Ngày dân số Thế giới 11/07: Nỗ lực hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người

(VOV5) -Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể về cải thiện chất lượng dân số, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm mạnh và tuổi thọ tăng lên.

Sau khi triển khai Nghị quyết 21 NQ-TW năm 2012 về công tác dân số trong tình hình mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể về cải thiện chất lượng dân số, tỷ lệ suy dinh dưỡng giảm mạnh và tuổi thọ tăng lên. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ “dân số vàng” với quy mô trên 96 triệu người, Việt Nam còn phải làm nhiều việc để hiện thực hóa các cam kết với Liên hợp quốc, hướng đến mục tiêu cuối cùng là xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân. Nhân ngày dân số thế giới 11/07, PV Đài TNVN phỏng vấn bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa và gia đình (Bộ Y tế) về vấn đề này..

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

Ngày dân số Thế giới 11/07: Nỗ lực hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người  - ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Tổng cục Phó, Tổng cục dân số và Kế hoạch hóa gia đình

PV: Thưa bà, bên cạnh những thành tựu đạt được liên quan đến công tác dân số thời gian qua, xin bà cho biết những khó khăn đặt ra với ngành dân số Việt Nam thời gian tới?

Những thành tựu đạt được đã rõ rồi nhưng giờ tôi muốn nhấn mạnh đến những thách thức cần phải vượt qua thời gian tới. Sau khi đạt được mức sinh thay thế thì trên toàn quốc lại phát sinh nhiều vấn đề khác về dân số. Đó là sự mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng già hóa dân số kể từ 2011.Vấn đề “dân số vàng” chỉ dừng lại ở con số mà chưa phát huy được lợi thế để thích ứng với các giai đoạn phát triển mọi mặt của xã hội. Ngoài ra, mặc dù đã cải thiện nhưng việc phân bổ dân số giữa các vùng miền vẫn còn không ít thách thức.

Ngày dân số Thế giới 11/07: Nỗ lực hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người  - ảnh 2Tổng số dân Việt Nam đến tháng 4/2019 đạt mức 96,2 triệu người trong đó nam 47,88 triệu; nữ 48,32 triệu -Ảnh minh họa VN Express

Cùng với đó là vấn đề người di cư, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nạn phá thai, tảo hôn, hôn nhân cận huyết đặc biệt trong các đối tượng thanh niên ở các khu vực thiểu số. Trước những thách thức đó, chính phủ đã có nhiều chương trình cụ thể. Chẳng hạn như triển khai đề án chống tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Mặc dù,Việt Nam đã thực hiện những quy định về cấm chọn giới tính khi sinh, nhưng vấn đề này chưa được cải thiện nhiều. Tôi nghĩ rằng, để nâng cao chất lượng dịch vụ dân số cần có thêm đề án, mô hình như sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện bệnh phổ biến, điều trị sớm cho trẻ sơ sinh. Chúng tôi cũng đang triển khai dự án nhằm điều chỉnh mức sinh chênh lệch giữa các vùng, giữa các nhóm đối tượng trong khi vẫn tiếp tục duy trì mức sinh thay thế cho đến năm 2030.

PV: Chính sách dân số hiện nay đã chuyển trọng tâm từ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình sang Dân số - Phát triển. Xin bà cho biết thêm về nội dung này?

Trước đây, chúng ta đã thực hiện rất tốt các hoạt động truyền thông theo các phương thức khác nhau như thông tin đại chúng, truyền thông cộng đồng, đặc biệt qua cộng tác viên của ngành dân số. Nếu như trước đó, mục đích là nỗ lực thực hiện việc giảm sinh, kế hoạch hóa gia đình. Thì nay, trong giai đoạn mới, chuyển sang giai đoạn Dân số và sự phát triển.

Chúng tôi đã có đề án nhắm mục nâng cao chất lượng dân số và phát triển bền vững, tận dụng nguồn lực dân số cho phát triển mọi mặt đời sống. Để nâng cao chất lượng dân số, chúng tôi đang triển khai chương trình sàng lọc, sơ sinh trước sinh. Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động truyền thông để mọi người nhận thức được lợi ích chương trình, qua đó có thể đưa tỷ lệ gia tăng phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh.

Ngày dân số Thế giới 11/07: Nỗ lực hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người  - ảnh 3Tọa đàm về công tác dân số trong tình hình mới, tại tòa nhà Xanh Liên hợp quốc

PV: Tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh tại Việt Nam. Đi cùng với đó là gánh năng về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Để giảm bớt khó khăn, ngành dân số Việt Nam có sáng kiến, chương trình hành động như thế nào thưa bà?

Hiện nay chúng tôi đang tiếp tục triển khai và mở rộng đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và đã được phê duyệt năm 2017. Đến nay, đề án đó đã được triển khai tại các tỉnh thành phố sau khi có hướng dẫn của Bộ y tế. Đối với người cao tuổi, ngoài chăm sóc tại bệnh viện, chúng tôi có một mạng lưới chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, để có thể thực hiện các nội dung truyền thông về tự chăm sóc sức khỏe, phòng tránh các bệnh phổ biến ở người cao tuổi. Ngoài ra chúng tôi có đông đảo đội ngũ tuyên truyền viên dân số, tình nguyện viên có thể chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình, ưu tiên người già không nơi nương tựa hoặc hoàn cảnh khó khăn.

Ngày dân số Thế giới 11/07: Nỗ lực hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người  - ảnh 4Tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam diễn ra nhanh kể từ năm 2011. Ảnh minh họa

Để triển khai những đề án đó, chúng tôi kêu gọi huy động thêm nguồn lực tài chính từ các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Đặc biệt, ở Hội người cao tuổi Việt Nam đã thiết lập mạng lưới liên thế hệ. Ngoài chăm sóc sức khỏe người, hệ thống này có các hoạt động hỗ trợ khác như cho vay vốn kinh doanh, giúp tăng thu nhập cho người cao tuổi...

PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn và Chúc bà sức khỏe.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác