(VOV5) -Vệ sinh an toàn thực phẩm, hiện đại hóa ngành nông nghiệp phải luôn song hành cùng với đó là đồng bộ hóa các tiêu chuẩn trong đánh giá chất lượng sản phẩm.
Hội chợ Thực phẩm và Khách sạn Hà Nội (Foods and Hotel 2018) vừa diễn ra thành công. Sự kiện thu hút sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lần đầu tiên góp mặt, nhưng nhóm gian hàng đến từ Mỹ có số lượng doanh nghiệp tham gia đông nhất. Trong khuôn khổ triển lãm, PV Đài TNVN phỏng vấn ông Robert Hanson, Tham tán Nông nghiệp, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội về những cơ hội hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Tham tán Nông nghiệp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội Robert Hanson |
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV. Xin chào ông Robert Hanson! Xin ông giới thiệu về nhóm gian hàng của Mỹ tham gia Hội chợ Thực phẩm và Khách sạn Hà Nội năm nay. Được biết, tại Triển lãm, nhóm gian hàng Hoa Kỳ có sự góp mặt của khá nhiều doanh nghiệp nổi tiếng.
Ông Robert Hanson: Đây là lần đầu tiên Hoa Kỳ tham gia và cũng là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức triển lãm. Qua gặp gỡ, hỏi chuyện những người ghé qua khu gian hàng Hoa Kỳ, tôi thấy mừng là không chỉ là số lượng đông đảo các doanh nghiệp tham gia mà đó còn là những đối tác chất lượng danh tiếng từ Việt Nam và rất nhiều nước trên thế giới. Họ là các doanh nghiệp lớn đại diện các Hiệp hội thương mại, các nhà xuất nhập khẩu, các chủ các khách sạn, đầu bếp nổi tiếng, những nhà quản lý khách sạn giàu kinh nghiệm. Có khoảng 20 doanh nghiệp Hoa Kỳ- đại diện cho nhiều ngành sản xuất nông sản, chế biến thực phẩm, đồ uống từ California hay Winscosin tham gia triển lãm. Ở đây cũng có mặt những doanh nghiệp trong hiệp hội xuất khẩu thịt bò Hoa Kỳ, xúc xích, chế biến quả việt quất tươi hay sấy khô, hạt hồ đào rồi các sản phẩm từ sữa như phomai, kem, sữa chua. Tôi rất vui là đơn vị sản xuấn việt quất của Hoa Kỳ đang làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT Việt Nam để xúc tiến xuất khẩu sang Việt Nam thời gian tới. Nói chung, các doanh nghiệp Hoa Kỳ khá hài lòng và cho biết sẽ tiếp tục tham gia Hội chợ triển lãm tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 4/2019. Tại hội chợ, tôi cũng đặc biệt ấn tượng bởi sự đa dạng và chất lượng của thực phẩm Việt Nam.
Triển lãm Food and Hotel Hà Nội 2018 có sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp đến từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
PV: Vậy qua đây, ông đánh giá như thế nào về thị trường nguồn cung sản phẩm nông sản, thủy- hải sản cũng như ngành chế biến thực phẩm của Việt Nam?
Ông Robert Hanson: Ngành nông nghiệp Việt Nam đang trong quá trình phát triển, hiện đại hóa và ngày càng sản xuất ra đa dạng sản phẩm có chất lượng cao. Hiện nay,Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về thủy hải sản, về các sản phẩm nông nghiệp khác như hạt tiêu, cà phê, hạt điều, trà và một số hoa quả, thực phẩm đặc trưng chỉ có ở vùng nhiệt đới. Nhìn chung, tiềm năng trong lĩnh vực này của Việt Nam rất lớn thu hút sự quan tâm nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ. Như bạn biết đấy, Hoa Kỳ là một thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới và đang nhập khẩu khá nhiều sản phẩm nông nghiệp và thủy- hải sản của Việt Nam như cá tra, cá basa, tôm và nhiều loại khác. Tôi cho rằng, xu hướng chúng tôi nhập khẩu những mặt hàng như vậy từ Việt Nam vẫn sẽ được duy trì.
PV: Theo ông, các doanh nghiệp Việt nói chung và trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng cần nắm bắt cơ hội như thế nào để tăng sức cạnh tranh đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế và nhiều hiệp định thương mại tự do FTA song phương giữa Việt Nam và đối tác đã được ký kết?
Ông Robert Hanson: Việt Nam đã tham gia nhiều tổ chức thương mại trên toàn cầu. Một trong những thách thức mà tất cả các nhà sản xuất, xuất khẩu không chỉ của Việt Nam đang phải đối mặt, đó là việc chuẩn hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, về kiểm dịch động- thực vật. Những tiêu chuẩn này có thể chưa đồng nhất hoàn toàn với Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu. Vì vậy các cơ quan thương mại Việt Nam cần tiếp tục làm việc, để có thể đi đến sự thống nhất chung.Tôi nghĩ đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong hoạt động xúc tiến đầu tư, xuất khẩu không chỉ của Việt Nam.
Các gian hàng về sữa, hoa quả và đồ ăn của Hoa Kỳ |
Hiện có một số tổ chức quốc tế đang cung cấp những hướng dẫn cho các quốc gia giống như Việt Nam để xây dựng những bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn.Thông qua các tổ chức như vậy, Hoa Kỳ đang hỗ trợ Việt Nam đồng bộ hóa các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, về kiểm dịch. Những hoạt động đó sẽ giúp cho hoạt động trao đổi thương mại giữa các doanh nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều. Tôi muốn nhấn mạnh là yếu tố như vệ sinh an toàn thực phẩm, việc hiện đại hóa ngành nông nghiệp phải luôn song hành, cùng với đó là việc đồng bộ hóa các tiêu chuẩn trong đánh giá chất lượng sản phẩm.
Một quầy hàng nông sản của Hoa Kỳ |
PV: Thưa ông, có thể thấy những hội chợ, triển lãm như vậy, mang đến rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp hai nước mở rộng ngành hàng sản xuất và tìm kiếm đối tác kinh doanh. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng trong hợp tác nông nghiệp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thời gian tới?
Ông Robert Hanson: Kể từ khi 2 nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây 25 năm, hợp tác vềnông nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng. Hoa Kỳ tham gia hợp tác với Việt Nam ở rất nhiều các ngành nghề như về lâm nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản cũng như việc đồng bộ hóa tiêu chuẩn về mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép trong sản xuất nông nghiệp hay việc sử dụng hóa chất trong chế biến thực phẩm.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, mở rộng quan hệ với khách hàng |
Hoa Kỳ cũng hỗ trợ các nhà sản xuất thịt gia cầm Việt Nam nâng cao năng suất, hiệu quả. Không chỉ xuất khẩu nguyên liệu nông nghiệp chất cao vào Việt Nam,chúng tôi còn giúp các doanh nghiệp Việt về chuyên môn, kỹ thuật. Điều đó chứng tỏ tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong nông nghiệp là rất lớn. Với những lợi thế của mình, tôi tin rằng chỉ cần Việt Nam làm tốt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm thì rất nhiều sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam sẽ được nhiều nước, trong đó có Mỹ đón nhận
PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông?