(VOV5) - Việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế đã thu hút sự quan tâm không chỉ của nhân dân Việt Nam ở trong nước, cộng đồng quốc tế và đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài. Nhiều nhà báo quốc tế đã đến Việt Nam để năm bắt tình hình thực tiễn tại khu vực đặt giàn khoan trái phép. Nhiều tri thức, học giả người Việt Nam ở nước ngoài cũng trở về để nắm rõ tình hình nhằm có cái nhìn chân thực thông tin đến cộng đồng ở nước sở tại. Khách mời của chúng tôi là Luật sư Đinh Viết Tứ, Việt kiều ở Mỹ, người đã và đang hoạt động trong cả lĩnh vực báo chí tại Mỹ sẽ chia sẻ từ góc nhìn của mình.
|
Luật sư Đinh Viết Tứ (phải), cùng Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, ông Nguyễn Bá Hùng. |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
PV: Thưa Luật sư Đinh Viết Tứ, cộng đồng người Việt tại Mỹ tiếp nhận thông tin về sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như thế nào?'
Luật sư Đinh Viết Tứ (LS ĐVT): Tất cả cộng đồng người Việt đều bức xúc vấn đề này. Ai cũng muốn tỏ sự phản đối của mình trước sự ngang ngược của Trung Quốc đã đưa giàn khoan xuống lô dầu số 143 của Việt Nam. Riêng đối với những người làm báo như chúng tôi thì đây là một dịp để mình có thể nhấn mạnh và chứng minh được rõ vấn đề chủ quyền của Việt Nam đặc biệt là hai Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi cũng chủ trương đăng nhiều tin tức, những bài bình luận xác định rõ chủ quyền của mình tại 2 quần đảo, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thêm lục địa của Việt Nam theo đúng Luật quốc tế và công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982. Hy vọng đây là lần cuối cùng để chúng ta nói thẳng với Trung Quốc rằng đó là cơ sở để làm tốt bang giao giữa hai nước nếu nó được tôn trọng. Tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại 2 Hội nghị quốc tế mới đây tôi cho đó là tiếng nói rất bản lĩnh mà tôi rất ủng hộ.
PV: Hiện nay cộng đồng người Việt Nam ở trong nước và ở cả nước ngoài đã đồng loạt ký tên đề nghị đưa việc làm sai trái của Trung quốc ra tòa án Quốc tế. Là một Luật sư ông nghĩ sao về điều này?
(LS ĐVT): Việt Nam nên làm chuyện này, vì đứng về mặt pháp lý vì đây là dịp rất thuận lợi để chúng ta công khai, thẳng thắn với Trung Quốc và với toàn thế giới. Cái gì cứ trong khuôn khổ, biện pháp hòa bình thì chúng ta làm và đưa ra pháp lý là đều rất tốt, tại vì chúng ta có đầy đủ tư liệu lịch sử. Tôi ví dụ lời công bố chủ quyền của ta trong Hội nghị hòa bình sau thế chiến lần thứ 2, tức là ngày 7/9/1951. Đại diện của Việt Nam lúc đó là bác sĩ Trần Văn Hữu lúc bấy giờ là Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam, ông đã tuyên bố bằng tiếng Pháp tại Hội nghị ở Sanfrancisco - Hoa Kỳ, có sự hiện diện của ngoại trưởng Nga, sự hiện diện của Tổng ký Chu Ân Lai (tức là thủ tướng) và dĩ nhiên là có Pháp, Anh, Mỹ đầy đủ các nước tham dự. Ông đã từng nói rằng: “Để tránh những mầm mống tranh chấp sau này, chính phủ Việt Nam chúng tôi muốn minh xác rằng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền của chính phủ Việt Nam và cả hội nghị lúc đó không có ai phản đối cả. Và sau đó, những bài phát biểu của Chu Ân Lai những ngày sau đó thì cũng không đả động gì đến chuyện chủ quyền Biển Đông thì chứng tỏ rằng ông đã mặc nhiên chấp nhận nó là như thế. Đó là bằng chứng rõ ràng khi Việt Nam công khai về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Còn nếu chúng ta muốn lấy lịch sử gần gũi hơn nữa thì thời Vua Gia Long từng tuyên bố, tôi có tài liệu của Đức giám mục Ta-ber của Pháp hiện tài liệu gốc đang nằm trong thư tịch Pháp ở Pari thì ông có kể Vua Gia Long đã ra Hoàng Sa và ông đã lấy ngôi sao gắn lên vương miện và tượng hình đó là 2 quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của Việt Nam thì đấy là một sự minh xác chủ quyền mà Gia Long lúc bấy giờ. Vua Gia Long lên ngôi năm 1802 mà đến năm 1806 nhà Thanh danh chính ngôn thuận đã thừa nhận. Còn bây giờ nước cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một chính quyền chuyển tiếp của Triều đình Nhà Thanh tức là vẫn thuộc về Tầu thì cũng giống như Việt Nam chúng ta cũng có những chính phủ liên tiếp như thế thì đó cũng là chứng cứ rất rõ ràng, xác đáng để nói về chủ quyền của mình. Ngoài ra chúng ta còn có hằng hà sa số tư liệu như thế chứng minh chủ quyền của mình về lịch sử cũng như về pháp lý chắc chắn chúng ta sẽ thắng trong vụ kiện này.
PV: Thưa ông dưới con mắt của một nhà tri thức người Việt tại Mỹ trở về quê nhà vào những ngày Biển Đông dạy sóng, vậy ông có thể chia sẻ những suy nghĩ, những cảm quan của mình về tình hình phát triển kinh tế xã hội nói chung và vấn đề đảm bảo ổn định an ninh trên biển để cộng đồng người VN ở nước ngoài nói chúng, người Việt tại Mỹ nói riêng được rõ về hiện tình đất nước?
(LS ĐVT): Tôi nghĩ rằng Chính phủ đang làm tốt vai trò của mình. Chính phủ và Nhà nước đã dự tính những chuyện như thế này rồi. Còn đối với dân chúng thì đi đâu hoặc tôi có dịp tiếp xúc với những anh em tri thức ở cả Hà Nội và Sài Gòn thì họ rất quan tâm đến vấn đề này và họ lạc quan, họ lạc quan bởi tất cả đã có câu trả lời rằng người Tầu dù có vào đông Việt Nam để làm ăn thì cũng không thể nào chiếm được Việt Nam. Cái thứ 2 đối với dư luận dân chúng ở hải ngoại cũng vậy, họ đứng về phái nhà nước. Chỉ có một ngọn cờ và đứng sau Nhà nước thì tác động mới có hiệu quả. Cho nên tôi thấy đây là dịp để cho dân tộc Việt Nam đứng xích lại gần nhau và tôi nghĩ đó là động lực mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo nên động lực mới và đường hướng đổi mới đất nước của mình, mình nhìn thấy nó rất vững rồi bởi kế hoạch và những bước đi rất cẩn trọng được đưa trong các Đại hội, hội nghị của Đảng, Chính quyền, qua Quốc hội thì những bước đi cẩn trọng được nghiên cứu một cách sát sườn hơn. Do đó mà chúng ta an tâm. Vì vậy mà chúng ta đã thành công, cụ thể, tôi lấy ví dụ như chúng ta giữ tỷ giá ngoại tệ. Tăng trưởng tuy không bằng những năm trước nhưng trong khó khăn, nhiều nước ở số âm, nhưng chúng ta vẫn tăng 5,3% thì đó là những tín hiệu vui./.