Hà Nội quan tâm đến việc tôn tạo, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể

(VOV5) - Hà Nội là một trong những thành phố có số di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng đứng đầu cả nước, là nơi có hàng trăm lễ hội diễn ra hàng năm. Theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội, thành phố luôn quan tâm đến việc tôn tạo, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn thủ đô.


Hà Nội quan tâm đến việc tôn tạo, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể - ảnh 1
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hà Nội.
Ảnh: Mỹ Trà



Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:




Phóng viên:
Thưa ông, Hà Nội có hệ thống di sản văn hoá vật thể và phi vật thể khá phong phú và đa dạng. Ông cho biết việc giữ gìn, tôn tạo các di sản văn hóa, lịch sử ở Hà Nội được thực hiện như thế nào?


Ông Trương Minh Tiến: Trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố. Đặc biệt từ khi có luật di sản năm 2001 và được sửa đổi năm 2009 đến nay thì công tác quản lý bảo tồn phát huy các giá trị di sản trên địa bàn thủ đô đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Ý thức trách nhiệm của cán bộ, các đoàn thể, quần chúng nhân dân vào cuộc tốt hơn đối với các di sản trên địa bàn thủ đô. Và từng xã, phường đã có ý thức chấp hành tốt hơn. Về mặt quản lý nhà nước, do thủ đô Hà Nội có nhiều di tích nên thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua có phân cấp trách nhiệm quản lý cho các cấp chính quyền địa phương từ quận, huyện, thị xã đến các xã, phường, thị trấn rồi đến từng tổ dân phố. Vừa rồi, thành phố ban hành quy chế tu bổ phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố. Quy chế này đã triển khai đến các quận, huyện, các cơ sở. Thứ ba, về huy động các nguồn lực để tu bổ các di tích, chúng tôi thấy, trong nhiều năm qua, từ ngân sách các cấp và công tác xã hội hóa, chúng ta đã có một bước rất quan trọng trong việc tu bổ các di tích có giá trị. Các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được từng bước được bảo tồn. Ví dụ như ca trù, hát chầu văn, hát xẩm, các lễ hội truyền thống cũng đã từng bước được quản lý và phát huy giá trị của nó.

Cuối năm 2016 vừa qua, thành phố có phê duyệt kết quả tổng kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố. Hà Nội hiện nay có tới 5.922 di tích các loại. Đồng thời thành phố cũng phê duyệt đề án kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố. Theo đó, Hà Nội hiện nay có tới trên 1.700 các loại hình văn hóa phi vật thể. Chúng ta đã nhận diện được thì chúng ta cần phải lựa chọn các loại hình văn hóa phi vật thể vừa có giá trị, vừa có nguy cơ bị mai một để tập trung bảo tồn.

Phóng viên: Những ngôi đình, chùa cổ của Việt Nam là nơi mà bà con trong nước cũng như kiều bào khi trở về Tổ quốc hay lui tới mỗi dịp Tết đến xuân về. Vãn cảnh lễ chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa của người dân Việt Nam trong mỗi dịp đầu xuân, phải không thưa ông?


Ông Trương Minh Tiến: Đấy là một nét đẹp và là tín ngưỡng tâm linh của người Việt Nam. Yêu cầu đặt ra là chúng ta phải tạo mọi điều kiện cho người dân được thỏa mãn tín ngưỡng đó. Vào những dịp đầu xuân này, một loạt lễ hội truyền thống và những lễ hội truyền thống đó lại gắn liền với các di tích cụ thể, được tổ chức đầu xuân thu hút một lượng lớn nhân dân địa phương, khách ở trong nước cũng như quốc tế đến chiêm ngưỡng và thực hiện các tín ngưỡng của mình ở đó. Tôi cho rằng đây là một trong những vốn quý. Chính điều đó làm nên bản sắc văn hóa dân tộc và cần được gìn giữ, phát huy và phổ biến tuyên truyền rộng rãi cho khách trong nước và quốc tế.

Phóng viên: Trong các ngôi đình của Hà Nội, đình So ở huyện Quốc Oai là ngôi đình cổ có kiến trúc tiêu biểu. Ba lễ lớn trong năm của đình làng So là hội làng, lễ khao quân và ngày thánh hóa đều được người dân tổ chức trang trọng. Điều đó cho thấy sự giữ gìn cũng như phát huy giá trị dòng chảy văn hóa của dân tộc của người dân Hà Nội?


Ông Trương Minh Tiến: Vào dịp đầu xuân, các cụ ở đình So thường tổ chức lễ tế mang bản sắc riêng, gìn giữ, phát huy được các giá trị của đình So. Đây là một nét đẹp đầu xuân của làng. Thay mặt cho những người làm công tác quản lý di sản của thủ đô Hà Nội, chúng tôi cảm ơn và biết ơn các thế hệ nhân dân ở địa phương đã tự nguyện góp phần quản lý, gìn giữ, phát huy các giá trị rất độc đáo của đình So.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác