iLead Challenge 2016 - Sức trẻ vì cộng đồng
Bảo Trang -  
(VOV5) - ILead là một trong những dự án trẻ và triển vọng nhất của VietAbroader – tổ chức của du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Với xuất phát điểm là chuỗi workshop trang bị cho những người tham gia các kỹ năng mềm bên cạnh kỹ năng học thuật, iLead nhằm huấn luyện những kỹ năng lãnh đạo dành cho các học sinh, sinh viên tại Việt Nam. Đến mùa thứ 3 này, iLead Challenge 2016 đã mở rộng quy mô và hình thức, bên cạnh việc hỗ trợ về chuyên môn, Ban tổ chức còn cấp số vốn ban đầu để các nhóm thực hiện các dự án của mình. Thông qua đây, Ban tổ chức mong muốn tạo ra những cơ hội cho các bạn trẻ được nỗ lực hết mình, đón nhận những thử thách và trở thành những nhân tố thay đổi tích cực trong xã hội. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn bạn Lê Hoàng Yến, thành viên Ban tổ chức Cuộc thi Thử thách Lãnh đạo iLead Challenge 2016 về sự kiện này.
|
Lê Hoàng Yến - Thành viên ban tổ chức cuộc thi iLead Challenge 2016 |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Bạn có thể cho biết đôi nét về Cuộc thi Thử thách Lãnh đạo iLead, cuộc thi diễn ra tại Việt Nam từ bao giờ và nhận được sự quan tâm của cộng đồng ra sao?
Lê Hoàng Yến: Năm nay là năm thứ 3 cuộc thi iLead được tổ chức. Từ năm 2014, iLead là chuỗi workshop huấn luyện kỹ năng lãnh đạo cho các học sinh cấp 3 tại Việt Nam. Đến 2015, iLead không chỉ dừng lại ở các workshop về kỹ năng lãnh đạo và quản lý dự án nữa mà những thành viên tham gia còn có cơ hội để tự xây dựng những dự án riêng với mục đích giúp đỡ cộng đồng. Năm 2016 iLead Challenge trở lại với hình thức hoàn toàn mới: Đó là một cuộc thi gây quỹ vì cộng đồng. Ở đây, các bạn tham gia dự án không chỉ được huấn luyện các kỹ năng lãnh đạo, quản lý dự án mà còn tự mình xây dựng nên những dự án giúp đỡ cộng đồng, hướng tới những đối tượng khác nhau trong xã hội để gây quỹ và tạo ra những ảnh hưởng tích cực dành cho cộng đồng. iLead 2016 mong muốn trở thành bệ phóng hướng các bạn tới việc hiện thực hóa ước mơ được phục vụ cộng đồng của các bạn trẻ lứa tuổi từ 16-20 tại Việt Nam. Trong Ban tổ chức của iLead có các anh chị từ các nước Châu Âu hay Mỹ về với các em ở Việt Nam để cùng nhau bàn về dự án. Các anh chị là những người đặt những viên gạch đầu tiên cho iLead. Sau khi được các anh chị chỉ bảo và được truyền cảm hứng rất nhiều từ các anh chị, chúng tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm chuyền ngọn lửa đam mê, ngọn lửa tri thức này về Việt Nam, về với xã hội, cộng đồng của mình, nơi mình đang sinh sống.
PV: Như bạn vừa chia sẻ, iLead Challenge 2016 có những điểm mới và hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Vậy sự hưởng ứng tham gia của các thí sinh như thế nào cho cuộc thi này?
Lê Hoàng Yến: Ban tổ chức cuộc thi khi phát động đơn đăng ký đã nhận được sự quan tâm của hàng trăm bạn trẻ với những bản đề xuất dự án hướng tới những đối tượng khác nhau trong xã hội và nội dung vô cùng phong phú. Sau vòng tuyển chọn, BTC đã chọn ra được 10 dự án xuất sắc nhất với 50 bạn trẻ sẽ triển khai những dự án đó. Có thể kể đến Khác Project – một dự án gây quỹ thông qua hoạt động sáng tạo nghệ thuật dành cho trẻ em ở mái ấm để có thể lần đầu tiên đưa các em tiếp xúc với khái niệm nghệ thuật, hay đưa những em nhỏ gặp nhiều thiệt thòi, khó khăn cả trong tâm hồn cũng như về mặt năng lực được tiếp xúc với nghệ thuật, được tự mình tạo ra những sản phẩm nghệ thuật. Sau đó những sản phẩm này sẽ được mang ra triển lãm để cộng đồng nhìn thấy thành quả của các em. Qua đó cộng đồng cũng có thể nhìn thấy sự nỗ lực, khả năng của các em nhỏ còn chịu nhiều thiệt thòi. Một dự án khác là Nắng Project hướng tới những trẻ em hở hàm ếch. Thông qua hoạt động là Yoga cười và triển lãm ảnh, kết hợp với tổ chức Operation Smile – phẫu thuật nụ cười. Dự án này sẽ gây quỹ và gửi đến tổ chức Operation Smile để phục vụ cho việc phẫu thuật cho các em nhỏ bị hở hàm ếch, mang lại cho các em những nụ cười trọn vẹn nhất. Ngoài ra còn có dự án Cuộc thi chạy dành cho người khuyết tật, với hình thức là mỗi đội chơi sẽ gồm 1 người bình thường kết hợp với 1 người khuyết tật. Qua đây dự án mong muốn cộng đồng sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về khả năng của người khuyết tật. Ngoài ra còn có dự án xây dựng sân chơi từ những đồ tái chế dành cho học sinh tiểu học và mẫu giáo; Dự án vì trẻ tự kỷ; Dự án I Do It Yourself – nơi các học sinh sinh viên được tự tay làm ra các đồ handmade…
PV: Có thể thấy mỗi dự án đều mang những hình thức khác nhau nhưng tất cả đều hướng tới sự quan tâm và ảnh hưởng tới cộng đồng. Vậy tiêu chí quan trọng nhất mà BTC muốn hướng tới trong việc lựa chọn dự án đoạt giải là gì?
Lê Hoàng Yến: Dự án có thể gây được những ảnh hưởng tích cực trong cộng đồng cũng như có thể tạo ra sự thay đổi mang tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng thì sẽ là dự án đoạt giải cao. Sau khi qua vòng tuyển chọn, 10 dự án được nhận số vốn hỗ trợ ban đầu là 4 triệu đồng cho 1 dự án. Trong quá trình thực hiện dự án từ đầu tháng 6 tới nay, chỉ là những dự án của học sinh nhưng các bạn đã làm được những thay đổi tích cực trong cộng đồng và đánh trúng tâm lý của những người trẻ và những người quan tâm tới các vấn đề xã hội, vì vậy mà nhiều dự án đã được tài trợ đáng kể, lên tới hàng chục triệu đồng. Số tiền này sẽ được các bạn đem tới những mái ấm, những tổ chức từ thiện để có thể góp phần xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người còn gặp nhiều có khăn trong cuộc sống.
- Xin cảm ơn Hoàng Yến, và chúng ta sẽ cùng chờ kết quả của những dự án mà cuộc thi Thử Thacshh lành đạo iLead Challenge 2016 sẽ đem đến cho cộng đồng, cho xã hội mỗi ngày một tốt hơn.
Bảo Trang