PV. Thưa ông Lê Quốc Minh, sau hai năm tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm nay Hội Báo toàn quốc 2022 được tổ chức, sự kiện này có ý nghĩa quan trọng như thế nào?
Ông Lê Quốc Minh: Năm nay khi đại dịch đã được kiểm soát, xã hội đã trở lại cuộc sống bình thường mới với sự linh hoạt, năng động, Hội nhà báo Việt Nam quyết định tổ chức Hội báo toàn quốc 2022. Tuy thời gian chuẩn bị không nhiều, nhưng với sự nỗ lực của Ban Tổ chức, các cấp hội nhà báo, chi hội, liên chi hội, các cơ quan báo chí Trung ương và bộ, ngành. Chúng tôi cố gắng năm nay mang sắc thái, bầu không khí mới mẻ từ thiết kế chung của Hội báo cho đến gian hàng với chủ đề Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”.
PV. Vâng, thưa ông, với chủ đề “Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn”, vậy Hội Báo toàn quốc 2022 mong muốn chuyển tải thông điệp gì đến với công chúng?
Ông Lê Quốc Minh: Đoàn là yếu tố rất quan trọng để chúng ta có thể phát triển. Trong cách làm báo hiện đại, thì yếu tố chuyên nghiệp vẫn luôn luôn là yếu tố mà chúng tôi nhấn mạnh. Báo chí với sự cạnh tranh của mạng xã hội càng phải thể hiện tính chuyên nghiệp của mình. Bằng cách đưa thông tin dựa trên sự thật, đưa một cách công bằng, cân bằng, đa chiều, phản ánh được mọi mặt của đời sống, với tâm thế xây dựng và đưa ra những đường lối, chính sách của Đảng đến với mọi tầng lớp người đọc, khán, thính giả trong toàn quốc. Chúng tôi cũng nhấn mạnh yếu tố nhân văn. Bởi hơn lúc nào hết chúng ta thấy rằng yếu tố nhân văn phải được lan tỏa trong mọi sản phẩm báo chí. Chúng ta đặt yếu tố con người người lên trên hết, muốn mang lại niềm hạnh phúc cho cuộc sống thì yếu tố nhân văn được nhấn mạnh, thay vì việc chỉ nhìn ra những yếu tố mặt trái, yếu tố bất cập của xã hội. Những yếu tố này sẽ là những điểm rất là trọng tâm của nhiệm kỳ tới của Hội Nhà báo Việt Nam và nó sẽ được phản ánh qua hội báo toàn quốc 2022 lần này.
PV: Thưa ông, Báo chí Việt Nam cần đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay?
Ông Lê Quốc Minh: Chúng ta không thể tiếp tục cách làm báo truyền thống. Báo chí đang trong quá trình chuyển đổi số. Chúng ta không có cách nào khác là phải đi theo con đường số, chuyển đổi số và số hóa nội dung. Bởi vì có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: với đa số các tờ báo thì tương lai sẽ là báo không giấy. Không dễ để tồn tại trong xã hội kỹ thuật số với những cách thức làm báo truyền thống được nữa. Ngay kể cả với truyền hình, phát thanh thì phải chuyển đổi số. Chúng ta phải khẳng định rằng: báo chí muốn giữ chân độc giả, khán thính giả, muốn tồn tại được và thậm chí muốn tạo ra nguồn thu mới để nuôi sống chính mình bị bắt buộc phải chuyển đổi số. Nên hơn lúc nào hết hiện nay, các cơ quan báo chí cần phải nghiên cứu thật kỹ và đi theo con đường chuyển đổi số, nhưng cũng phải làm rất bài bản, phải đặt ra được những chiến lược riêng cho từng đơn vị, từng cơ quan báo chí. Khi đã có những chiến lược như vậy sẽ tìm hiểu xem là những công nghệ nào mới mẻ, phù hợp. Chiến lược chuyển đổi số không có nghĩa là chúng ta làm được một chu kỳ chuyển đổi số là dừng lại mà hết chu kỳ này là phải có những cái chu kỳ tiếp theo và phải đi theo những bước rất bài bản có nghiên cứu, thích ứng phù hợp với điều kiện cũng như là quy mô của từng cơ quan báo chí.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.