Những bước đột phá trong công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong 55 năm qua

(VOV5) -  Ngày 23/11/1959, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, tiền thân là Ban Việt kiều Trung ương được thành lập. Trải qua 55 năm phát triển, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả nhằm đẩy mạnh công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Ông Vũ Hồng Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trả lời phỏng vấn phóng viên Đài TNVN về những điểm nổi bật trong công tác vận động cộng đồng cũng như các hoạt động mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã đạt được trong chặng đường 55 năm qua.

Những bước đột phá trong công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong 55 năm qua - ảnh 1


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Phóng viên: Thưa thứ trưởng, 55 năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã có những bước phát triển vượt bậc trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Ông cho biết những điểm mạnh trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài mà Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đã làm được trong những năm qua?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Theo tôi, điểm thành công của công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm qua, đặc biệt sau khi thành lập Ban Việt kiều Trung ương, sau này là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đó là việc chúng ta đã khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận máu thịt, không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Điều này quan trọng vì nó tạo ra cho bà con một niềm tin, rằng đất nước Việt Nam luôn luôn là chỗ dựa cho bà con. Đó là thành công lớn nhất chúng ta đã làm được trong suốt thời gian vừa qua.

Thành công thứ hai là chúng ta đã khẳng định được vai trò và vị trí của bà con từ việc hoạch định và điều hành chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Chính vì thế các chính sách cho bà con ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước đặt ở vị trí ưu tiên. Đỉnh cao là Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Sau khi Nghị quyết 36 ra đời, Chính phủ đã có hành động rất cụ thể và chúng ta đã thực hiện rất tốt trong 10 năm qua.

Thành công thứ ba, gắn với thành công đầu tiên là chúng ta tạo được nhận thức quan trọng trong nhân dân ta. Trước đây trong nhân dân có sự phân biệt Việt kiều không như người dân trong nước. Nhưng bây giờ nhân dân Việt Nam coi người Việt Nam ở nước ngoài như anh em ruột thịt của mình và khẳng định họ là người Việt Nam với đầy đủ ý nghĩa của nó và được hưởng các quyền lợi và được đối xử như bất kỳ người Việt Nam nào trong đất nước Việt Nam. Đạt được điều này là cả một quá trình vận động, giải thích, tuyên truyền. Hơn nữa, bà con người Việt Nam ở nước ngoài đã tự khẳng định mình và tạo ra uy tín, ảnh hưởng của mình đối với người trong nước.

Thành công thứ 4, tôi cho rằng đấy là tự thân cộng đồng người Việt Nam ta đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Hiện nay chúng ta có khoảng 4,5 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài, trải rộng trên 108 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Và đặc biệt là vị thế uy tín, ảnh hưởng của bà con ở nước ngoài đã được khẳng định. Hầu hết các nước có đông người Việt Nam sinh sống khẳng định bà con người Việt Nam có uy tín với cộng đồng bởi việc thực thi pháp luật, có tinh thần lao động rất chăm chỉ, cần kiệm và đóng góp lớn cho sự phát triển của xã hội sở tại nơi họ sinh sống. Và sự phát triển của người Việt ở nước ngoài cũng tạo cho đất nước Việt Nam có vị thế và ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Phóng viên: Từ khi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ra đời đã đánh dấu sự thay đổi sâu sắc nhận thức về vị trí của người Việt Nam ở nước ngoài. Và kết quả này cũng nói lên vai trò cũng như đóng góp của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Được Đảng và Nhà nước giao cho trọng trách đặc trách chuyên quan tâm thực hiện các chế độ, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài rất tự hào trong 55 năm qua chúng tôi đã có một bề dày thành tích, làm được rất nhiều việc quan trọng. Chúng tôi có nhiệm vụ nghiên cứu, nắm bắt tình hình của bà con, từ đó đề xuất tới Đảng và Nhà nước các chính sách phù hợp với bà con. Đồng thời chúng tôi cũng nghiên cứu các nhu cầu của bà con ở nước ngoài để đề xuất với Đảng, Nhà nước các chính sách hỗ trợ bà con ở nước ngoài. Ví dụ: hỗ trợ bà con duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, hỗ trợ bà con tổ chức các lớp dạy tiếng Việt; xây dựng chương trình truyền hình VTV4 để chuyên phục vụ bà con ở nước ngoài. Đồng thời, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với rất nhiều cơ quan để tổ chức các sự kiện ở trong nước cho kiều bào nhằm thu hút tiềm năng chất xám, tiềm năng về vật chất của bà con để về đóng góp cho quê hương. Trong những năm qua, số lượng kiều hối bà con đóng góp về rất nhiều. Mỗi năm đều tăng. Đó là những nhiệm vụ chúng tôi đã làm được trong thời gian vừa qua.

