Sau hơn 10 năm thực hiện thành công đối tác chiến lược Việt Nam- Đức, quan hệ 2 nước ngày càng phát triển tốt đẹp trên mọi lĩnh vực. Trong đó hợp tác thương mại, kinh tế có rất nhiều tiềm năng, độ mở lớn vì có nhiều đặc tính bổ sung cho nhau.Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhât của Việt Nam trong Liên minh châu Âu.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong 3 đối tác kinh tế lớn nhất của Đức trong ASEAN. Trong các chương trình xúc tiến thương mại, tài chính song phương, Hiệp hội Phát triển kinh tế và ngoại thương toàn của Đức (BWA) luôn phối hợp chặt chẽ với Thương vụ việt Nam tại Đức, là cầu nối tin cậy cho doanh nghiệp hai nước. Để hiểu thêm về nội dung này, PV Đài TNVN phỏng vấn anh Nguyễn Việt Anh, đại diện Việt Nam trong Hiệp hội BWA. Anh cũng đồng thời là đại diện lãnh đạo trẻ của Việt Nam tại Hiệp hội kinh tế Đức, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Xin anh giới thiệu đôi nét về Hiệp hội Phát triển Kinh tế và Thương mại toàn Liên bang Đức BWA cũng như công việc của anh ở đây?
Nguyễn Việt Anh: Hiệp hội BVA là một tổ chức kinh tế uy tín có tính chất toàn Liên bang Đức. BVA hiện tại có hơn 1.300 doanh nghiệp hiệp hội thành viên. BWA đưa việc phát triển kinh tế, thương mại làm trọng tâm dựa trên các yếu tố khác như chính trị, doanh nghiệp, văn hóa và khoa học công nghệ.
Nguyễn Việt Anh,
đại diện Việt Nam trong Hiệp hội BWA. |
Trụ sở của BWA tại Berlin nhưnghoạt động kết nối có tính lan tỏa từ khắp các bang, vùng miền tại Đức. BWA là nhà tài trợ của Liên hợp quốc và Phát triển thương mại (UNCTAD), và khởi xướng liên đoàn điểm thương mại quốc tế (WTPF) với hơn 120 điểm thương mại tại hơn 70 quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, các thành viên của BWA là các doanh nghiệp Đức và quốc tế có tiếng. Hiện tại, tôi đang giữ vị trí đại diện Việt Nam của hiệp hội và phụ trách các công việc liên quan đến vấn đề kết nối, phát triển mạng lưới doanh nghiệp, các sự kiện kinh tế, văn hóa doanh nghiệp cũng như các hợp tác đầu tư, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam và Đức thông qua hiệp hội.
PV: Hợp tác thương mại Việt Nam và Đức phát triển như thế nào, đặc biệt từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực (1/8//2020) trong đó hai nước Việt Nam và Đức là thành viên?
Nguyễn Việt Anh: Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU (EVIPA) là những FTA toàn diện và chất lượng cao, có mức độ và phạm vị cam kết sâu rộng, đảm bảo những lợi ích cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu, đồng thời tính đến sự khác biệt về trình độ phát triển của cả hai bên. Qua đó, cũng khẳng định mạnh mẽ mong muốn quyết tâm cao, tạo sự đột phá mới trong mối quan hệ thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, ,cũng như tăng cường sự hiện diện của EU ở thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh 02.09.2022 cùng với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Đức,ông Nguyễn Văn Hiền, TGĐ TTTM Đồng Xuân Berlin, ông Lê Quang Long Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt và Mr. Ludwig Westarp, Đại diện Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Đức tại Việt Nam. Ảnh nvcc |
Các dòng vốn FTA lúc nào cũng thúc đẩy tiềm năng thương mại giữa các đối tác. Có thể thấy, ngay sau khi hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực (1/8/2020), thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm liền, tiếp đó là cuộc khủng hoảng chính trị Nga- Ucraina ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Việt Nam là số ít các quốc gia vẫn được đánh giá là điểm sáng trong hoạt động thương mại với EU. Năm 2021, và những tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại 2 chiều EU và Việt Nam tiếp tục tăng. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm thứ 2 thực thi EVFTA (từ 8/2021- 7/2022), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt tầm 61 tỷ USD, tăng 11,9% so với năm đầu tiên hiệp định có hiệu lực.
Đón tiếp Bộ trưởng Bộ ngoại giao Bùi Thanh Sơn sang thăm và làm việc tại CHLB Đức năm 2022, cùng với chú Nguyễn Văn Hiền, TGĐ Trung tâm Thương mại Đồng Xuân |
Trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 45 tỷ USD, tăng 17% và nhập khẩu là 16,4 tỷ đôla (tăng 0,2%). Theo số liệu cơ quan thống kê châu Âu, trong 7 tháng đầu, Liên minh châu Âu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam với giá trị 28 tỷ euro, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, EU cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang Việt Nam với kim ngạch khoảng 7 tỷ euro, tăng 10% so với 2021. Như vậy, hiệp định EVFTA đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa của Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau và đáp ứng nhu cầu đa dạng nguồn cung giữa 2 bên.
PV: Các doanh nghiệp Đức quan tâm như thế nào tới thị trường Việt Nam hiện nay?
Nguyễn Việt Anh: Các doanh nghiệp Đức ngày càng quan tâm hơn nữa đến thị trường Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. Thời gian qua, tôi có cơ hội trao đổi trực tiếp với các lãnh đạo của các Hiệp hội kinh tế, các doanh nghiệp Đức và lắng nghe các mong muốn của họ.
