(VOV5) - Vũ Tường Vy là sinh viên năm thứ 3 ngành nghệ thuật và văn học tại trường Wooster, Hoa kỳ. Tường Vy rất quan tâm đến cuộc sống của học sinh trong trường và đang làm Phó chủ tịch Hội sinh viên quốc tế cũng như trợ lý phòng tuyển sinh quốc tế. Tham gia chương trình hôm nay, Vũ Tường Vy chia sẻ về việc làm sao để hòa nhập vào cuộc sống học tập tại Mỹ, đồng thời vẫn giữ được bản sắc của dân tộc Việt Nam.
|
Vũ Tường Vy (ngồi giữa, hàng đầu tiên) và các bạn sinh viên quốc tế trong một sự kiện của nhà trường (Ảnh: facebook nhân vật) |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Được biết hiện nay Tường Vy là Phó Chủ tịch Hội sinh viên quốc tế trong trường. Bạn đã có những hoạt dộng như thế nào để có thể qua công việc của mình khẳng định bản sắc của sinh viên Việt Nam?
Vũ Tường Vy: Khi sang Mỹ, tôi biết đến Hội sinh viên quốc tế. Từ trước, Hội chỉ giúp các bạn học sinh tổ chức các sự kiện liên quan đến văn hóa của mình. Khi theo dõi hoạt động của tổ chức này trong năm đầu tiên, đến năm thứ 2 tôi nghĩ rằng nên có sự hay đổi vì học sinh quốc tế sang đó thường gặp những khó khăn, đặc biệt ở trường tôi thì là những khó khăn liên quan đến tài chính. Ví dụ như những kỳ nghỉ trong năm, học sinh quốc tế bị tính phí ở lại trường rất cao, điều này rất vô lý. Rồi vấn đề đồ ăn không phù hợp… Khi vào Hội, tôi không chỉ giúp các bạn tổ chức sự kiện nữa mà tôi đã đi gặp những người có trách nhiệm trong trường để yêu cầu giải quyết. Riêng về việc làm thế nào để giúp các học sinh Việt Nam giữ bản sắc của mình, thì tôi luôn thông tin cho các bạn về những sự kiện sắp diễn ra, ví dụ như cuộc thi nấu ăn, tôi huy động các bạn tham gia và nấu các món mang đậm tính chất Việt Nam, và Hội Việt Nam đã thắng trong cuộc thi đó. Trong trường, học sinh Việt Nam có khoảng 20 người và các bạn rất thân với nhau, dịp lễ nào cũng ngồi quây quần, nấu ăn chung. Các bạn đến từ khắp 3 miền đất nước, mỗi người góp một nguyên liệu khác nhau để cùng nấu ăn, rất vui. Chỉ có điều làm thế nào để các bạn có thể thoải mái hơn khi mà giao tiếp với học sinh quốc tế để các bạn có thể mở rộng mạng lưới hơn và trải nghiệm cuộc sống ở Mỹ tốt hơn.
PV: Đã nhận ra được mặt hạn chế đó, bạn có giải pháp nào cho vấn đề này?
Vũ Tường Vy: Cái này rơi nhiều về mặt sốc rào cản ngôn ngữ và rào cản văn hóa. Khi mới sang Mỹ, vì không quen nói tiếng Anh nên có thể các bạn phát âm không chuẩn hay nói chậm trong khi các bạn khác nói quá nhanh, do đó ngay từ bước đầu hai bên đã không hiểu nhau, nên các bạn thoải mái hơn khi chơi với hội Việt Nam. Nhưng nếu vượt qua được thời gian đầu đó, mình vẫn giữ mối quan hệ chặt chẽ với hội Việt Nam để vẫn có mạng lưới trợ giúp, mình cố gắng trau dồi tiếng Anh, nói chuyện với các bạn để tìm hiểu thêm về văn hóa của họ, thì tôi nghĩ là nó sẽ giúp ích hơn rất nhiều. Nhưng đa số đó là bước đầu, là kỳ đầu tiên và năm đầu tiên, làm thế nào vượt qua được rào cản đó là sẽ được.
PV: Như vậy là Tường Vy đã có 2 năm học tập tại Mỹ. Cho đến giờ bạn đã cảm thấy mình đã thực sự hội nhập vào cuộc sống giữa đa sắc tộc như thế hay chưa?
Vũ Tường Vy: Ở trường tôi làm ở trong các tổ chức khác nhau, và chơi nhiều với các học sinh quốc tế nên tôi xây dựng được mạng lưới học sinh quốc tế rất tốt. Tôi cũng tham gia một nhóm nhỏ, gồm những người có sở thích giống nhau, tính cách hợp nhau. Trong hội của tôi chỉ có 2 người Việt Nam và khoảng 40 bạn Mỹ. Chính vì vậy tôi cũng hòa nhập với các bạn rất nhiều. Khi tôi ở Mỹ, chứng kiến những khó khăn của học sinh Việt Nam và học sinh quốc tế nơi đất khách quê người, rồi nhìn được quá trình hội nhập của các bạn – có hòa nhập được hay không và khi đã hòa nhập được rồi thì có giữ được bản sắc của dân tộc mình hay không. Vì thế, tôi có mong muốn làm thế nào để học sinh Việt Nam trước khi sang sẽ được chuẩn bị tâm lý một cách tốt nhất. Ví dụ như mình có nên thay đổi bản thân mình không, thay đổi như thế nào cho hợp lý, và những điều mà mỗi người cần phải biết để có thể giúp được mình và giúp những người xung quanh khi sang Mỹ du học. Tôi cũng mong các em chuẩn bị được tâm thế là mình phải tôn trọng người khác, và mình cần được người khác tôn trọng, các em cần phải biết cái quyền của các em khi sang bên đó là gì, và cái đó sẽ giúp các em rất nhiều.
PV: Như Tường Vy vừa chia sẻ, sống giữa một xã hội đa sắc dân như thế nhưng mình không bị lạc lõng, đồng thời vẫn phải phát huy tinh thần Việt Nam của mình. Vậy theo bạn, một du học sinh Việt Nam ra nước ngoài phải làm gì để giữ được tinh thần Việt Nam đó?
Vũ Tường Vy: Tôi nghĩ điều đầu tiên mình phải tin vào chính bản thân mình, tin vào năng lực và những điều mình có thể làm được. Bất kể em đó học theo ngành gì và học ở trường nào, thì đều phải biết làm thế nào để trở thành bản thể tốt nhất của mình và nỗ lực trong 4 năm tới. Các em phải cân bằng lại, vừa phải thể hiện ra mình là người Việt Nam, nhưng vẫn chơi được với các bạn quốc tế. Luôn luôn phải nhớ mình là người Việt Nam và mình tự hào về nền văn hóa của mình. Khi các bạn có những cái hiểu lầm về văn hóa của mình là mình phải lên tiếng. Tinh thần dân tộc thể hiện rất nhiều ở đó.
PV: Cảm ơn Tường Vy đã chia sẻ những điều rất thú vị với Đài TNVN.