(VOV5) - Như nhiều quốc gia Châu Âu khác, những ngày này, Ba Lan đang trong "tình trạng dịch bệnh”, khi vius sars covi 2 vẫn hoành hành ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Quốc gia Châu Âu này đang đẩy nhanh tốc độ tiêm phòng vắcxin. Trong bối cảnh đó, cộng đồng người Việt cũng tiếp tục có những nỗ lực rất bài bản để cùng người dân nước sở tại và giúp đỡ lẫn nhau trong việc đối phó với đại dịch covid 19. Đây là những thông tin ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ trong cuộc trò chuyện với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Hướng dẫn bà con tiêm phòng dịch bệnh covid 19 tại Trung tâm Y tế Lotus - Ảnh: Hội người Việt Nam tại Ba Lan. |
PV: Xin chào ông Trần Anh Tuấn, ông có thể cho biết là tình hình covid tại Ba Lan hiện nay ra sao rồi thưa ông?
Ông Trần Anh Tuấn: Ba Lan như hiện nay đang đỉnh điểm, 35.000 người nhiễm ngày cao điểm, 500 người chết một ngày. Với dân số Ba Lan chưa đến 40 triệu người, thì hiện nay, Ba Lan có gần 2 triệu rưỡi người bị nhiễm, 55.000 ca tử vong rồi. Hiện nay, Ba Lan là một trong những nước bị covid tàn phá tương đối nặng nề nhất ở Châu Âu, ngang bằng với Séc, Ý..., nhiễm biến chủng Anh mạnh nhất. Họ đã ra chính sách rất mạnh, ví dụ kiểm tra rất gắt gao những người vi phạm về phòng, chống Covid; cũng đưa ra một số gói cứu trợ để trợ giúp các công ty, nhà máy. Mặc dù Ba Lan chưa phải giàu nhưng một số gói cứu trợ này cũng giải quyết được phần nào để những công ty nhà máy trả lương cho nhân viên.
Hiện nay Ba Lan đang tăng tốc chương trình tiêm chủng quốc gia. Dân phố 40 triệu người, nếu tiêm chủng được khoảng hơn 6 triệu thì chưa được 20% dân số. Nhưng dần dần nếu tốc độ này tiếp tục đẩy mạnh, thì Ba Lan hy vọng tới tháng 8 có thể tiêm được hơn 50% dân số, có thể có được miễn dịch cộng đồng.
PV: Vậy cộng đồng người Việt mình trong tình hình đó thì như thế nào thưa ông?
Ông Trần Anh Tuấn: Theo Ban hỗ trợ cộng đồng nắm được, từ đầu dịch đến bây giờ khoảng 600 người bị nhiễm, 14 người chết, nhưng trong thực tế phải khoảng gấp đôi số người bị nhiễm. Cộng đồng Việt ở Ba Lan hiện nay khoảng 25.000 người, mà con số người bị nhiễm so với tỷ lệ bình quân dân bản địa Ba Lan, cũng chưa phải là nhiều. Một đặc điểm nữa của bà con người Việt mình, là đã xác định từ trước: đây là một cuộc chiến chống dịch lâu dài.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan (bên phải) thay mặt Ban hỗ trợ cộng đồng phòng chống dịch bệnh Covid 19 nhận Giấy khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. |
PV: Phải khẳng định người Việt Nam ở Ba Lan là một trong số ít cộng đồng người Việt ở nước ngoài có được sự đồng thuận và thống nhất trong một tổ chức lớn từ trên xuống dưới trong mọi hoạt động chung, kể cả hoạt động phòng, chống Covid 19.
Ông Trần Anh Tuấn: Từ năm ngoái khi mới bắt đầu có dịch bệnh, cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã chủ động thành lập Ban hỗ trợ cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan phòng, chống dịch bệnh Covid 19, gọi tắt là Ban Covid, nên mọi người thường nói: "có gì cứ hỏi Ban covid". Chúng tôi kết hợp với những cơ quan y tế của Ba Lan trong việc khám, chữa bệnh. Chúng tôi cũng có Tiểu ban y tế, có người trực tổng đài 24/24, tất cả những ai không biết tiếng sẽ được phiên dịch qua điện thoại, những ai bệnh nặng sẽ được trợ giúp đi cấp cứu, còn nếu việc mất mát đau thương nhất xảy ra, thì chúng tôi sẽ lo hết tất cả mọi thủ tục pháp lý để hỏa táng, làm tang lễ trong khuôn khổ cho phép trong phòng chống dịch.
PV: Trước tình hình căng thẳng lên tới đỉnh điểm như hiện nay thì hoạt động chung này chắc hẳn là cũng sẽ có nhiều khó khăn?
Ông Trần Anh Tuấn: Hiện nay Ban này của chúng tôi đang bị quá tải. Vì một ngày không biết bao nhiêu cuộc gọi đến, từ những vấn đề nhỏ nhất. Bà con sống đây cũng có nhiều thành phần, có người sang lâu rồi, nhưng nhất là các bạn mới sang, ví dụ sinh viên sang học tập, hay lao động phổ thông còn bỡ ngỡ mà lỡ bị ốm đau ngay, không có ai thì sẽ bấu víu vào cộng đồng, vào Hội người Việt, vào Ban Covid.
Có các tiểu ban, có đội tình nguyện viên hỗ trợ việc mua sắm nhu yếu phẩm, thuốc men cho những người bị cách ly. Những người bị cách ly mà muốn đảm bảo không lây nhiễm ra xã hội, thì mình phải có gì trợ giúp cho người ta ở nhà, khi cần mua bán giúp người ta, sau khi khỏi bệnh người ta sẽ thanh toán trả tiền lại, nếu người ta không có tiền thì sẽ có quỹ cộng đồng - Quỹ Covid - chi ra hỗ trợ cho người ta, như thế may chăng mới giảm thiểu được sự lây lan ra cộng đồng.
Ban hỗ trợ chúng tôi thực ra hoạt động tương đối hiệu quả, tiếp cận nhanh chóng các nguồn thông tin của chính phủ Ba Lan, khuyến cáo cho bà con biết. Thông tin mới nhất chúng tôi nắm được và cập nhật cho bà con ngay, đưa lên báo Quê Việt ngay. Và thậm chí Ban covid đã đúc kết bài học kinh nghiệm hơn một năm nay trợ giúp bà con phòng chống dịch bệnh và đưa ra được cẩm nang phòng chống bệnh. Ban cũng mua nhiệt kế đo nhiệt độ, mua máy đo hàm lượng oxy trong máu phát miễn phí cho những người bị nhiễm bệnh, chưa kể trợ giúp những việc cụ thể cho bà con. Cứ ai có bệnh gì cứ điện đến Ban, đến địa chỉ đấy và sẽ được hỗ trợ nhận máy, hướng dẫn cụ thể cách dùng máy và hướng dẫn nếu bị như thế nào đấy sau một thời gian thì phải đi viện ngay, và nếu đi bệnh viện thì phải làm gì, gọi cho ai.
PV: Vâng trước những khó khăn như thế thì Hội có những định hướng hay những dự tính như thế nào cho các chương trình hoạt động sắp tới không thưa ông?
Ông Trần Anh Tuấn: Cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan xác định ngay từ đầu cuộc chiến chống Covid là cuộc chiến lâu dài và trường kỳ, thậm chí một số kịch bản được dự tính và đã xảy ra.. Với mức độ nhiễm như hiện nay, thực tế chúng tôi bị quá tải. Vì hiện nay Ban hỗ trợ chúng tôi hoạt động trên cơ sở tự nguyện. Như bác Trưởng Ban y tế Lê Văn Mừng bây giờ hơn 70 tuổi rồi mà một ngày hoạt động theo tôi biết không có thời gian để nghỉ, thậm chí không có thời gian ăn nữa. Bà con bây giờ cái gì cũng gọi đến bác Mừng, cái gì cũng gọi đến Ban y tế. Nên chúng tôi dự định nếu tình hình còn kéo dài, chắc chắn phải tăng cường nhân lực, thậm chí chuyên môn hóa tiểu ban y tế.
Không phải ai cũng đủ điều kiện để toàn tâm toàn ý phục vụ cộng đồng. Còn nhiều bạn trẻ khác nữa, cũng biết tiếng tốt, cũng có hiểu biết rất nhiều về các lĩnh vực y tế nhưng các bạn chưa có đủ điều kiện về mặt kinh tế để trợ giúp bà con. Do đó, chúng tôi định kéo các bạn đó vào, và chúng tôi sẽ hỗ trợ một phần nào công sức các bạn bỏ ra cho bà con. Vì bên này chúng tôi có Quỹ công ích do bà con ủng hộ, bà con đóng góp. Như vậy về lâu dài việc hoạt động, trợ giúp bà con bớt đi sự vất vả như hiện nay.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.