Các lĩnh vực mà một số doanh nghiệp lớn Đức đặc biệt quan tâm như năng lượng- năng lượng xanh, bền vững rồi về môi trường, xử lý nước, xử lý rác thải. Ngoài lĩnh vực thương mại, kinh tế.. doanh nghiệp Đức cũng quan tâm đến những nội dung như công nghệ cao, số hóa, thành phố thông minh Smart City, Start-up. Rất nhiều cơ hội hợp tác giữa Đức và Châu Âu.
Kết nối Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng thăm và làm việc tại Trụ sở Tập đoàn Siemens Energy tại Berlin |
PV: Còn ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt cũng đã nhận diện được cơ hội và đang nỗ lực tiếp cận thị trường Đức và châu Âu nói chung như thế nào?
Nguyễn Việt Anh: Hiệp định EVFTA và sau này là Bảo hộ đầu tư…đang tạo ra các khung hợp tác song phương tốt giữa Việt Nam và Đức. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay phát triển và hội nhập rất nhanh vào thị trường quốc tế thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.
Các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có thể thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Đức và các nước châu Âu. Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp của Đức cho biết sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong hợp tác đôi bên cùng có lợi. Qua các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt nam, tôi thấy có một xu thế, các doanh nghiệp trọng nước đã chủ động tìm các đối tác Đức và châu Âu, xây dựng các trụ sở để tiếp cận, tìm kiếm thị trường tốt hơn. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn cản trở đối với các doanh nghiệp Việt.
Thứ nhất, thông tin của thị trường Đức vẫn còn thiếu, thiếu các đầu mối là các chuyên gia gốc Việt có kinh nghiệm am hiểu thị trường Đức và châu Âu. Thứ hai là trình độ về mặt bằng công nghệ còn chênh lệch và thứ 3 chiến lược các doanh nghiệp Việt chưa thực sự đặt nền móng phát triển lâu dài, chưa bền vững. Thứ 4 là nguồn vốn kinh doanh còn hạn chế. Và, đặc biệt điều thứ 5 là chênh lệch về văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chính là nền móng quan trọng cho các chiến lược cũng như là hợp tác bền vững với các tập đoàn quốc tế.
PV: Anh có thể cho biết là hiện tại Việt Nam có các loại hàng hóa gì đang có mặt tại thị trường Đức và châu Âu?
Hiện tại, có ngày càng nhiều hàng hóa xuất xứ Việt Nam đang dần chiếm được niềm tin với người tiêu dùng ở Đức và châu Âu. Các mặt hàng chính có thể kể đến là café, hạt điều, cao su, rau củ quả, hạt tiêu, gạo và chè đang có mặt tại tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng được người tiêu dùng Đức đánh giá tốt.
Hỗ trợ tập đoàn Vinfast gặp gỡ, kết nối cộng đồng Việt Nam tại Đức |
Theo một số liệu gần đây nhất của Tổng cục hải quan Việt Nam thì tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính Việt Nam sang thị trường EU năm 2021, 2022 trung bình đạt trên 2 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm trước đó. Với mức này thì EU vẫn là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 13% trong tổng số các hàng hóa nông sản chính xuất khẩu của Việt Nam năm vừa qua.
PV: Thưa anh, Hiệp hội BWA đang có những chương trình xúc tiến gì để giúp doanh nghiệp 2 nước tiếp cận thị trường của nhau một cách thuận lợi hơn, Thưa anh?
Nguyễn Việt Anh: Hiệp hội BWA coi Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á và sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Đức đầu tư phát triển vào thị trường Việt Nam và ngược lại. Cụ thể, BWA đã hỗ trợ truyền thông kêu gọi chính phủ các nước Châu Âu hỗ trợ phê duyệt các hiệp định thương mại tự do FTA hay EVIPA.
Ngoài ra, BWA chủ động tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư trực tiếp và trực tuyến phối hợp các Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức, các tỉnh thành và các doanh nghiệp tiêu biểu tại Việt Na m. Vào ngày 8/12/2022, BWA kết hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, tỉnh Bình Phước, tập đoàn BECAMEX…tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến và trực tiếp.
PV: Các doanh nghiệp Việt tại Đức cũng như cộng đồng hơn 200.000 người Việt đang sinh sống tại đây cũng được coi là một kênh sóng kết nối hữu hiệu hàng hóa Việt vào thị trường Đức?
Nguyễn Việt Anh: Cộng đồng người Việt tại Đức với hơn 200 nghìn người có vị trí quan trọng trong việc kết nối thương mại, hàng hóa xuất khẩu giữa Việt Nam và Đức. Ở Berlin có Trung tâm thương mại Đồng Xuân, Trung tâm thương mại Thái Bình Dương, với hàng nghìn doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ. Các doanh nghiệp Việt Nam tại Đức tiếp cận tốt với văn hóa, môi trường doanh nghiệp ở Đức.
Ngoài các thuận lợi đó cũng có những khó khăn cần phải tháo gỡ, trong đó trước nhất là phải duy trì chất lượng, thời gian giao hàng cũng như bảo đảm yêu cầu xuất xứ nguồn gốc, chất lượng sản phẩm đối với hàng hóa Việt xuất khẩu sang Đức. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ Hiệp hội như là BWA cho các doanh nghiệp Việt, tôi tin rằng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Đức nói riêng và với Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục nở rộ thời gian tới.
PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn Anh, và chúc Hiệp hội BWA ngày càng phát triển.