(VOV5) - Từ ngày 5 đến 7/9/2016, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (François Hollande) thăm chính thức Việt Nam. Chuyến thăm góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, đẩy mạnh hợp tác song phương trên các lĩnh vực mà hai bên quan tâm. Nhân dịp này, Phóng viên đài TNVN đã phỏng vấn Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp Nguyễn Hải Nam, người tháp tùng Tổng thống Pháp về ý nghĩa của chuyến thăm cũng như vai trò cầu nối của những người Việt Nam tại Pháp đóng góp cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Cảm ơn ông đã nhận lời tham gia chương trình của Đài TNVN.Thưa ông, Tổng thống Pháp Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (François Hollande) đã có chuyến thăm Việt Nam. Là người Việt sống ở Pháp, ông nhận định như thế nào về chuyến thăm này?
Ông Nam: Tôi vinh dự có mặt trong đoàn doanh nghiệp Pháp, đại diện Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp tháp tùng Tổng thống. Chuyến đi của Tổng thống tôi đánh giá cao ở góc độ đối ngoại chính trị giữa Pháp và Việt Nam sau ký kết hợp tác chiến lược giữa hai nước năm 2013. Đối với tôi cần nhấn mạnh là hình ảnh thể hiện mong muốn của nhà nước Pháp đối với Nhà nước Việt Nam. Đối với tôi đó là góc độ lớn nhất. Còn lĩnh vực kinh doanh thương mại giữa hai nước hy vọng sẽ tiếp tục phát triển.
PV: Theo ông, những lĩnh vực nào mà Việt nam và Pháp có thể tăng cường hợp tác trong thời gian tới?
Ông Nam: Theo tôi, những lĩnh vực mà doanh nghiệp Pháp có thể đầu tư kinh doanh với Việt Nam là về năng lượng, cơ sở hạ tầng hoặc hàng không dân dụng. Pháp với Việt Nam vẫn tiếp tục giao thương tốt. Song song với những lĩnh vực trên, thế mạnh của Pháp là lĩnh vực nông lâm nghiệp. Điều này nhắc chúng ta phải quan tâm tới những doanh nghiêp vừa và nhỏ của Pháp. Tôi bổ sung thêm trong quá trình làm việc với doanh nghiệp hai nước, có nhiều lĩnh vực chưa được khai thác, vốn ít nhưng ghi dấu ấn tốt với Pháp mà Việt Nam có nhu cầu như lĩnh vực chế tạo thiết bị cảng hàng không; lĩnh vực đào tạo chuyên ngành, không nhất thiết là khoa học, có thể công nghệ thông tin, chuyển giao chất xám, hoặc công nghệ thời trang vì đằng sau thời trang là may mặc. Chúng ta cần quan tâm đào tạo các nhà thiết kế. Lĩnh vực này tôi nghĩ là nhỏ nhưng có chiều sâu sẽ kéo theo những lĩnh vực thương mại khác. Chuyến đi lần này của Tổng thống cũng như các chuyến thăm khác sắp tới sẽ là tiền đề để phát triển thương mại giữa hai nước sau này.
|
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp |
Có một lĩnh vực mới là mô hình quản lý chợ quốc tế. Tôi và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp thường xuyên tiếp các doanh nghiệp nông nghiệp hoặc ban kinh tế của một Bộ nào đó. Vào chợ đầu mối quốc tế, Việt Nam có thể phân phối hàng nông sản. Thứ hai, là lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị phần mềm cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần quan tâm vì vốn đầu tư ít, nhưng hiệu quả cao.
PV: Cộng đồng người Việt ở Pháp có hơn 300 ngàn người, cần phải làm gì để phát huy vai trò cầu nối của cộng đồng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp hiện nay?
