Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải: Tôi mong Việt Nam sớm trở thành một trung tâm tài chính mới của thế giới Bảo Trang -   24 Tháng Mười Một 2016 | 10:58:02 (VOV5) - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải hiện là Giáo sư dự khuyết chuyên ngành kinh tế tại Đại học Trung Hoa của Hồng Kông (Trung Quốc). Cùng với công việc giảng dạy và nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải còn tích cực quan hệ với các trường và viện tài chính nổi tiếng trên thế giới, làm cầu nối đưa về Việt Nam những mô hình quản lý giáo dục tiên tiến. Tham gia chương trình hôm nay, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải chia sẻ ý tưởng xây dựng Học viện tài chính nghiên cứu cấp cao tại Việt Nam – một mô hình đang rất phát triển và thành công ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải (Ảnh: Báo Nhân dân) Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: PV: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hải, trước tiên anh có thể cho biết một vài nét phác thảo về mô hình Học viện tài chính mà anh mong muốn xây dựng tại Việt Nam? TS Nguyễn Xuân Hải: Tôi đã nung nấu dự án này từ rất lâu. 10 năm trước, khi dự án này nảy sinh trong đầu, tôi vẫn chưa có đủ những kinh nghiệm, kiến thức cần thiết để xây dựng một mô hình cụ thể. Qua thời gian, tôi tham khảo các mô hình ở nước ngoài, học hỏi thêm và xây dựng dần dự án, trong đó có sự góp ý của nhiều Giáo sư, Tiến sỹ cả ở trong và ngoài nước, của lãnh đạo các Viện tài chính trên thế giới, và cũng rất may mắn có sự góp ý tích cực của các cấp, các ngành cũng như Chính phủ Việt Nam để dần dần xây dựng nên một mô hình và đưa ra phác thảo ý tưởng ban đầu. PV: Anh có thể chia sẻ những nội dung cụ thể trong dự án của mình? TS Nguyễn Xuân Hải: Tôi đang muốn xây dựng một mô hình tiến tới để thiết lập một Viện tài chính cao cấp tại Việt Nam, dưới sự bảo trợ của một chính quyền thành phố, ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh, có sự phối hợp với một Viện tài chính quốc tế danh tiếng trên thế giới, và một Trường Đại học ở Việt Nam. Viện tài chính đó sẽ có 3 mục tiêu chính: Thứ nhất là nghiên cứu, với mục tiêu đưa ra những nghiên cứu được công nhận trên thế giới, được đăng trên những tạp chí nổi tiếng thế giới; Thứ hai là thực hiện những phân tích chính sách tài chính dựa trên những nghiên cứu có sẵn, hoặc những nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm thuộc tiêu chuẩn quốc tế; và thứ ba là cung cấp các hoạt động đào tạo sau đại học, đào tạo nhân công chất lượng cao cho ngành tài chính của Thành phố và của Việt Nam. Đó là 3 trọng tâm chính của mô hình. Đây không phải là một mô hình mới trên thế giới. Một Viện tài chính như thế đã tồn tại ở nhiều nước, nhưng ở Việt Nam thì có những đặc trưng riêng, nên cái mà tôi làm là tìm hiểu và đưa về Việt Nam những khía cạnh thành công của những mô hình khác, phối hợp với những điều kiện thực tế ở Việt Nam sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội ở Việt Nam. Mô hình mà tôi cho là rất thành công, đó là mô hình của Viện tài chính cao cấp Thượng Hải, Trung Quốc mới thành lập năm 2008, với mô hình tương tự như tôi vừa mô tả. Chỉ trong vài năm, Viện tài chính này đã mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Tôi nghĩ Việt Nam mình hoàn toàn có thể xây dựng được mô hình Viện Tài chính như thế. PV: Như vậy, chắc chắn anh đã có những nghiên cứu kỹ càng trước khi đưa ra đề xuất của dự án này. Vậy theo anh, làm thế nào để tăng tính khả thi của dự án này tại Việt Nam? TS Nguyễn Xuân Hải: Một cách tổng quan nhất, tài chính là một ngành vô cùng đặc thù. Nó là trọng tâm của nền kinh tế, nó có mối liên hệ sát sao với những ngành nghề khác trong xã hội. Hiểu được sự vận hành của tiền tệ, của phương thức đầu tư trong môi trường kinh tế liên tục thay đổi như hiện nay là điều cực kỳ quan trọng, và Viện nghiên cứu tài chính sẽ là nơi thực hiện điều đó, là nơi kết nối giữa các ngân hàng, các công ty tài chính, giữa thị trường tài chính với Chính phủ, với nền kinh tế, chuyển giao kiến thức để kết nối giữa hai bên. Như tôi đã nói, hiện nay trên thế giới đã có rất nhiều mô hình này, hầu hết các nước phát triển đều có Viện tài chính như thế, và đã đến lúc mà Việt Nam cần phải có. Trong thông điệp gần đây của Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đều chú trọng việc xây dựng một nền giáo dục phù hợp với Việt Nam và mang đẳng cấp quốc tế. Rộng hơn nữa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề cập việc các Thành phố lớn, các thành phố đầu tàu của Việt Nam phải có chiến lược để đưa thành phố mình lên tầm khu vực, và tầm quốc tế như các trung tâm tài chính thế giới của Hong kong hay Singapore. Do đó, việc thành lập Viện Tài chính, chú trọng đầu tiên vào việc nghiên cứu mang tầm quốc tế - là một điều vô cùng quan trọng tại thời điểm này. Khi tiếp cận mô hình này, cách nhìn của tôi là: Việt Nam cần có một mô hình như thế này để hòa nhập vào môi trường nghiên cứu quốc tế, nắm bắt được thị trường quốc tế. Vậy thì làm thế nào để dự án khả thi nhất có thể? Chính vì thế, khi xây dựng mô hình này, bắt nguồn từ kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, tôi nghieenc ứu, đọc và tìm tòi những mô hình trên thế giới, kết nối chúng lại và sau đó nói chuyện, tham khảo và cộng tác với các Giáo sư, Tiến sĩ, các vị lãnh đạo của các Viện tài chính trên thế giới để xây dựng một mô hình hoàn thiện hơn. Hơn thế nữa, tôi cũng đã liên tục và rất may mắn nhận được sự góp ý của các cấp các ngành tại Việt Nam, liên quan đến ngành tài chính về dự án này và làm thế nào để dự án này khả thi nhất có thể. Tất nhiên là khi bắt tay vào làm, tôi nghĩ là sẽ có nhiều khó khăn trước mắt khó có thể lường trước được. Tuy nhiên, khi nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và các bên liên quan, tôi tin rằng tính khả thi của dự án này sẽ rất cao. PV: Xin cảm ơn TS Nguyễn Xuân Hải, và xin chúc cho dự án của anh sẽ sớm được triển khai có hiệu quả tại Việt Nam. Bảo Trang Xem/nghe nhiều Kiều bào trẻ hiện có thế mạnh về khoa học, công nghệ cho phát triển (VOV5) - Trong nhiệm kỳ khóa X này, Mặt trận tổ quốc Việt Nam mở rộng diện ủy viên, trong đó có những người rất trẻ đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tin liên quan Kiểm toán Nhà nước nâng cao năng lực hoạt động giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỉ cương tài chính Thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam đứng vững sau Brexit Phản hồi Gửi đi Các tin/bài khác GS. Sir. Richard Henry Friend: Giải thưởng VinFuture là tấm gương phản chiếu đổi mới toàn cầu Đại sứ nhân ái - nét đẹp nhân văn của một cuộc thi không chỉ tôn vinh nhan sắc Kiều bào trẻ hiện có thế mạnh về khoa học, công nghệ cho phát triển TS Lê Bá Vinh: Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển thị trường dược liệu