(VOV5) - Khi mà lượng văc xin được tiêm nhiều hơn, chúng ta đã miễn dịch cộng đồng rồi thì có lẽ rằng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất là thấp và hoạt động du lịch từ đó sẽ phát triển...
Hiện nay, khi nhu cầu đi du lịch của người dân đã có sự thay đổi với những tiêu chí để thích ứng với tình hình mới, vấn đề bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa du lịch an toàn vẫn là yêu cầu cấp thiết. Rõ ràng ngành du lịch không thể đóng cửa mãi mà cần phải phục hồi dần và xác định sống chung với đại dịch. Vậy nhưng mở cửa du lịch như thế nào để vừa đạt được các tiêu chí về sản phẩm du lịch hấp dẫn nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Công Hoan – Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam:
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Việt Nam đang có độ bao phủ văc xin cao, ca bệnh tuy nhiều nhưng triệu chứng nhẹ, vì thế có thể thích nghi an toàn. Vậy phải chăng đây là thời điểm Việt Nam có thể mở cửa du lịch trở lại, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Hoan: Đúng là dịch Covid 19 đang dần được kiểm soát và các hoạt động kinh tế, sản xuất kinh doanh đã dần phục hồi và Chính phủ đã xác định sẽ không có chủ trương "Không Covid" và chúng ta phải xác định, tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt cũng phải dần trở lại ổn định trong tình hình mới tức là có dịch. Và, ngành du lịch cũng không thể đứng ngoài cuộc được và cũng xác định sẽ bắt đầu khởi động trở lại và chấp nhận các hình thức kinh doanh trong điều kiện vẫn còn dịch Covid 19 trong cộng đồng.
Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, ông Nguyễn Công Hoan. Ảnh Vietnam+ |
PV: Vâng. Khôi phục hoạt động du lịch nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hiện nay nhằm giúp du lịch Việt Nam vượt qua khó khăn do đại dịch là việc cấp thiết. Vậy cần phải làm gì để du lịch an toàn mà vẫn hiệu quả, thưa ông?
Ông Nguyễn Công Hoan: Đúng là nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn còn và vẫn còn sự lo ngại của tất cả các bên, từ chính quyền địa phương, người cung ứng dịch vụ du lịch cho đến khách du lịch. Nhưng mà chúng ta cũng không thể nào dừng lại mãi được mà vẫn phải tiến hành triển khai hoạt động du lịch và để triển khai hoạt động du lịch thì chúng ta phải triển khai từng bước một.
Trong ngành du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đưa ra chương trình phục hồi du lịch với khẩu hiệu: Từ xanh đến xanh và các công ty du lịch cũng phải đáp ứng chuẩn xanh trong phục vụ du lịch. Các cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch như vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, điểm tham quan du lịch cũng phải đạt được những tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho du khách trong quá trình cung ứng dịch vụ du lịch. Du khách an toàn, điểm đến an toàn, các cơ sở cung ứng dịch vụ an toàn và qui trình tổ chức thực hiện an toàn thì hoàn toàn có thể tổ chức được tour du lịch.
PV: Đại dịch đã làm thay đổi tâm lý đi du lịch của người dân. Đa phần du khách vẫn không yên tâm khi đi du lịch. Vậy theo ông, cần làm gì để khắc phục điều này?
Ông Nguyễn Công Hoan: Đúng là vẫn có hiện tượng tâm lý của du khách không yên tâm khi đi du lịch thời điểm này. Đấy là một điều hoàn toàn bình thường và với ngành du lịch, chúng tôi xác định là phải làm nhiều cách thức khác nhau để có thể thu hút du khách quay trở lại với du lịch. Đầu tiên chúng ta phải xác định là công tác tuyên truyền, dịch Covid 19 rất nguy hiểm nhưng nếu chúng ta biết cách phòng tránh thì hoàn toàn có thể phòng tránh và kiểm soát được. Và hiện nay chúng ta đã có quan điểm là phải sống chung với Covid. Như vậy thì chúng ta không thể chờ đến khi hết Covid mới đi du lịch được.
Khách du lịch tăng mạnh tại Đà Lạt (Lâm Đồng) dịp Tết vừa qua. Ảnh: Quang Sáng |
Tất cả các ngành khác đã mở cửa trở lại thì ngành du lịch cũng hoàn toàn có thể mở cửa trở lại. Các dịch vụ đã được cung ứng cho du khách thì ngành du lịch cũng có thể cung ứng được cho du khách. Chứ nếu chúng ta chờ đợi bao giờ hết Covid, không còn Covid thì chắc chắn sẽ còn rất lâu. Yếu tố thứ 2 là ngành du lịch phải xây dựng các sản phẩm thuyết phục được du khách rằng sản phẩm du lịch này là sản phẩm du lịch an toàn và các quá trình tổ chức thực hiện tour du lịch này là hoàn toàn tuân thủ các qui định của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn cho du khách.
Và một điều nữa là tại các địa phương điểm đến, ngoài các cơ sở du lịch, những người dân địa phương ở điểm đến người ta cũng hoàn toàn yên tâm để chào đón du khách đến bằng việc chúng tôi cam kết những du khách đi du lịch là những người đã đạt những tiêu chuẩn như có thẻ xanh, tiêm 2 mũi văc xin, có xét nghiệm. Thì khi mà tất cả các yếu tố chứng minh sự an toàn cho du khách, cho điểm đến, cho những người phục vụ du lịch thì tôi nghĩ rằng, người dân sẽ yên tâm hơn và sẽ đi du lịch.
PV: Bước sang năm mới 2022, ông hi vọng gì ở sự hồi phục và đi lên của ngành du lịch Việt Nam?
Ông Nguyễn Công Hoan: Tôi có một kỳ vọng là ngành du lịch cũng sẽ phục hồi và phục hồi một cách bền vững bởi vì lần này chúng ta đã kiểm soát vấn đề một cách căn cơ là chúng ta đã phủ văc xin. Khi mà lượng văc xin được tiêm nhiều hơn, chúng ta đã miễn dịch cộng đồng rồi thì có lẽ rằng nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất là thấp và hoạt động du lịch từ đó sẽ phát triển một cách bền vững hơn.
Tuy nhiên, không thể ào ạt được mà quan điểm của chúng tôi, những người làm du lịch thì thấy rằng ngành du lịch sẽ phục hồi nhưng sẽ từng bước một. Với quốc tế, có thể chúng ta sẽ tập trung ở Phú Quốc, với một mô hình du lịch thí điểm còn với sản phẩm du lịch trong nước thì vẫn là yếu tố chủ đạo và đầu tiên là du lịch nội vùng, có thể là du lịch nội tỉnh. Thứ 2 là những điểm đến gần. Thứ 3 bắt đầu mới tiến tới làm khu vực liên vùng. Và tôi hy vọng rằng du lịch nội địa cơ bản phục hồi vào đầu năm 2022.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!