(VOV5) - Cộng đồng người Việt có mặt tại Nouvelle Calédonie, còn gọi là Tân Thế giới, một vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại Nam Thái Bình Dương từ cách đây gần một thế kỷ. Những người Việt đầu tiên sang Tân Thế giới được gọi là Chân Đăng vì họ đăng ký với chính quyền thuộc địa trước đây sang làm việc ở nơi này. Hiện nay, cộng đồng người Việt, là thế hệ con cháu những người Chân Đăng xưa đã có cuộc sống ổn định và thể hiện vai trò của mình một cách rõ rệt trong đời sống xã hội của vùng lãnh thổ này. Điều đặc biệt là năm 2016, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức quyệt định bổ nhiệm ông Đinh Ngọc Riệm, một người Việt ở Tân Thế Giới là Tổng lãnh sự danh dự của Việt Nam tại đây. Thăm Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp năm mới Đinh Dậu, ông Đinh Ngọc Riệm, Tổng lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Tân thế giới sẽ thông tin đến quý thính giả về đời sống của cộng đồng người Việt tại đây.
Phóng viên: Thưa ông, năm vừa, cộng đồng người Việt ở Tân Thế giới có nhiều bước chuyển biến, ông có thể thông tin đến thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam những nét mới của cộng đồng mình?
Ông Đinh Ngọc Riệm: Thứ nhất là cuối năm đã khánh thành Lãnh sự quán Việt nam tại Nouvelle Calédonie. Sau đó là Hội nghị Châu Á – Thái Bình Dương của Khối Pháp ngữ. Hội nghị được đánh giá là thành công nhất của Khối trong 10 năm qua. Chúng tôi đã mang múa rối cạn và múa rối nước sang biểu diễn để các đại biểu thưởng thức văn hóa Việt Nam.
Phóng viên: Thưa ông, cộng đồng người Việt ở Tân Thế giới đã hình thành từ thời các cụ đi phu cách đây đã gần một thế kỷ rồi. Với một cộng đồng xa quê lâu như thế, việc bảo tồn nét văn hóa cộng đồng được quan tâm như thế nào trong thời gian qua?
Ông Đinh Ngọc Riệm: Tại Nouvelle Calédonie, tôi là Chủ tịch Hội Ái hữu Việt Nam. Đây là Hội của người nước ngoài có cơ sở lớn nhất, bề thế nhất tại Nouvelle Calédonie. Chúng tôi thường tổ chức những hoạt động văn hóa để trẻ em đến vui chơi. Việc tổ chức các lớp tiếng Việt để các cháu nhỏ học. Hội Ái Hữu cũng tổ chức các lớp học múa cho người Việt. Mỗi năm đến Tết, chính quyền cũng mời đội văn nghệ của cộng đồng đến biểu diễn bằng tiếng Việt, trong đó có múa sư tử. Múa sư tử này là tài sản quý mà thế hệ trước truyền lại cho chúng tôi và chúng tôi truyền lại cho các cháu. Cứ hai, ba tháng chúng tôi lại mời các ca sĩ Việt Nam hoặc từ Australia sang biểu diễn văn nghệ để giữ tiếng Việt. Rồi tổ chức để các cháu hát karaoke bằng tiếng Việt, nói chuyện bằng tiếng Việt. các buổi giao lưu văn nghệ đó rất ý nghĩa cho các cháu nhằm giữ lại tiếng Việt của mình. Tiếng Việt của tôi là tiếng mẹ đẻ mà tôi nghĩ là đây là một gia tài mà bố mẹ để lại cho, mà bố mẹ tôi cũng nói với tôi rằng: con ơi, con nhớ dạy các cháu nói tiếng Việt. Tôi sinh ra ở Nouvelle Calédonie, tôi chưa bao giờ được đi học lớp tiếng Việt nào. Bố mẹ tôi nói được ba trăm câu thì tôi học lỏm được 250 câu thôi.
Phóng viên: Từ kinh nghiệm học tiếng Việt của bản thân ông cũng như các lớp học tiếng Việt cho các cháu hiện nay. Ông thấy có sự thay đổi gì từ lúc mình chưa biết tiếng Việt đến khi nói được tiếng Việt nhiều như thế trong cộng đồng hiện nay?
Ông Đinh Ngọc Riệm: Đây là điều rất tự hào vì mình về nước mình nói được tiếng Việt. Rất nhiều người hỏi tôi là tôi sinh ở đâu? Tôi trả lời là tôi sinh ra ở Nouvelle Calédonie. Có người đánh giá là: Ôi làm sao mà anh nói tiếng Việt giỏi vậy! Tôi trả lời là: Trời ơi, anh đi học trường Pháp, về đến cửa, đã vào trong nhà thì bố mẹ cấm được nói tiếng Pháp, phải nói tiếng Việt thì mới giữ được tiếng Việt. Còn bây giờ con cháu thật ra chúng nó cũng quên vì ông bà, bố mẹ nói tiếng Việt thì chúng nó cứ tiếng Tây nó nói, thành ra chúng nó cũng quên đi. Chúng tôi rất tiếc nên Hội Ái hữu cũng mở hai lớp học tiếng Việt cho trẻ em, mỗi lớp có hơn 20 cháu. Lớp Tiếng Việt cho người lớn có khoảng 15 đến 20 người Pháp đen và Pháp trắng tham dự.
Phóng viên: Cộng đồng người Việt ở Nouvelle Calédonie được biết là sống cũng rất tập trung. Làm thế nào để phát huy vai trò của người Việt mình trong cộng đồng chung của Tân Thế giới hiện nay?
Ông Đinh Ngọc Riệm: Cách đây 3 năm, tôi cũng xin dựng tượng bằng đồng (tượng Chân Đăng) để nhớ tới công lao của cộng đồng người Việt đã góp phần phát triển kinh tế ở vùng đất này. Hơn nữa, hiện nay, người Việt ở Nouvelle Calédonie chiếm tới hơn 80% các cửa hiệu nhỏ ở đây. Các doanh nghiệp này phát triển rất tốt, không bao giờ vi phạm luật pháp. Trẻ em học rất tốt, cũng không vi phạm luật. Người Việt là một bộ phận góp phần xây dựng kinh tế Nouvelle Calédonie phát triển từ gần 100 năm qua.
Vâng xin cảm ơn ông.