(VOV5) - Ra đời cách đây 80 năm (1943) và được thông qua tại Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng ở Võng La, Đông Anh, Phúc Yên nay là Hà Nội.
Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng bí thư Trường Chinh khởi thảo thể hiện tầm nhìn thời đại khi Đảng xác định vai trò dẫn đường của văn hóa đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Súc tích trong khoảng 1.500 chữ nhưng văn kiện này thể hiện khá đầy đủ quan điểm của Đảng về vị trí của văn hóa đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.
Thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới ở Việt Nam 80 năm qua đã cho thấy ý nghĩa và giá trị mang tầm thời đại của văn kiện này. Về nội dung này, phóng viên Văn Hiếu phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông về nội dung này.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông, trong những năm qua, chúng ta đã có những giải pháp gì nhằm kế thừa và phát huy giá trị những quan điểm lý luận của Đề cương về Văn hóa Việt Nam trong bảo vệ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…. để từ đó tìm ra động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Nhận thức sâu sắc về vai trò ý nghĩa quan trọng của đề cương văn hóa trong 80 năm qua Đảng ta đã có nhiều giải pháp nhằm kế thừa và phát huy giá trị những quan điểm lý luận của đề cương về văn hóa Việt Nam trong bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông tại Họp báo giới thiệu các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam”. |
Từ đó tìm ra động lực phát triển văn hóa theo hướng bền vững. Điều này được thể hiện trong các văn kiện của Đảng như Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 về xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết số 33 về xây dựng văn hóa con người Việt Nam, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa sức mạnh của người Việt Nam.
Trên cơ sở những định hướng này, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch đã có nhiều giải pháp cụ thể nhằm xây dựng phát triển nền văn hóa dân tộc cũng như khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh của con người Việt Nam. Cụ thể phải kể đến như chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó mục tiêu và giải pháp trọng tâm là nâng mức đầu tư cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội để tạo môi trường thể chế có khả năng chuyển hóa các tài nguyên văn hóa, sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở vận dụng hài hòa nguyên tắc dân tộc, khoa học và đại chúng để văn hóa thực sự là ngọn đuốc dẫn đường.
PV: Vậy ông có thể cho biết những bước đột phá và quyết tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021 như thế nào?
Thứ trưởng Tạ Quang Đông: Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và ý kiến kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan đề ra nhiều giải pháp cụ thể để xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc, cũng như khơi dậy và phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa truyền thống và sức mạnh con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, cụ thể là:
Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa; coi sự nghiệp phát triển văn hóa là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân để thấm nhuần quan điểm đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người và cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình, nhiệm vụ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trên cơ sở “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ngành sẽ đổi mới tư duy quản lý từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa. Thông qua công cụ pháp luật và kiến tạo chính sách để khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa cả về nhân lực và vật lực.
Từng bước nghiên cứu, xác định nội hàm hệ giá trị văn hóa Việt Nam, hệ giá trị con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Hệ giá trị con người Việt Nam sẽ được xây dựng với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu thời đại mới như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đề cao lối sống "Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người". Xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh làm nền tảng, điều kiện để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách của con người Việt Nam.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng Tạ Quang Đông!