Hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn chiêm bái tổ tiên, tưởng nhớ công ơn các vị Vua nhà Lý

(VOV5) - Dòng họ Lý Hoa Sơn luôn muốn duy trì hoạt động về dâng hương lên các vị Vua nhà Lý trong ngày lễ hội Đền Đô để giáo dục cho thế hệ trẻ trong dòng họ luôn nhớ về tổ tiên và quê hương.


Là hậu duệ đời thứ 28 của Vua Lý Thái Tổ, nhiều năm trở lại đây, năm nào đúng vào dịp lễ hội Đền Đô (15 tháng 3 âm lịch), ông Lý Thừa Vĩnh cũng trở về đất nước và đến miền đất Đình Bảng để chắp tay chiêm bái tổ tiên dòng họ Lý. Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn ông Lý Thừa Vĩnh, Chủ tịch dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc, vừa có mặt tại lễ hội Đền Đô nhân kỷ niệm 1.007 năm ngày Vua Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn đăng quang ngôi vị Hoàng đế, về niềm tự hào là con cháu của dòng họ Lý vẻ vang và những đóng góp của dòng họ Lý Hoa Sơn trong việc thúc đẩy mối quan hệ giao lưu nhân dân giữa hai nước.


Hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn chiêm bái tổ tiên, tưởng nhớ công ơn các vị Vua nhà Lý  - ảnh 1
Ông Lý Thừa Vĩnh, Chủ tịch Dòng họ Lý Hoa Sơn, bái yết tổ tiên tại đền Đô, tỉnh Bắc Ninh



Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:


 Phóng viên:
Thưa ông, đã từ nhiều năm nay, trong những chuyến trở về Việt Nam hàng năm, ông thường hay về thăm lại nguồn gốc tổ tiên của mình tại đền Đô ở tỉnh Bắc Ninh. Và năm nay, ông lại có mặt tại đền Đô để dự hội. Ông cho biết về tình cảm của những người con dòng họ Lý tại Hàn Quốc hướng về cội nguồn ở Việt Nam?


Ông Lý Thừa Vĩnh: Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ nhỏ trong dòng họ đã được giáo dục là con cháu của vua Lý Thái Tổ, quê hương là ở Việt Nam. Từ năm 1992, sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, những người trong dòng họ chúng tôi có nhiều cơ hội để trở về thăm Việt Nam. Mỗi lần về vào dịp lễ hội đền Đô như thế này, chúng tôi tổ chức đoàn các con cháu về đây để dâng hương lên các vị Vua nhà Lý. Chúng tôi luôn muốn duy trì hoạt động này để giáo dục cho thế hệ trẻ trong dòng họ luôn nhớ về tổ tiên và quê hương. Mỗi lần về đây, chúng tôi mong muốn góp sức mình để đất nước Việt Nam ngày càng phát triển đồng thời góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc.


Phóng viên: Ông cho biết ở Hàn Quốc, Hội dòng họ Lý Hoa Sơn có các hoạt động cụ thể gì để duy trì phát triển dòng họ hướng về quê hương?


Ông Lý Thừa Vĩnh: Hội dòng họ Lý Hoa Sơn được thành lập từ năm 1970, hoạt động giống như một tổ chức dòng họ. Hàng năm, vào tháng 5, chúng tôi có cuộc họp dòng họ. Dòng họ của chúng tôi không giống như các dòng họ khác ở Hàn Quốc. Vì dòng họ chúng tôi có nguồn gốc từ Việt Nam sang Triều Tiên và sau đó di chuyển sang Hàn Quốc. Dòng họ Lý sang Hàn Quốc sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở Seoul, Incheon và Gyeonggi. Tháng 5 là dịp để cả dòng họ Lý Hoa Sơn gặp gỡ, giao lưu, chuyện trò, bàn các công việc của dòng họ. Trong ngày họp này, chúng tôi cũng thông báo về tình hình phát triển và sự thay đổi của đất nước Việt Nam, thông báo những chính sách mới ở Việt Nam, thông tin về những hoạt động mà chúng tôi được tham gia ở Việt Nam. Chúng tôi cũng trao đổi về việc làm thế nào để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam. Khi có công việc cần thiết, ban liên lạc của Hội gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Tổng thư ký sẽ họp bàn cụ thể, quyết định công việc rồi thông báo lại cho các thành viên trong dòng họ. Ví dụ, các đoàn lãnh đạo của Đảng, Nhà nước Việt Nam hoặc đoàn khách Việt Nam sang thăm Hàn Quốc, chúng tôi cũng tham gia tiếp đón một cách trang trọng. Ngoài ra, những hoạt động lớn do Việt Nam tổ chức tại Hàn Quốc, chúng tôi cũng tích cực tham gia.


Phóng viên: Được biết, ông và dòng họ Lý Hoa Sơn cũng đã có các hoạt động giúp đỡ cô dâu Việt Nam hòa nhập với cuộc sống mới tại Hàn Quốc?


Ông Lý Thừa Vĩnh: Các cô dâu Việt Nam và chồng Hàn Quốc đôi lúc có những bất đồng đầu tiên là về ngôn ngữ. Ngôn ngữ không hiểu nhau sẽ dẫn đến những bất đồng. Tôi có học tiếng Việt để trao đổi với các cô dâu về những khó khăn họ gặp phải, giải thích với các ông chồng Hàn Quốc để họ hiểu hơn về Việt Nam, thông cảm hơn với các cô dâu Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi trao đổi với các cô dâu Việt để họ hòa đồng với văn hóa, phong tục truyền thống Hàn Quốc qua đó từng bước gắn kết các gia đình đa văn hóa Việt – Hàn, tạo cầu nối hữu nghị vun đắp cho tình đoàn kết giữa hai quốc gia.



 Phóng viên:
Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác