(VOV5) - Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài TNVN về chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Vang mãi bài ca Tháng Mười”
Nhân kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại, Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) phối hợp với Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Vang mãi bài ca Tháng Mười” với sự tham gia thể hiện của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi. Đây là dịp để tôn vinh giá trị to lớn của cách mạng tháng Mười, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những tình cảm, sự giúp đỡ vô tư, chí tình mà nhân dân Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay đã dành cho nhân dân Việt Nam. Tổng Giám đốc Đài TNVN Nguyễn Thế Kỷ trả lời phỏng vấn về chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt “Vang mãi bài ca Tháng Mười”
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) |
Phóng viên: Thưa ông, ông cho biết đâu là ý tưởng xuyên suốt của chương trình nghệ thuật này?
TGĐ Nguyễn Thế Kỷ: Cùng với một số nước, loài người tiến bộ trên thế giới thì ở Việt Nam tôi thấy bắt đầu từ giữa tháng 10, không khí hướng về Cách mạng Tháng 10 Nga đã trở nên rất sôi động rồi. Với Đài TNVN thì Đài cũng trăn trở để làm một chương trình nghệ thuật chính luận. Không chỉ là một chương trình ca nhạc đâu. Mà sự sắp xếp thứ tự các đoạn phim, hình ảnh, tư liệu, các nhân chứng, nhân vật chúng ta mời đều làm bật lên tình cảm với Cách mạng Tháng 10 Nga, với Liên Xô trước đây với nước Nga ngày nay. Chúng ta luôn luôn nhớ về Cách mạng Tháng 10 với một thái độ rất trân trọng, rất biết ơn. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1967, có bài viết trên báo Panapada của Liên Xô lúc đó, Người đánh giá về Cách mạng Tháng 10 thế này: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng 10 chiếu sáng khắp 5 châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có một cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Đánh giá của Người là đánh giá ngắn gọn nhưng rất toàn diện, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Chương trình này của Đài, chúng ta phối hợp với Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam và một số đơn vị nữa. Thời gian vừa rồi thì Đài TNVN cũng cử các tổ phóng viên làm phim, tổ phóng viên phát thanh sang Liên bang Nga, chúng ta đã gặp các nhân chứng, đến các địa điểm, đi thu thập tư liệu, cố gắng làm sao có một chương trình thật đặc sắc. Trong dịp này có rất nhiều chương trình về Cách mạng Tháng 10 Nga được tổ chức, kể cả chương trình nghệ thuật. Nhưng tôi cho rằng phải làm mới những sự kiện đó, bằng cảm xúc của người thực hiện chương trình, cũng như của công chúng.
Phóng viên: Được biết, hầu hết những tác phẩm trong chương trình đã được các nhạc sĩ của Đài TNVN tổ chức dàn dựng, phối khí, thổi vào đấy một hơi thở mới. Tại sao lại có sự thay đổi này thưa ông ?
TGĐ Nguyễn Thế Kỷ: Người Việt Nam chúng ta rất nhớ về những bài hát Nga như là “Đôi bờ”, “Chiều hải cảng”, “Cây Thùy dương”, “Chiều Mac-xcơ-va”. Những nghệ sĩ trước đây như Quang Thọ, Trung Kiên là lớp nghệ sĩ được đào tạo ở Nga, được sống trong một môi trường văn hóa của Nga, họ đã biểu diễn rất thành công rồi, gần như là những tượng đài để hát về những bài đó. Bây giờ thì thử thách của những nghệ sĩ trẻ trong đó có nhiều nghệ sĩ của Đài TNVN là thể hiện những bài hát đó làm sao để có cảm xúc của người hôm nay. Đó không phải là kỹ thuật mà phải là cảm xúc của con người trong khi thể hiện. Để làm sao mà người ta thấy tình cảm với nước Nga vừa thủy chung như nhất nhưng vừa có nét mới, cảm xúc mới của người Việt Nam hôm nay.
Phóng viên: Vậy ông kỳ vọng chương trình sẽ mang đến điều gì cho khán thính giả Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ?
Tôi tin với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng thì chương trình sẽ đưa đến những cảm xúc, những ấn tượng, những nhận thức của người xem về sự kiện cách đây 100 năm. 100 năm rồi nhưng trong mỗi tâm thức, tình cảm, trái tim con người Việt Nam vẫn có gì đó như là rất mới mẻ. Có thể nói như một tình yêu với Liên Xô, với nước Nga, với Cách mạng Tháng 10. Tôi tin là chương trình này sẽ đáp ứng được phần lớn mong mỏi của công chúng.
Phóng viên: Vậy chắc chắn là mối chân tình mà hai dân tộc Việt - Nga dành cho nhau sẽ mãi mãi là những giá trị đẹp đẽ nhất, đáng trân quý nhất, ông có nghĩ như vậy không?
TGĐ Nguyễn Thế Kỷ: Cũng như rất nhiều người Nga, kể cả những người tuổi lớn rồi, và kể cả thế hệ trẻ hôm nay khi nói về mối quan hệ giữa Việt Nam – Liên Xô, Việt Nam và Nga, Nga và Việt Nam thì người ta đều trân trọng. Bởi vì 2 đất nước xa cách nhau như thế nhưng tôi thấy văn hóa Nga, tâm hồn của người Nga và người Việt có rất nhiều điểm tương đồng. Chính điều đó đã làm cho 2 dân tộc gắn kết số phận với nhau. Cùng với Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thì lớp những người cộng sản đầu tiên như Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hà Huy Tập cũng đã sang Liên Xô để học tập. Rồi thời kỳ chiến tranh vệ quốc của Liên Xô, có những thanh niên Việt Nam đã đứng trong đội hình của Hồng quân Liên Xô và đã ngã xuống trong chiến hào của cuộc chiến tranh vệ quốc. Sau này trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam, rất nhiều chuyên gia Liên Xô đã sang ta, rồi những đóng góp, hỗ trợ về vật chất của phía Liên Xô cũng giúp một phần hết sức quan trọng để chúng ta có thêm nguồn lực, có thêm điều kiện, có thêm sức mạnh chiến thắng kẻ thù xâm lược. Tôi nghĩ những điều này không ai có thể quên được.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!