Ông Nam: Trả lời câu hỏi của Đài TNVN thì tôi thấy sự có mặt gián tiếp hay trực tiếp của những người có dòng máu Việt ở Pháp là rất lớn, tiềm năng của họ rất lớn. Chúng ta chưa khai thác đủ, chưa tiếp cận được họ đầy đủ. Chẳng hạn như đoàn tháp tùng Tổng thống có gần 100 người, thì trong đó có 10 người gốc Việt. Nếu chúng ta muốn sử dụng chất xám của họ, phải đến với họ chứ không phải họ đến với mình. Đây là công việc mà Hội doanh nhân tại Pháp tiếp tục làm đầu mối kết nối. Hội doanh nhân tại Pháp thu hút hơn 150 hội viên và quan hệ khoảng 500 đối tác, trong đó những người gốc Việt tại Pháp làm cầu nối rất tốt. Các bạn người Việt làm việc trong các công ty lớn tại Pháp. Nếu đầu tư vào Việt Nam thì sẽ có tiếng nói với các công ty Pháp. Làm thế nào để cộng đồng người Việt đóng vai trò cầu nối, thì tôi nghĩ phải đến với các sự kiện. Hai lĩnh vực có thể thu hút họ là văn hóa, văn hóa nghệ thuật và nhạc. Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp đã có cố gắng nhưng để hướng về kiều bào phải có sự đóng góp của nhà nước Việt Nam với sự tham gia của Bộ văn hóa, Bộ Ngoại giao. Văn hóa phải dành cho nhiều thế hệ chứ không chỉ truyền thống. Văn hóa có văn hóa dân tộc, có đương đại đi sâu vào các thế hệ, do đó, sẽ tập hợp được người gốc Việt Nam. Tốt nhất là đối với các bạn gốc Việt hoặc hai dòng máu, cần tạo cho các bạn công việc tại Pháp hay tại Việt Nam thì đó là cầu nối trong lĩnh vực kinh doanh. Về Việt Nam làm một thời gian sẽ giúp khởi động tinh thần dân tộc của các thế hệ trẻ.
PV: Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp đề ra chương trình cụ thể gì sau chuyến thăm này?
Ông Nam: Chuyến thăm này trùng với kỷ niệm 6 năm thành lập Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp. Không phải bây giờ mà trước đấy, chúng tôi đã có kế hoạch đẩy mạnh xây dựng đoàn doanh nhân trẻ gốc Việt tại Pháp, Sau chuyến thăm của Tổng thống, chúng tôi và đoàn doanh nhân trẻ gốc Việt tại Pháp sẽ tham dự Diễn đàn doanh nghiệp việt kiều Châu âu tại Budapest(Hung ga ry). Chúng tôi đã thành lập Liên hiệp doanh nhân trẻ Việt Nam tại Châu Âu, đấy là động tác cụ thể của chúng tôi và qua chuyến tháp tùng Tổng thống, Hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động hướng về Cộng đồng. Từ đó, có tác động, liên kết các bạn trẻ người Việt ở các nước. Trong chuyến thăm, chúng tôi có mặt tại Hội thảo thương mại doanh nghiệp Việt và Pháp. Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp là một trong những nhà tài trợ chính và điều này phần nào gây tiếng vang với các doanh nghiệp Pháp. Chúng tôi tiếp cận các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ của Pháp để hỗ trợ chia sẻ thông tin, hỗ trợ văn hóa kinh doanh và chia sẻ cách tiếp cận của Việt Nam, đó là chức năng của Hội. Tóm lại, những hoạt động của Hội tiếp tục mở rộng hoạt động qua các bạn trẻ tới các nước Châu Âu, như khu vực Tây Âu. Đã và tiếp tục khai thác nhiều chương trình để lam cầu nối hiệu quả cho Việt Nam và Pháp xích lại gần nhau nữa. Từ đây đến cuối năm, chúng tôi hỗ trợ Hội nghị phi tập trung tại Cần Thơ. Chúng tôi sẽ mang đến Hội nghị này 2, 3 doanh nghiệp của Pháp. Hỗ trợ UBND TP Cần Thơ khi họ sang Pháp vào cuối năm và hỗ trợ về đào tạo ngoại ngữ. Hội thảo thương mại tháng 10 của một tổ chức của Nguyên Thủ tướng Pháp Giăng Pie Rapharanh tổ chức tại TPHCM. Chúng tôi là đơn vị đồng hành với sự kiện đó cùng với Phòng Thương mại Pháp Việt, Thương vụ Pháp. Tại Hội thảo này, chung tôi hy vọng kết nối 1 doanh nghiệp Việt Nam muốn hướng ra thị trường nước ngoài. Chúng tôi sẽ tham dự Diễn đàn của Hội Hữu nghị Pháp Việt tháng 11 tại Pháp, giới thiệu cho các doanh nghiệp, công ty hay việt kiều Pháp quan tâm tới thị trường Việt Nam. Từ đây đến cuối năm, có đoàn nào từ Việt Nam sang thì chúng tôi đồng hành cùng Đại sứ quán Pháp và qua thương vụ, chúng tôi đi tới Bỉ, Thụy Sĩ, đến với các hội đoàn có tiềm năng. Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp là nơi để trả lời câu hỏi bạn cần gì? nhu cầu là gì? chúng tôi xem xét cố gắng giải quyết.
PV: Xin cảm ơn ông!