh, nghiên cứu viên trường Dược, Đại học Korea (Hàn Quốc)  vừa được vinh danh Gương mặt trẻ xuất sắc của Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng 2024 lĩnh vực công nghệ sinh học do Bộ KH&CN cùng TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức vừa qua. TS Lê Thế Vinh là tác giả chính của công trình nghiên cứu về công dụng của rễ cây Hoàng kỳ đối với sức khỏe con người.

Nghiên cứu đồng thời mở ra những tiềm năng mới trong điều trị các bệnh viêm mãn tính và dị ứng với chi phí thấp nhưng hiệu quả. Với nền y học cổ truyền lâu đời, TS Lê Bá Vinh tin rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành công nghiệp không chỉ phục vụ sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần phát triển kinh tế. 

 Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 
TS Lê Bá Vinh: Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thị trường dược liệu - ảnh 1Hội nghị Dược phẩm châu Á năm 2023 tại Hà Nội, Việt Nam. Nhóm nghiên cứu tại Trường Dược, Đại học Korea, Hàn Quốc Tham dự hội nghị Dược liệu Hàn Quốc năm 2023. Ảnh nhân vật cung cấp

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Trước tiên, Anh hãy giới thiệu đôi chút về bản thân với khán giả VOV5?

TS Lê Bá Vinh: Tôi tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 2015. Trong thời gian học đại học, tôi đã thực tập tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, nơi giúp tôi tiếp cận với các kỹ thuật nghiên cứu cơ bản.

Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô và anh chị đi trước, tôi đã có cơ hội nhận học bổng du học Hàn Quốc. để theo học chương trình Thạc sĩ và Tiến sĩ chuyên ngành Hóa dược, và tốt nghiệp xuất sắc ở tuổi 26 tại Trường Dược, Đại học Quốc gia Chungnam. Ngoài ra, tôi có kinh nghiệm làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại ba trường đại học ở Hàn Quốc, gồm Đại học Quốc gia Chungnam, Đại học Wonkwang và Đại học Korea sau thời gian tốt nghiệp.

Trong hơn tám năm qua, tôi tập trung vào chiết xuất, phân tích, phân lập và đánh giá tác dụng dược học của các hợp chất chuyển hóa thứ cấp từ dược liệu, sinh vật biển và vi nấm. Hiện tại, tôi vừa chuyển đến Na Uy để tham gia chương trình SEAS - một dự án quốc tế do Quỹ Marie Skłodowska-Curie và Quỹ Đổi mới Horizon của Liên minh Châu Âu tài trợ, nhằm phát triển các nhà lãnh đạo nghiên cứu châu Âu cho sự bền vững hàng hải. Nghiên cứu của của tôi tập trung vào các chất chuyển hóa từ sinh vật biển tại Na Uy.
TS Lê Bá Vinh: Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thị trường dược liệu - ảnh 2Tiến sĩ Lê Bá Vinh đạt giải KHCN Quả Cầu Vàng 2024 lĩnh vực công nghệ sinh học

PV Anh vừa được vinh danh 1 trong 10 gương mặt trẻ xuất sắc KHCN Quả cầu vàng 2024. Xin chúc mừng Anh và nhóm nghiên cứu của mình! Hãy chia sẻ đôi chút về cảm xúc của mình về giải thưởng này?

TS Lê Bá Vinh: Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự và tự hào khi được nhận giải thưởng này. Mặc dù trong hành trình khoa học, các giải thưởng không phải là đích đến cuối cùng, nhưng chúng mang lại cho tôi cơ hội để suy ngẫm và nỗ lực cống hiến hơn nữa. Tôi muốn nhấn mạnh rằng không ai có thể tự mình nghiên cứu; mỗi công trình đều là thành quả của sự hợp tác và đóng góp của cả một tập thể nghiên cứu. Giải thưởng này không chỉ là nguồn động lực mạnh mẽ mà còn là sự khẳng định giúp chúng tôi thêm tự tin trên con đường phát triển và cống hiến cho nền khoa học.

Nhân dịp này, tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các thầy cô hướng dẫn, các đồng nghiệp, và những cộng sự đã luôn đồng hành, hỗ trợ, và tạo điều kiện cho tôi trong suốt quá trình nghiên cứu, từ những khi nghiên cứu thành công đến những khó khan, bế tắc. Sự gắn bó và hỗ trợ của mọi người đã đóng góp không nhỏ vào những thành quả mà tôi có được cụ thể là với giải thường KHCN Quả cầu vàng năm nay.

TS Lê Bá Vinh: Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thị trường dược liệu - ảnh 3Lê Bá Vinh và nhóm nghiên cứu Dược liệu tại Trường Dược, Đại học Korea, Hàn Quốc. Ảnh nhân vật cung cấp

PV: Hãy nói về những nghiên cứu của Anh và công trình nghiên cứu Anh giới thiệu tại Giải thưởng KHNC Quả cầu vàng 2024 này?

TS Lê Bá Vinh; Như chị biết, cây hoàng kỳ (Astragalus membranaceus) đã được ghi nhận trong y học cổ truyền như một vị thuốc quý để điều trị nhiều loại bệnh, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường và các vấn đề liên quan đến miễn dịch. Với khả năng tăng cường hệ miễn dịch và chống viêm, cây hoàng kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe.

Ở Việt Nam, bệnh viêm da dị ứng là một vấn đề phổ biến, đặc biệt trong điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm ướt. Bệnh này thường do dị ứng và ô nhiễm môi trường gây ra, dẫn đến các triệu chứng ngứa ngáy và viêm đỏ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hợp chất hoạt tính trong cây hoàng kỳ có thể giúp giảm các triệu chứng này, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, nhóm nghiên cứu đã chọn đối tượng nghiên cứu dựa trên ý tưởng ban đầu này để tìm kiếm các giải pháp điều trị hiệu quả, an toàn và rẻ tiền.

Công trình nghiên cứu của tôi là: “Xác định các chất ức chế triterpenoid saponin của interleukin IL-33 truyền tín hiệu từ rễ cây hoàng kỳ,” đã xác định được các hợp chất triterpenoid saponin có tác dụng ức chế IL-33/ST2. Ngoài ra, tôi cũng đã công bố thêm một bài báo trên tạp chí Oxy hóa (Antioxidants, Q1) với hệ số ảnh hưởng cao về loài đậu kiếm, trên cùng mô hình nghiên cứu này về nhắm mục đích bệnh viêm da và dị ứng, điều này càng củng cố thêm các minh chứng và cho tiềm năng nghiên cứu của nhóm.

TS Lê Bá Vinh: Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thị trường dược liệu - ảnh 4 Với Giáo sư Mehdi BENIDDIR tại Hội nghị Dược liệu Hàn Quốc 2023 tại Seoul.

PV: Như vừa chia sẻ, Anh có gần 10 năm làm việc ở Hàn Quốc về lĩnh vực phát triển thuốc mới từ dược liệu thiên nhiên. Theo Anh, Việt Nam có tiềm năng như thế nào về lĩnh vực này?

TS Lê Bá Vinh:  Đây là các vấn đề mà tôi các đồng nghiệp hết sức quan tâm. Vì thế tôi có thể nói cả ngày về vấn đề này. Việt Nam sở hữu một tiềm năng to lớn trong việc phát triển thuốc mới từ thiên nhiên, đặc biệt là từ dược liệu và các loài sinh vật biển. Như tôi đã chia sẻ, tôi có thời gian làm việc tại Hàn Quốc trong lĩnh vực phát triển thuốc mới từ thiên nhiên, và tôi nhận thấy rằng khí hậu và hệ sinh thái đa dạng của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các nguồn tài nguyên tự nhiên này. Ở các xứ lạnh, mùa đông thường có tuyết khoảng ít nhất 3 tháng điều này dẫn đến mật độ đa dạng về thực vật và các chất dược học trong các loài động thực vật ở các khu vực này cũng không cao bằng ở các nước nhiệt đới như Việt Nam. Các nhà khoa học nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng hết sức quan tâm đến các loài dược liệu và tiềm năng dược liệu biển của Việt Nam.

Việt Nam có một đường bờ biển dài hơn 3.200 km, với đa dạng sinh học biển phong phú. Nhiều loài sinh vật biển như tảo, rong biển và động vật không xương sống chứa các hợp chất sinh học tiềm năng có thể được nghiên cứu và phát triển thành các sản phẩm dược phẩm. Hơn nữa, hệ thống sinh thái biển phong phú có thể cung cấp nhiều nguồn tài nguyên chưa được khám phá, tạo ra cơ hội cho việc nghiên cứu các tác dụng dược học từ các hợp chất tự nhiên. Ngoài ra, Việt Nam còn có nền y học cổ truyền lâu đời, với hàng ngàn năm kinh nghiệm trong việc sử dụng dược liệu thiên nhiên để điều trị bệnh. Điều này không chỉ làm phong phú thêm nguồn dược liệu mà còn mở ra cơ hội để kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền trong việc phát triển các liệu pháp mới.

TS Lê Bá Vinh: Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thị trường dược liệu - ảnh 5Hội nghị thường niên định hình các nhà nghiên cứu lãnh đạo theo tiêu chuẩn EU về bền vững biển năm 2024, tại Na Uy, với bạn đồng nghiệp người Anh.

PV: Theo Anh, cần làm gì để Việt Nam có thể phát huy được hết những tiềm năng nguồn thảo dược tự nhiên. 

TS Lê Bá Vinh: Việt Nam thực sự có nguồn dược liệu rất đa dạng và phong phú, nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu vì một số lý do. Thứ nhất, việc khai thác và sản xuất dược liệu trong nước vẫn còn manh mún và hạn chế, không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Mặc dù có nhiều loại thảo dược quý nhưng công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các sản phẩm từ dược liệu tự nhiên vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Thứ hai, sự phát triển của ngành công nghiệp dược phẩm cũng gặp phải khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát chất lượng nguyên liệu, khiến cho nhiều doanh nghiệp chọn lựa nguồn nhập khẩu từ các nước có tiêu chuẩn cao hơn.

Để phát huy hết tiềm năng của nguồn thảo dược tự nhiên, Việt Nam cần thực hiện một số bước quan trọng. Đầu tiên, cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) các sản phẩm từ dược liệu, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của chúng. Thứ hai, cần có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích nông dân trồng và bảo tồn các loại dược liệu, đồng thời tăng cường quản lý và giám sát chất lượng sản phẩm. Cuối cùng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích và giá trị của dược liệu tự nhiên cũng là một yếu tố quan trọng, giúp tăng cường nhu cầu tiêu dùng sản phẩm trong nước.

PV: Hiện nay, Anh đang hợp tác hay có kết nối gì với Việt Nam trong lĩnh vực anh đang làm?

TS Lê Bá Vinh: Hiện tại, tôi đang hợp tác với một số viện nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam, bao gồm Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng như Viện Dược liệu. Thường xuyên về nước trong vài tháng, tôi tham gia vào các dự án hợp tác, cấp Bộ chẳng hạn như Quỹ Phát triển khoa học và Công nghệ Quốc Gia (Nafosted).

Bên cạnh đó, tôi còn giảng dạy các môn học liên quan đến Dược liệu và Hóa sinh tại các trường đại học trong nước. Đặc biệt, tôi tích cực tìm kiếm và lựa chọn những sinh viên có năng khiếu cũng như đam mê học tập nâng cao, khuyến khích họ theo đuổi học bổng cao học và nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Qua đó, tôi mong muốn góp phần tạo dựng một thế hệ nghiên cứu trẻ, năng động và có trình độ cao, góp phần vào sự phát triển của khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

PV: Một lần nữa xin mừng Anh và chúc Anh tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu với nhiều thành công hơn nữa.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác