(VOV5) - Việt Nam hiện là quốc gia mới nổi trong khu vực, lực lượng dân số trẻ đông đảo, nền kinh tế năng động, các chỉ số phúc lợi xã hội cũng được cải thiện.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) vừa có chuyến thăm Việt Nam.
Tại các buổi gặp gỡ và hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam, bà Armida Salsiah Alisjahbana khẳng định, các tổ chức của Liên hợp quốc nói chung và ESCAP nói riêng luôn coi trọng quan hệ đối tác với Việt Nam và cam kết sẽ luôn quan tâm, tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bà Armida Salsiah Alisjahbana trả lời phỏng vấn cua VOV về sự hợp tác của Việt Nam với Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP). Mời quý vị cùng theo dõi:
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Thưa bà, trong những năm qua, Việt Nam và Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP) đã cùng nhau hợp tác để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Bà đánh giá thế nào về vai trò và đóng góp của Việt Nam trong ESCAP?
Bà Armida Salsiah Alisjahbana: Việt Nam có vai trò rất, rất quan trọng. Tôi muốn bày tỏ sự đánh giá cao của đối với Việt Nam vì đã có những đóng góp rất tích cực, rất xây dựng đối với ESCAP. Việt Nam hiện là quốc gia mới nổi trong khu vực, lực lượng dân số trẻ đông đảo, nền kinh tế năng động, các chỉ số phúc lợi xã hội cũng được cải thiện. Vì thế kỳ vọng của chúng tôi là Việt Nam sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa, nhất là vai trò dẫn dắt với tư cách của một quốc gia mới nổi, một nền kinh tế mới nổi trong việc đưa ra các giải pháp cho phát triển bền vững. Chẳng hạn như các sáng kiến hành động vì khí hậu. Việt Nam có thể chỉ ra các giải pháp cho quá trình chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các loại năng lượng tái tạo sạch hơn. Đó chỉ là một ví dụ thôi và chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào quốc gia mới nổi, một nền kinh tế năng động của các bạn.
Bà A-mi-đa San-si-a A-lít-da-ba-na. Ảnh Thanh Huyền |
PV: Cũng như nhiều quốc gia đang phát triển khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, Covid-19 và các thách thức toàn cầu hiện nay như: xung đột, mất an ninh lương thực và nguồn nước, thiên tai… Bà có khuyến nghị gì cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trước bối cảnh này?
Bà Armida Salsiah Alisjahbana: Tôi có một số khuyến nghị như thế này. Trước tiên, các quy hoạch về phát triển, Việt Nam cần tăng cường tính bao trùm, tính bền vững và khả năng phục hồi. Điều này rất quan trọng. Thứ hai là luôn lấy con người làm trung tâm trong sự phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau, nhất là phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người khuyết tật, nhóm yếu thế. Phát triển cần phải bao trùm và mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, trong đó các lĩnh vực cần quan tâm đó là giáo dục, y tế, nước sạch, bảo vệ môi trường... Đồng thời Việt Nam có thể tận dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ thuật số để đạt được những chuyển đổi về chất trong xã hội. Ở đây, phát triển không chỉ thể hiện trên khía cạnh kinh tế mà còn phát triển cả con người. Điều này có thể đạt được thông qua khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Tôi biết Việt Nam có nhiều năng lực trong các khía cạnh này.
Một điều quan trọng cuối cùng là cách tiếp cận toàn xã hội cần được tăng cường hơn nữa. Nghĩa là chúng ta cần tận dụng số hóa, tận dụng khu vực tư nhân trong phát triển bởi chính phủ không thể làm được mọi thứ. Chẳng hạn với quá trình chuyển đổi năng lượng, thì chính phủ đóng vai trò cung cấp cơ sở hạ tầng cơ bản, nhưng sau đó khu vực tư nhân cũng cần tham gia đầu tư vào. Điều quan trọng của quá trình này là chúng ta cần xây dựng cơ chế, quy định và khung pháp lý phù hợp cho sự tham gia ấy.
PV: Xin bà chia sẻ những ưu tiên của ESCAP để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội?
Bà Armida Salsiah Alisjahbana: Hiện chúng tôi đang có nhiều dự án hợp tác ở khu vực, bao gồm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trao quyền cho phụ nữ.... Cụ thể, ESCAP có các chương trình đào tạo dành cho nữ doanh nhân, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác trong khu vực. Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi đang hỗ trợ các chính phủ trong việc xây dựng các quy định, chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Một chương trình nữa mà chúng tôi đang hỗ trợ Việt Nam đó là hỗ trợ chuyển đổi thương mại kỹ thuật số để tham gia hình thức thương mại “không giấy tờ” xuyên biên giới.
Lĩnh vực thương mại hiện giờ đang ngày càng được số hóa, mọi thứ đều có thể được thực hiện trực tuyến, nhưng để tham gia trong các hiệp định thương mại đa phương với nhiều quốc gia, bạn cần phải có một hệ thống. Hệ thống xuyên biên giới này sẽ giúp hoạt động thương mại dễ dàng hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Một ví dụ nữa là chúng tôi đang làm việc với Cục Thống kê Quốc gia giúp thống kê, theo dõi tiến độ của việc đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Các chỉ số về giảm nghèo, chuyển đổi năng lượng... rất cần có dữ liệu và cách đo lường tiến độ đạt được mục tiêu theo tiêu chuẩn. Đó là một số chương trình, dự án mà chúng tôi đang hỗ trợ Việt Nam
Trân trọng cảm ơn bà