Phóng viên: Hiện nay kiều bào ta ở nước ngoài có 4,5 triệu người. Tiềm năng của kiều bào là rất lớn. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài có những chương trình và hành  động như thế nào trong việc mời gọi các chuyên gia, trí thức kiều bào về xây dựng đất nước?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tổ chức những hội thảo, xây dựng những chương trình hội nghị khoa học. Và đặc biệt khi có những vấn đề mới nảy sinh ở trong nước, chúng tôi cũng tổ chức tham khảo ý kiến đóng góp của kiều bào để xây dựng, hoạch định những chính sách cho phù hợp với trong nước. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi một số văn bản, chính sách lớn của Nhà nước như Nghị quyết Đại hội Đảng, Dự thảo hiến pháp, chúng tôi  đều gửi cho bà con ở nước ngoài để tham gia đóng góp ý kiến. Nhiều ý kiến đóng góp của bà con kiều bào rất tâm huyết, xác đáng đã được tiếp thu và được đưa vào chỉnh sửa trong các văn bản của Đảng và Nhà nước. 

Phóng viên: Trong thời gian tới, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục xây dựng các cơ chế như thế nào để trình lên Chính phủ nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho bà con kiều bào khi trở về với quê hương?

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trong suốt thời gian qua, chúng ta đã thực hiện được rất nhiều việc tạo những hành lang pháp lý với những chính sách cởi mở tạo thuận lợi cho bà con. Đặc biệt khi có Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, chúng ta đã làm được nhiều việc. Như trên thực tế, công nhận bà con vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam và tạo thuận lợi cho những người mang quốc tịch nước ngoài được miễn thị thực khi về nước. Những chính sách tạo thuận lợi cho bà con Việt kiều có những đặc thù để tạo điều kiện cho bà con đầu tư về trong nước. Rồi chính sách mua nhà, chính sách riêng cho Việt kiều hồi hương. Đấy là những chính sách chúng tôi đã kiến nghị và được Đảng, Chính phủ chấp thuận và ban hành. Bà con rất hoan nghênh.

Chúng tôi đã kiến nghị một số vấn đề và trong thời gian tới, Chính phủ có thể sẽ ban hành một văn bản mới, có thể là một chương trình hành động trong giai đoạn tiếp theo để khẳng định về tầm quan trọng phải tiếp tục thực hiện chính sách của Nghị quyết 36. Từ đó sẽ triển khai rộng khắp hơn nữa, tới tận các địa phương, mỗi cơ quan, mỗi bộ, ban, ngành đều có một chương trình hành động riêng của mình đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Và chúng tôi cũng đã nghiên cứu và chuẩn bị một số đề án lớn. Ví dụ như đề án thu hút trí thức kiều bào về tham gia xây dựng đất nước; các đề án thu hút các nhà khoa học trẻ ở nước ngoài tham gia vào một số dự án ở trong nước; một số đề án tiếp tục bảo tồn và duy trì, phát triển nền văn hóa Việt Nam đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đề án phát triển mở rộng mạng lưới các trường học, trung tâm dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam ở nước ngoài.


Đồng thời, chúng tôi cũng tổ chức nhiều chương trình hoạt động để bà con tham gia vào các hoạt động ở trong nước. Ví dụ như Trại hè Việt Nam, rồi một số hoạt động khác như chương trình Xuân quê hương, mời bà con về quê ăn Tết. Chúng tôi cũng tổ chức những hội nghị Việt kiều toàn thế giới, thu hút hàng nghìn kiều bào tham gia, đóng góp ý kiến về những vấn đề nóng hổi của đất nước. Những lễ hội tâm linh như Giỗ tổ Hùng Vương chúng tôi cũng tổ chức mời đoàn kiều bào về tham dự. Và đặc biệt là thông qua việc tổ chức đi thăm các chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa đã tạo thêm lòng yêu biển đảo quê hương Việt Nam trong bà con kiều bào. Đó là những việc sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để tiếp tục duy trì những việc chúng ta đã làm thành công đối với người Việt Nam ở nước ngoài, tạo ra những bước phát triển mới nữa cho công tác vận động bà con người Việt ở nước ngoài nói chung.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn thứ trưởng!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác