(VOV5) - Nghị quyết 128 của Chính phủ với tinh thần chuyển từ Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.
Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng chóng mặt như hiện nay, có thể dẫn tới thiếu hụt lao động ở một số lĩnh vực bắt buộc phải làm việc trực tiếp. Trước nguy cơ thiếu nhân lực tại các bệnh viện, vừa qua Bộ Y tế đã cho phép các y, bác sĩ nếu nhiễm Covid-19 mà không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì vẫn có thể đi làm. Vậy với những ngành khác thì sao ? Theo nhiều chuyên gia, điều quan trọng hiện nay là phải thay đổi 1 số quan niệm, trong đó cần phải bỏ khái niệm F0, F1. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai để làm rõ vấn đề này.
PGS TS Nguyễn Tiến Dũng |
PV: Thưa ông, chưa khi nào số người nhiễm Covid-19 tại nước ta lại nhiều như hiện nay. Diễn biến dịch đang đòi hỏi cơ quan chức năng cần có những thay đổi linh hoạt như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế?
PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng: Hiện nay đã có chủ trương của Nhà nước rồi. Nghị quyết 128 của Chính phủ với tinh thần chuyển từ Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh. Theo tôi, nếu muốn sống an toàn với dịch bệnh thì điều đầu tiên phải bỏ ngay những quan niệm cũ. Nếu như giai đoạn đầu chúng ta cố gắng theo đuổi Zero Covid, nên quan niệm cứ người có kết quả xét nghiệm dương tính thì đó là F0. Điều này cần phải thay đổi vì nếu cứ đánh đồng cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng không có triệu chứng gì thì rất nguy hiểm. Phải coi những người này là người lành mang mầm bệnh. Hiện nay, trong cơ thể người khỏe mạnh không chỉ có virus của Covid-19 mà còn có 28 con virus, vi khuẩn cộng sinh trong mũi họng. Vì vậy những người dương tính với virus SARS- CoV2 nhưng không có triệu chứng gì thì chỉ gọi họ là người nhiễm virus, chứ họ không phải bị bệnh.
PV: Theo ông nếu cứ quy định tất cả những người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 đều là bệnh nhân như hiện nay thì có thể dẫn đến những hệ lụy gì?
PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng: Những người nhiễm virus SARS- CoV2 không có triệu chứng nếu chúng ta coi họ là người bệnh thì dẫn đến họ lại lo lắng thái quá, đi tìm thuốc để uống, thậm chí đi mượn đơn của người khác để đi mua thuốc, rất nguy hiểm. Về nguyên tắc những người này chưa cần phải dùng thuốc. Chỉ có điều là những người đó có thể lây bệnh cho những người khác thì phải hạn chế tiếp xúc để không lây cho người khác. Chứ họ không bị sao cả.
Theo dõi bệnh nhân nặng tại BV Điều trị người bệnh COVID-19 (Hà Nội). Ảnh minh họa: Thái Hà |
PV: Vậy với những người nhiễm Covid-19 mà không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ thì có nhất thiết phải nghỉ ở nhà không, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng: Những người này theo tôi không nhất thiết là phải ngồi yên ở trong nhà, Hạn chế tiếp xúc với người khác, nếu tiếp xúc thì tiếp xúc xa. Họ vẫn có thể làm việc online. Nếu nhà họ gần công viên mà ít người thì họ vẫn có thể đi tập thể dục. Có thể ăn riêng trong 1 phòng. Thậm chí họ nói trước đám đông nhưng đeo khẩu trang hoặc đứng cách xa gần chục mét thì cũng không sao cả. Chúng ta phải dựa vào khoa học.
PV: Còn với những người có triệu chứng vừa và nặng thì cần lưu ý điều gì, thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng?
PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng: Phải coi Covid-19 như một bệnh đường hô hấp thông thường. Vì khi 1 người bị ho và sốt thì không chỉ do Covid-19 mà có rất nhiều nguyên nhân do virus, vi khuẩn khác. Ví dụ như trẻ em ít nhất có 5 loại vi khuẩn, virus gây sốt. Khi dương tính Covid-19 nhưng nếu không xét nghiệm các loại virus, vi khuẩn khác thì lại là một câu chuyện khác. Ví dụ gần đây tại thành phố Hồ Chí Minh xét nghiệm sâu cho thấy, người bệnh mắc cả Covid-19 và sốt xuất huyết. Theo quan điểm của tôi, trong trường hợp này điều trị sốt xuất huyết là chính, nhưng nếu chỉ quan tâm điều trị Covid-19 thì rất nguy hiểm. Chẳng hạn nếu chữa theo Covid-19 cho bệnh nhân uống thuốc chống đông thì nguy cơ cao sẽ dẫn tới chảy máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng bệnh nhân. Như vậy, khi đã coi Covid-19 như một bệnh đường hô hấp thông thường thì những người mắc Covid-19 sẽ được khám xem có mắc các bệnh khác không…
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!