(VOV5) - Nghị quyết 54, thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM được áp dụng càng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị của TP thu hút được các trí thức người Việt ở nước ngoài.
TPHCM là địa phương nhiều năm nay luôn làm tốt việc tập hợp, đoàn kết rộng rãi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài thông qua nhiều chương trình cũng như chính sách, cơ chế. Đặc biệt, Nghị quyết 54, thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM được áp dụng càng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị của TP thu hút được các trí thức người Việt ở nước ngoài. Về nội dung này, Phóng viên đài TNVN phỏng vấn bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TPHCM.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV: Mặt trận Tổ quốc TPHCM là nơi tập hợp đoàn kết mọi người dân cũng như gắn kết người Việt ở nước ngoài với quê hương. Vậy với chức năng của mình, Mặt trận Tổ quốc đóng vai trò kết nối và giám sát như thế nào?
Bà Tô Thị Bích Châu: Mặt trận là ngôi nhà chung của các tầng lớp nhân dân, các giới tập trung ở đó, đặc biệt là với lực lượng kiều bào ở nước ngoài thì riêng mặt trận có Ban liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và kiều bào trong nước. Vì vậy, chúng tôi có hẳn một ban phát huy vai trò của Mặt trận. Và hiện nay, kiều bào trở về quê hương càng ngày càng nhiều. Như vậy, vai trò kết nối của chúng tôi thông qua các hoạt động như ngoài hoạt động riêng của Mặt trận để tập hợp đại đoàn kết toàn dân thì với người dân Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới, chúng tôi phối hợp hoạt động với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, tổng lực hoạt động càng ngày càng lớn. Ví dụ khi Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đi thăm các nước, chúng tôi đều có sự phối hợp để quan hệ, giao lưu để tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có thông tin và hiểu rõ hơn về tình hình trong nước. Đồng thời, chúng tôi thấy là với chính sách càng ngày càng rộng mở thì kêu gọi kiều bào đầu tư tất cả các lĩnh vực về nước của mình, người thì góp sức, người thì góp công. Tại TPHCM, với nghị quyết 54 mới đây nhất, thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã áp dụng quyết định về mức chi trả cho chuyên gia, nhà khoa học. Cho nên là người Việt Nam ở nước ngoài thì đối với những người có học hàm, học vị, có tài năng, khả năng đặc biệt thì càng tạo điều kiện cho họ trở về Việt Nam, trở về TPHCM để đóng góp công sức của mình . Chúng tôi xem đó là lợi thế để có thể phát huy được trí tuệ chất xám và lòng yêu nước của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Bà Tô Thị Bích Châu |
PV: Vâng, thưa bà, mặt trận Tổ quốc TPHCM cũng phát động rất nhiều chương trình như là hướng về Trường Sa, những chương trình từ thiện xã hội hay bão lụt. Vậy thì chúng ta sẽ kết nối bà con ở nước ngoài như thế nào qua những lời kêu gọi đấy?
Bà Tô Thị Bích Châu: Với mặt trận Tổ quốc TPHCM chúng ta có hai nguồn quỹ thường xuyên: đó là quỹ vì người nghèo, và quỹ vì biển đảo quê hương, vì tuyến đầu Tổ quốc. còn có quỹ gọi là Quỹ cứu trợ của thành phố thì khi nào có sự cố về thiên tai hoặc những việc khác thì chúng tôi mới kêu gọi. Tuy nhiên là đồng bào của chúng ta người Việt Nam ở nước ngoài và cả kiều bào đã về trong nước khi có Mặt trận Tổ quốc kêu gọi thì họ đều góp công, góp sức và hưởng ứng rất mạnh mẽ. Không chỉ góp về vật chất mà họ còn đóng góp về tinh thần và đặc biệt còn tuyên truyền biển đảo của quê hương thông qua kênh thông tin đại chúng của họ và các phương pháp tuyên truyền để cho thấy là việc bảo vê Tổ quốc càng ngày càng gần gũi và đó là nhiệm vụ của người Việt Nam không chỉ trong nước mà còn ở ngoài nước.
PV: TPHCM là địa phương mà có đông người Việt Nam ở nước ngoài cũng như là những việt kiều đã trở về rồi. Và TPHCM cũng là địa phương làm tốt việc ưu đãi về chính sách để thu hút kiều bào. Vậy bà có thể cho biết là ngoài những dịp lễ tết, để quan tâm đến kiều bào, thân nhân kiều bào, chúng ta còn có những chính sách gì nữa không? Ví dụ đầu tư về đất đai hoặc khi người Việt Nam ở nước ngoài quay về đầu tư?
Bà Tô Thị Bích Châu: Chính sách của TP cũng quan tâm tới tất cả các đối tượng, tầng lớp nhân dân mà tham gia cho sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là với kiều bào. Nhưng mà chúng tôi cũng thừa nhận là những quy định pháp luật của mình chưa đầy đủ để cho kiều bào mạnh dạn đầu tư nhiều hơn, mạnh mẽ hơn với các nguồn lực. Trong thời gian tới, với sự tham gia của kiều bào và nhất là với Nghị quyết 54 thì tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều chính sách khuyến khích hơn, rộng mở hơn để mà khuyến khích tạo động lực cho kiều bào đóng góp cho thành phố.
Xin cảm ơn bà