Sơn La với những chính sách phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn

(VOV5) - Sơn La có chiến lược phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn rất rõ ràng. 

Trong những năm qua, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh Sơn La đã được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ trương chuyển đổi từ trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc, thực hiện cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả bằng việc ghép cải tạo giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đưa các giống cây ăn quả vào sản xuất như nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, mận, chanh leo, bơ, hồng giòn, cam, bưởi... đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống của người dân tỉnh Sơn La.

Sơn La với những chính sách phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn - ảnh 1Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La sẽ thông tin về những chính sách hỗ trợ, cũng như những yếu tố đẻ Sơn La phát triển hơn nữa nông nghiệp – nông dân – nông thôn. 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
Phóng viên: Thưa ông, Sơn Là là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Tỉnh đã có những chiến lược phát triển trong lĩnh vực này như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Công: Sơn La có chiến lược nông nghiệp – nông dân – nông thôn rất rõ ràng. Ngay sau khi Đại hội thành công, Sơn La đã ngay lập tức ban hành các Nghị quyết, trong đó đáng chú ý là Nghị quyết số 08 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông nghiệp của tỉnh Sơn La theo hướng phát triển bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ cao. Bên cạnh đó là phát triển công nghiệp chế biến nông sản, để xây dựng Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Hai Nghị quyết này song song để vừa tổ chức sản xuất, vừa tổ chức chế biến, vừa tổ chức tiêu thụ, và gắn với đó là trở thành chuỗi liên kết gồm 4 nhà: nông dân, hợp tác xã/doanh nghiệp, nhà sản xuất/người chế biến và người xuất khẩu. Khi đó, sẽ hình thành nên chuỗi sản xuất an toàn, từ đó giúp xây dựng và phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững.

Phóng viên: Vậy cụ thể quan điểm của Sơn La trong phát triển noobng nghiệp – nông dân – nông thôn là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Công: Một là tiếp tục xây dựng chủ trương nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp bằng hình thức tăng cường cấp mã số vùng trồng cho sản xuất nông nghiệp, tăng cường sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn VietGap/GlobalGap và các tiêu chuẩn khác, hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất lớn, và đưa quy mô sản xuất cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai của tỉnh Sơn La. Ví dụ như hiện nay là 82.000 ha cây ăn quả, thì đến hết nhiệm kỳ này sẽ là 100.000 ha. Sau đó không phát triển nóng các vùng cây trồng khác nhau mà phát triển vào chiều sâu, làm sao để các cây trồng đó được đưa vào thâm canh, tăng vụ, rải vụ để có được năng suất chất lượng cao nhất. Trên cơ sở đó, chính là tăng giá trị trên 1 ha sản xuất canh tác cho người nông dân.

Thứ hai là tập trung cho khâu xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản, tức là tìm đầu ra và tạo thị trường cho sản phẩm. Xúc tiến để tạo ra các thị trường mới. Sơn La đã có 17 sản phẩm nông sản được xuất khẩu sang 21 nước, nhưng phải làm mạnh hơn nữa để đưa các sản phẩm của mình ra thế giới, đồng thời chú trọng thị trường trong nước bao gồm hệ thống siêu thị, chợ bán lẻ, chợ đầu mối. Xúc tiến tiêu thụ nông sản được thực hiện bằng cách tổ chức các hội nghị, tổ chức các tuần hàng, thực hiện trên các sàn giao dịch điện tử… Để làm việc đó thì hàng hóa của chúng ta phải đủ tiêu chuẩn, phải đảm bảo hàng rào kỹ thuật hải quan của nước đó.

Khâu thứ 3 là tập trung thu hút các nhà máy chế biến. Có nhà máy chế biến lớn như Doveco hay TH thì chúng ta sẽ không phải lo lắng về áp lực mùa vụ nữa. Ví dụ, trong thời điểm thu hoạch rộ, mận là 80.000 tấn, nhãn là 130.000 tấn trong thời gian 2-3 tháng, thì đương nhiên vừa tiêu thụ, vừa đưa vào sản xuất, vừa đưa vào các nhà máy chế biến lớn thì chúng ta sẽ không còn phải chịu áp lực mùa vụ. Do đó cần thu hút đầu tư vào các nhà máy chế biến, và các sản phẩm sau chế biến sẽ được nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Điều này sẽ giúp cho người nông dân tăng giá sản xuất, nhà sản xuất thì tăng được giá thành sau sản xuất đối với sản phẩm, và điều quan trọng là các doanh nghiệp khi vào chế biến sẽ có đủ nguyên liệu từ vùng cây trồng. Khi sản xuất chạy full công suất thì mới thu hút được các nhà đầu tư đầu tư vào nhà máy chế biến.

Vấn đề thứ 4 là vẫn phải tạo cơ chế chính sách. Nhà nước có các Nghị định như 98, 57, 109 tích hợp lại, thì Sơn La có Nghị quyết 128. Điều đó có nghĩa là phải tạo đà bằng chính sách vừa, đủ, và đảm bảo điều kiện để thu hút các nhà máy chế biến và phát triển kinh tế nông nghiệp.

Phóng viên: Hướng vào khai thác những tiềm năng lợi thế sẵn có, Sơn La đã chú trọng phát triển sản phẩm thuộc Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm – OCOP” như thế nào?

Ông Nguyễn Thành Công: Sản phẩm OCOP là do các chủ thể tạo ra, người ta khẳng định được chất lượng, mẫu mã, bao bì sản phẩm, khẳng định được thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP đó. Khi đơn vị tham gia vào đánh giá hồ sơ để đạt được 3 sao, 4 sao, tiềm năng 5 sao và được 5 sao, thì những sản phẩm OCOP đó sẽ vào được thị trường tiêu thụ. Và từ sản phẩm OCOP đó sẽ đưa lại hiệu ứng là: nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm OCOP đó; tạo động lực cho kinh tế hợp tác xã phát triển, vì chúng ta có những tổ sản xuất, những HTX chuyên sản xuất sản phẩm OCOP; quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp công nghiệp tiêu biểu của các vùng miền trong cả nước – chính là sản phẩm OCOP; kích cầu trong sản xuất các sản phẩm có giá trị chất lượng cao, hướng tới nhóm đối tượng nguời tiêu dùng cao cấp. Sản phẩm OCOP cũng sẽ quay trở lại tác động đến kinh tế nông thôn những vùng đặc biệt khó khăn để chúng ta cùng làm, cùng hưởng thụ, cùng phát triển. Đó cũng là mục tiêu của sản phẩm OCOP.

Phóng viên: Các sản phẩm OCOP là do sự nỗ lực của các đơn vị sản xuất, trong đó có sự vào cuộc của kinh tế tập thể, các cấp Hội nông dân. Quan điểm của Sơn La như thế nào trong việc phát triển khu vực kinh tế này thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Công: Xây dựng hội nông dân có 2 ý tưởng quan trọng. Về cấp hội, cần xây dựng đủ mạnh, xứng tầm. Chúng ta cần có một cấp hội có tầm chiến lược, có những con người có đủ điều kiện để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế, yêu cầu phát triển hiện nay. Khi đã có cấp hội tốt rồi thì phải có giai cấp công nhân, nông dân mạnh mẽ. Là những giai cấp đáp ứng được yêu cầu hiện nay, kết nối được thị trường, thực hiện được những phát triển về nông nghiệp, thực hiện được những nội dung về công nghệ. Nông dân là công nghệ 4.0, như vậy mới là giai cấp nông dân phát triển theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa và hội nhập. Muốn hội nhập, nông dân phải tự học hỏi nhưng Nhà nước phải đào tạo, bồi dưỡng,t ổ chức tập huấn, phải kết nối cho người nông dân được học tập kinh nghiệm, được giao lưu và có tri thức về khoa học, tri thức về luật pháp. Có được như vậy, khi hội nhập sẽ không bị bỡ ngỡ và sẽ tự khẳng định được bản lĩnh của nông dân Việt Nam.

Phóng viên: Cụ thể đối với riêng Sơn La thì sao ạ?

Ông Nguyễn Thành Công: Sơn La có khá nhiều chủ trương, nêu rất rõ và cụ thể về đề án phát triển hợp tác xã, đề án phát triển hội nông dân VN. Sơn La có 199 đơn vị cơ sở tổ chức hội, 2.545 cơ sở hội, 186.850 hội viên. Chúng ta có những chính sách để đẩy mạnh, ví dụ như cơ chế hỗ trợ cho chi hội trưởng chi hội nông dân bằng ngân sách, tuy không nhiều nhưng cũng là động lực để cho những chi hội trưởng đó phát huy được vai trò, bản lĩnh của mình. Bên cạnh đó là những Nghị quyết hỗ trợ cho kinh tế tập thể, kinh tế Hợp tác xã của tỉnh… Những nội dung khác cũng sẽ tiếp tục được nghiên cứu, bổ trợ cho nhau để phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn.

Phóng viên: Vâng, xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác