(VOV5) - Thời gian tới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ trình Chính phủ phương án tổng thể hỗ trợ ngư dân 4 tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi công ty Formosa xả chất thải làm ô nhiễm môi trường biển. Theo đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm và xuất khẩu lao động. Phóng viên Kim Thanh phỏng vấn ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về vấn đề này.
|
Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội |
Nghe âm thanh tại đây:
PV: Thưa ông, hiện có hàng trăm nghìn người sống ở các vùng ven biển thuộc 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường do công ty Fomusa xả thải. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng phương án hỗ trợ người dân các địa phương này như thế nào giúp sớm ổn định cuộc sống?
Ông Doãn Mậu Diệp: Các địa phương rà soát có 100 nghìn lao động bị ảnh hưởng trực tiếp và 163 nghìn người bị ảnh hưởng gián tiếp, tính cả người bị phụ thuộc thì lên đến gần 1 triệu người. Hiện, Bộ đang xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ với 3 cấu phần chính: Đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm và xuất khẩu lao động. Về xuất khẩu lao động, con em của các hộ này có thể tham gia các chương trình đi Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là các chương trình do Bộ trực tiếp triển khai sẽ ưu tiên hỗ trợ người dân các địa phương này. Một số thị trường không phải chuyển đổi nghề, ngư dân có thể làm việc được ngay như chương trình tàu cá gần bờ của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Từ 1/7, Thái Lan cũng chính thức tiếp nhận lao động với 2 nghề đánh bắt gần bờ và xây dựng. Lao động thuộc 4 tỉnh này hiện làm việc ở Thái Lan rất nhiều. Bên cạnh đó, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ áp dụng các chính sách hỗ trợ đặc biệt như hộ nghèo thuộc vùng bị ảnh hưởng, những người tham gia được hỗ trợ về đào tạo nghề, hỗ trợ sinh hoạt phí, tiền đi đường, hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp.
PV: Thưa ông, trên thực tế, ngư dân chuyển đổi sang nghề khác dự báo sẽ gặp khó khăn vì họ quen đi biển. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Doãn Mậu Diệp: Người dân vùng biển phải sống được với biển, nên có thể duy trì được nghề đánh bắt gần bờ, đánh bắt xa bờ không quá bị ảnh hưởng hoặc ở những ngư trường khác, khi biển trong sạch trở lại thì quay trở lại với chính ngư trường của mình. Bộ sẽ ưu tiên phân bổ hỗ trợ việc làm cho người dân khi có yêu cầu. Tại địa phương, các trung tâm giới thiệu việc làm, các doanh nghiệp có thể tiếp nhận khi người dân có nhu cầu đi làm việc. Hiện nay, Bộ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi các doanh nghiệp đang đầu tư tại một số địa phương bị ảnh hưởng mở rộng sản xuất, có thể được ưu đãi giảm 50% thuế thu nhập với điều kiện thu hút 20-25% lao động. Nếu doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí đào tạo. Những người không có khả năng đi làm thì có thể tham gia lớp đào tạo ngắn hạn, cho vay vốn tạo sinh kế mới. Về dạy nghề sẽ hỗ trợ đào tạo ngắn hạn tại các trường cao đẳng, trung cấp. Con em vùng bị ảnh hưởng có thể vay vốn theo chế độ tín dụng và sẽ có khảo sát cụ thể đối với từng nhóm đối tượng.
PV: Thưa ông, kinh phí thực hiện chương trình này có lấy từ tiền được đền bù của người dân không?
Ông Doãn Mậu Diệp: Các chính sách hỗ trợ dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động là các chính sách thường xuyên của Chính phủ. Chúng ta đã có chương trình mục tiêu về việc làm và xuất khẩu lao động. Trong đó có thể hỗ trợ dạy nghề, được miễn học phí như quy định tại Quyết định 71, Nghị định 61. Tập trung thêm nguồn vốn từ Chính phủ để triển khai những chính sách này đối với người dân vùng bị ảnh hưởng, không hẳn đã phụ thuộc vào nguồn đền bù của công ty Fomusa. Chương trình việc làm, dạy nghề và xuất khẩu lao động vẫn là thường xuyên ngay cả khi không xảy ra sự cố. Quan điểm của Chính phủ vẫn hỗ trợ người dân tối đa và cũng thường xuyên sửa đổi các chính sách. Quan điểm của Chính phủ là không để dân đói, như hỗ trợ gạo sẽ kéo dài thời gian, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể.
Vâng, xin cảm ơn ông!