(VOV5) - Không vì đại dịch covid 19, không vì chiến tranh mà người Việt tại Ba Lan quên đi đời sống văn hóa tinh thần.
Nhiều hoạt động văn hóa, tinh thần của các cộng đồng người Việt trên thế giới đã được khôi phục trở lại sau khi đại dịch covid19 hoành hành, đặc biệt trong số đó không thể không nhắc đến những hoạt động của người Việt Nam tại Ba Lan, một cộng đồng tuy số lượng người Việt không phải đông đảo nhất nhưng luôn mạnh vì thống nhất trong một nỗ lực đoàn kết chung, tương thân tương ái. Ông Trần Anh Tuấn Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan trả lời phỏng vấn VOV5 về những hoạt động văn hóa tinh thần nổi bật của cộng đồng người Việt Nam tại đất nước này.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan (trái) phát biểu tại buổi khai mạc Lễ hội văn hóa Việt ở Vacsava - Ảnh: Tuấn Hoàng/CH Séc |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa ông Trần Anh Tuấn, ông có thể cho biết về các hoạt động văn hóa gần đây do Hội người Việt Nam tại Ba Lan chủ trì hoặc kết hợp với các hội đoàn khác thực hiện?
Ông Trần Anh Tuấn: Hội người Việt Nam có một Trung tâm văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Ba Lan. Hằng năm trong cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan diễn ra rất nhiều sự kiện. Hầu hết các hoạt động văn hóa đều do Hội người Việt Nam tại Ba Lan chủ trì và phối hợp với các tổ chức Hội đoàn trong cộng đồng.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Hiệu tham dự cắt băng khai mạc Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Ba Lan. |
Gần đây nhất vào ngày 27/8 vừa qua tại Thành cổ thuộc Trung tâm Vacsava đã diễn ra Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Vacsava năm 2012. Đây là lần thứ hai cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan tổ chức một ngày hội lớn như vậy, và lần này được sự bảo trợ chính trị của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, của Quận Trung tâm Thành phố Vacsava và được sự ủng hộ của các nhà tài trợ, sự đồng hành của tất cả cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Trưởng ban tổ chức Lễ hội ông Trần Trọng Hùng, tổng đạo diễn chương trình bà Tống Thu Hương, đạo diễn chương trình văn nghệ bà Trần Thúy Hòa, Tổng thư ký Hội người Việt Nam tại Ba Lan, ông Lê Xuân Lâm.. đó là những con người đã âm thầm lặng lẽ ngày đêm miệt mài công việc tạo nên thành công này. Đặc biệt là sự giúp sức của toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan, đã theo dõi, đóng góp về mặt tài chính, tinh thần, hết lòng ủng hộ chúng tôi. Chúng tôi cũng đã mời được các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam sang Ba Lan biểu diễn, cũng như Trung tâm văn hóa Việt Nam...
PV: Lễ hội đó, theo truyền thông Ba Lan, thì thu hút khá đông người dân tham gia?
Ông Trần Anh Tuấn: Lễ hội này đã thu hút cả ngàn lượt người tham dự, rất đông dân chúng thủ đô Vacsava. Mọi người đến xem những hình ảnh quê hương, đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt họ rất tò mò muốn xem loại hình nghệ thuật đặc biệt của Việt Nam mới có như múa rối nước, và rối cạn. Họ đến nghe những làn điệu, âm hưởng đặc biệt của dân ca Việt Nam. Đặc biệt hơn, khán giả Ba Lan thích thú và nồng nhiệt cổ vũ những vũ công không chuyên của cộng đồng biểu diễn polonez, một điệu nhảy rất nổi tiếng mà bất cứ người Ba Lan nào cũng biết đến.
Các nghệ sĩ Nhà hát múa rối Việt Nam biểu diễn tại Lễ hội - Ảnh: Võ Văn Long/Ba Lan |
Hơn nữa, chúng tôi đã xây dựng một khu phố văn hóa ẩm thực rất đông người đến tham dự. Dân chúng Ba Lan được thưởng thức những món ăn truyền thống và rất nổi tiếng của Việt Nam. Đặc biệt những món ăn chay do chùa Nhân Hòa, chùa Thiên Phúc - hai ngôi chùa của cộng đồng người Việt - có đông người đứng xếp hàng chờ thưởng thức.
Tôi phải nói rằng Lễ hội văn hóa Việt Nam tại Vacsava năm 2022 để lại dấu ấn đặc biệt trong lòng bà con cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan cũng như người dân và chính quyền Ba Lan. Đây là dịp để cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan tô đẹp nên nét văn hóa Việt trong thành phố Vacsava - một thành phố rất cởi mở, rất đa dạng văn hóa và hội nhập này.
Một góc sân chơi Lễ hội Văn hoá Việt do cộng đồng tổ chức năm 2018. - Ảnh: Võ Văn Long/Ba Lan |
PV: Vâng có thể thấy tinh thần vượt khó của người Việt ở Ba Lan khi mà qua những khó khăn vì đại dịch covid 19, những khó khăn do khủng hoảng kinh tế, do diễn biến của đời sống chính trị quốc tế, cộng đồng vẫn hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện và cũng không quên đời sống tinh thần, trong đó có cả chăm lo cho thế hệ thứ hai, thứ ba...
Ông Trần Anh Tuấn: Khi covid 19 đã lắng xuống chúng tôi cứ tưởng rằng bà con cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan đã được yên ổn nghỉ ngơi, tập trung cho việc phát triển kinh tế. Nhưng rồi lại xuất hiện chiến tranh giữa Ucraina - Nga, làn sóng tị nạn chiến tranh của người Việt mình sống ở Ucraina sang Ba Lan ngày càng nhiều. Toàn thể bà con cộng đồng lại giang tay đón nhận với tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách. Có ngày cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan phải đón nhận hơn 500 người lánh nạn. Và đến nay có hơn 2.000 bà con Việt Nam sang Ba Lan lánh nạn chiến tranh từ hồi bắt đầu cuộc chiến.
Với một cộng đồng không lớn lắm về số lượng, không phải lớn so với cộng đồng của một số nước khác, nhưng qua đây tôi xin khẳng định rằng cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan là một cộng đồng giàu lòng nhân ái, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi với những hoàn cảnh khó khăn, sống với tấm lòng vị tha, linh hoạt trong cách xử lý các vấn đề xảy ra trong cuộc sống. Không vì đại dịch covid 19, không vì chiến tranh Ucraina mà chúng tôi quên đi đời sống văn hóa tinh thần của chính mình. Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã đứng ra tổ chức thành công Lễ hội văn hóa vừa rồi đã minh chứng cho điều đó.
Không vì đại dịch covid 19, không vì chiến tranh mà người Việt tại Ba Lan quên đi đời sống văn hóa tinh thần. - Ảnh: Võ Văn Long/Ba Lan |
Hiện nay chúng tôi đang tập trung tổ chức Tết trung thu năm 2022- một sân chơi riêng lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, và phát phần thường cho các cháu học sinh, sinh viên đạt thành tích học tập tốt trong năm học 2021 - 2022.
Tết Trung thu này là Tết Trung thu đầu tiên sau hai năm bị dịch bệnh covid 19 cũng như sau khi làn sóng người Việt Nam từ Ucrraina qua Ba Lan lánh nạn chiến tranh. Và Tết trung thu năm nay chúng tôi tổ chức vào ngày chủ nhật này tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Ba Lan, địa điểm có ngôi chùa Nhân Hòa. Các Hội đồng hương chịu trách nhiệm một vài trò chơi cho các cháu, rồi ẩm thực cho các cháu chúng tôi đề nghị chùa Nhân Hòa trợ giúp, nấu những món ăn chay, để các cháu vào chùa cũng làm quen với nếp sống tâm linh đã có từ bao đời nay của người Việt Nam chúng ta.
PV: Nói tới trung thu, tới chùa Nhân Hòa, tới những hoạt động trợ giúp người Việt tại Ucraina sang Ba Lan, thì có thể nhắc tới một khía cạnh rất quan trọng khác của người Việt tại đây, đó là đời sống tâm linh...
Ông Trần Anh Tuấn: Văn hóa tâm linh của người Việt Nam tại Ba Lan hiện nay là ba dòng chính: thứ nhất là Phật giáo, thứ hai là Thiên chúa giáo, thứ ba là đạo Tin lành. Đa số bà con người Việt tại Ba Lan đi theo hai hướng Phật giáo và Thiên chúa giáo. Vì Ba Lan là một đất nước hơn 90 % theo Thiên chúa giáo, do đó có các sinh hoạt về tâm linh của người bản xứ ở nhà thờ Ba Lan. Còn một nhóm nữa là Hội thánh Tin lành, người ta cũng sinh hoạt riêng, số lượng bà con tham gia không nhiều lắm.
Còn lại đời sống tâm linh của bà con cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan chủ yếu là Phật giáo. Hiện nay ở Ba Lan có hai ngôi chùa. Ngôi chùa thứ nhất do một doanh nghiệp - hiện nay anh đã mất - anh Bùi Anh Thái xây dựng lên, tạo lập ra, giao trách nhiệm cho một Hội Phật tử quản lý. Đó là chùa Thiên Phúc bây giờ.
Chùa Nhân Hòa ở Vacsava của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan - nơi tổ chức Tết Trung thu 2022 cho trẻ em gốc Việt. - Ảnh: Chùa Nhân Hòa/Ba Lan |
Còn ngôi chùa thứ hai, được xây dựng bài bản, là sự góp sức của toàn thể cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan mua đất, xây dựng nên ngôi chùa khang trang. Và thực tế nếu không vì covid thì đến giờ phút này chúng tôi cũng đã nghiệm thu xong ngôi chùa thứ hai của cộng đồng, tên là chùa Nhân Hòa. Nhưng do covid nên hiện nay việc nghiệm thu vẫn chưa đến hồi kết thúc. Và chắc chắn trong thời gian ngắn nữa thì chúng tôi phải có trách nhiệm làm việc đấy, vì chùa là chùa của cộng đồng, mà đại diện cho cộng đồng là Hội người Việt Nam tại Ba Lan.
Mặc dù chùa chưa nghiệm thu, nhưng nhờ có ngôi chùa Nhân Hòa này mà những bước đầu tiên của những người tị nạn đặt chân lên Vacsava đều tập trung tại Chùa Nhân Hòa. Nên nhờ có ngôi chùa Nhân Hòa mà cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan vừa qua đã đón tiếp được hơn 2.000 lượt người qua Ba Lan lánh nạn chiến tranh.
Vâng. Xin cảm ơn ông và chúc cho cộng đồng ngày càng phát triển.