Người Việt ở Liên bang Nga - Trong khó khăn càng thắm tình người

(VOV5) - Thời gian qua, người Việt ở Liên bang Nga gặp không ít khó khăn do những biến động và bất ổn của nền kinh tế nước sở tại. Trong hoàn cảnh đó, tinh thần đoàn kết, sự hỗ trợ của cộng đồng là điểm tựa vững chắc để bà con vượt qua và ổn định cuộc sống. Đây cũng là nội dung trao đổi giữa phóng viên Đài TNVN với anh Trần Phú Thuận, Phó Chủ tịch thường trực Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga. 

Người Việt ở Liên bang Nga - Trong khó khăn càng thắm tình người - ảnh 1
Anh Trần Phú Thuận trong một dịp trở về quê hương

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:


PV: Thưa anh, là một người Việt sống xa Tổ quốc, hiện tại lại đang hoạt động trong cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga, anh có thể cho biết truyền thống dân tộc được giữ gìn như thế nào trong cộng đồng ở nước sở tại?


Anh Trần Phú Thuận: Truyền thống và văn hóa của người Việt Nam luôn là một trong những tiêu chí định hướng trong hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga. Một trong những nét đó là giữ gìn tiếng Việt cho trẻ em sinh ra và lớn lên tại Liên bang Nga. Tiếp đến là những sinh hoạt văn hóa hay thể dục thể thao hướng đến những ngày lễ lớn, những dịp kỷ niệm của đất nước. Những hoạt động đó luôn nhắc nhở những em nhỏ được sinh ra và lớn lên ở Liên bang Nga nhớ đến quê hương đất nước, đồng thời cho gần 5.000 sinh viên Việt Nam đang học tập ở Liên bang Nga giữ được truyền thống đất nước mình trong thời gian xa quê hương mà vẫn được tham gia những hoạt động đó. Mỗi lần tổ chức đều được sự ủng hộ và tham gia tích cực của các tầng lớp người Việt ở Liên bang Nga. Những hoạt động đều được tổ chức thường niên và rất trọng đại.

PV: Như vậy là những hoạt động cộng đồng vẫn được tổ chức thường xuyên và hiệu quả mặc dù trong cộng đồng người Việt tại Liên bang Nga thời gian qua đã gặp không ít khó khăn?

Anh Trần Phú Thuận: Cộng đồng Việt Nam tại Liên bang Nga thời gian qua gặp không ít khó khăn do khủng hoảng của cuộc chiến tranh ở Ucraina đã ảnh hưởng rất lớn tới đời sống bà con. Nhưng chính trong những khó khăn đó mới hiểu được rằng cộng đồng cần phải đoàn kết, gắn bó, cần dựa vào nhau hơn. Trong những khó khăn đó càng khẳng định tính dân tộc của người Việt Nam, những nghĩa cử đẹp đẽ của người Việt Nam càng được thể hiện. Ví dụ những hội doanh nghiệp tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt hàng tháng để trao đổi về những chính sách mới của nước Nga, hay những chia sẻ để người Việt Nam vượt qua khó khăn trong lúc đồng rúp bị mất giá. Đối với những người gặp hoạn nạn thì Hội người Việt Nam lại cử người đến động viên chia sẻ để họ vượt qua khó khăn đó.

PV: Được biết người Việt ở Liên bang Nga là một cộng đồng hoạt động mạnh, hiệu quả, dù đây là một địa bàn rộng lớn!?

Anh Trần Phú Thuận: Theo ý kiến cá nhân tôi, để cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài hoạt động hiệu quả, trước tiên cần có định hướng, kế hoạch thường niên, và những hoạt động không thường niên. Chúng ta phải thăm dò tất cả những tầng lớp trong cộng đồng. Ví dụ như đối với tầng lớp thanh thiếu niên trong cộng đồng, các em quan tâm vấn đề gì thì Hội phải tổ chức những hoạt động gì để thu hút các em. Rồi đối với tầng lớp sinh viên thanh niên, hay cộng đồng riêng cũng vậy. Khi phân tích thành từng nhóm như thế sẽ tìm ra được những hoạt động chung và những hoạt động riêng trong cộng đồng. Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga đã tổ chức rất sát sao những hoạt động đó. Ví dụ ở Liên bang Nga có tổng chi hội Hội người Việt Nam, đồng thời cũng có những hội nhỏ như hội đồng hương ở mỗi tỉnh thành, hội sinh viên, hội khoa học kỹ thuật, hội văn học nghệ thuật, hội y dược, hội đông y dược… Tất cả những hội nhỏ đó đều liên quan tới ngành nghệ và vùng miền cụ thể nên rải rác khắp nơi các hội người Việt đều có các hoạt động liên quan mật thiết tới từng cá nhân trong cộng đồng, tạo cho bà con cảm giác được quan tâm thực sự.

PV: Chắc hẳn trong quá trình cộng đồng cần sự vào cuộc góp sức của rất nhiều người?

Anh Trần Phú Thuận: Các thành viên trong Ban chấp hành Hội là những người đều có công việc riêng của mình, và hoạt động Hội đều bằng tấm lòng tự nguyện, không được đào tạo chính quy để hoạt động cộng đồng. Qua quá trình hoạt động, chúng tôi được sự giúp đỡ của nhiều người trong cộng đồng, dù không phải những thành viên chủ chốt trong Hội. Mỗi khi cộng đồng có việc cần giúp đỡ, chúng tôi đều nhận được sự tham gia mà không đòi hỏi gì, ngay cả việc đi đến những nơi xảy ra sự cố bằng phương tiện công cộng. Nếu ai được cầm những tấm vé xuống vùng ngoại ô nhàu nát, thì sẽ cảm nhận được công sức những người cộng tác viên đó là vô bờ bến mà chúng tôi không có lời nào có thể chuyển tải được lời cám ơn đến họ. Điều đó nói lên tình người ở xa xứ. Càng ở xa quê hương càng hiểu được con người Việt Nam mình, lá lành đùm lá rách, trên tinh thần của tình đoàn kết. Đó là nhân cách rất đẹp của người Việt Nam ở nước ngoài.

PV: Xin cảm ơn anh./.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác