(VOV5) - Được thành lập từ ngày 24-12-2004, đến nay, nhà trường đã đào tạo cho nhiều khóa sinh viên từ khắp mọi miền trong cả nước
Trường đại học công nghiệp TPHCM với hơn 36 ngàn sinh viên là đơn vị giáo dục đại học quy mô trực thuộc Bộ công thương. Được thành lập từ ngày 24-12-2004, đến nay, nhà trường đã đào tạo cho nhiều khóa sinh viên từ khắp mọi miền trong cả nước với các nhóm ngành kinh tế công nghiệp và kỹ thuật công nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, nhà trường đặc biệt chú trọng tới lĩnh vực khoa học công nghệ, các dự án khởi nghiệp của sinh viên, từ đó, giúp các bạn trẻ khi đang học tập và sau khi tốt nghiệp có thể đóng góp cho nhà trường và cho đất nước. Về nội dung này, phóng viên VOV5 phỏng vấn tiến sĩ Phan Hồng Hải, hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp TPHCM:
Nghe âm thanh tại đây:
Phóng viên (PV): Cảm ơn tiến sĩ đã tham gia cuộc phỏng vấn của Đài TNVN. Thưa tiến sĩ, trong tình hình hiện nay, khi VN hội nhập sâu rộng, thì khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt. Vậy nhà trường có những hoạt động gì trong lĩnh vực này để giúp các bạn trẻ có thể tiếp cận được hiệu quả?
TS Phan Hồng Hải: Trong tình hình hiện nay, Nhà trường đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực khoa học công nghệ. Hiện nay, kinh phí cho khoa học công nghệ của Nhà trường chiếm 5% tổng kinh phí, tạo điều kiện cho giảng viên trẻ dưới 35 tuổi, sinh viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học thông qua việc cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động khoa học công nghệ, tổ chức các tuần lễ khoa học, các khóa tập huấn nâng cao năng lực, nghiên cứu của giảng viên trẻ và sinh viên. Trường cũng kết hợp với các đối tác trong và ngoài nước, để tổ chức các hội thảo quốc tế, đồng thời khuyến khích giảng viên, sinh viên có những công bố quốc tế trên các tạp chí. Nhà trường đưa ra nhiều chính sách khuyến khích sinh viên theo học tại nhà trường, liên kết đào tạo, liên kết nghiên cứu, trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên với các trường quốc tế.
PV: Vậy thì hoạt động khởi nghiệp có được nhà Trường chú trọng không? Ông có thể nêu một số những dự án khởi nghiệp hiệu quả của sinh viên Trường Đại học công nghiệp TPHCM?
TS Phan Hồng Hải: Đối với hoạt động khởi nghiệp, nhà trường cũng khuyến khích sinh viên sáng tạo thông qua ngày hội khởi nghiệp sáng tạo hàng năm. Từ những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của sinh viên, Nhà trường cũng tiếp cận, ươm mầm các dự án khởi nghiệp sáng tạo của các bạn, khuyến khích các cuộc thi khởi nghiệp như start up well. Hàng năm, nhà trường trích 5 tỷ đồng cho các dự án khởi nghiệp.
Tiến sĩ Phan Hồng Hải, hiệu trưởng Trường Đại học công nghiệp TPHCM phát biểu tại lễ công bố quyết định bổ nhiệm.-Ảnh: thanhnien.vn |
Một số dự án khởi nghiệp ươm mầm thành công như lalas tức là lá lành đùm lá rách, khuyến khích các hoạt động từ thiện cho sinh viên, tạo điều kiện cho các em sinh viên đóng góp. Các dự án giáo dục như eduwalk, phần mềm tìm kiếm gia sư thông qua app. Gần đây là dự án hỗ trợ cho người liệt, mất giọng nói cho những người xung quanh của sinh viên Trần Đăng Khoa, khoa công nghệ thông tin…., đặc biệt là dự án giữ được dây thần kinh 50 dự án giúp cho người bệnh giao tiếp. Dự án này đã lọt vào top 60 dự án tại vòng bán kết cuộc thi start up well. Đầu tháng 12 tới đây, Nhà trường sẽ ký biên bản với Cục sở hữu trí tuệ, trên cơ sở đó giúp nâng cao năng lực nghiên cứu cho sinh viên.
PV: Thưa tiến sĩ, chắc rằng có rất nhiều học sinh của nhà trường sau khi tốt nghiệp đã có những vị trí công việc hiệu quả, hoặc đang sống và học tập ở nước ngoài. Vậy Nhà trường có định hướng gì giúp các em trong quá trình học tập và sau khi tốt nghiệp có thể đóng góp cho đất nước?
TS Phan Hồng Hải: Để sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm thì trách nhiệm của Nhà trường đối với sinh viên khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường cực kỳ quan trọng. Việc đầu tiên định hướng cho sinh viên trong việc đóng góp, khả năng sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Nhà trường cũng yêu cầu giảng viên phải định hướng cho sinh viên, khuyến khích những mô hình làm việc thực tiễn. Nhà trường cũng đầu tư phòng thí nghiệm thông minh, phòng thí nghiệm mô phỏng thực tế, phòng thí nghiệm cho sinh viên như phòng thí nghiệm mô phỏng tài chính kế toán, ngân hàng. Nhà trường cũng khuyến khích sinh viên chủ động tích lũy kiến thức về công nghệ thông tin, chủ động ứng dụng khoa học công nghệ mới nhất vào thực tiễn cuộc sống. Rất nhiều các cuộc trao đổi với các đối tác như Đài Loan, Hàn Quốc, Bangladesh, Bỉ.. giúp sinh viên có thể giao lưu. Những dự án hợp tác quốc tế làm cầu nối giúp sinh viên có thể trao đổi, phân công cho trung tâm tư vấn hỗ trợ sinh viên đảm bảo việc giảng dạy, phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên. Nhà trường cũng có chính sách khuyến khích các cựu sinh viên nhà trường, quay lại đóng góp cho nhà trường, hay giới thiệu các công ty, tập đoàn lớn. Nhà trường sẵn sàng đón nhận các bạn sinh viên đang học tập và làm việc ở nước ngoài muốn cống hiến với nhà trường.
PV: Được mời tham dự Diễn đàn trí thức trẻ VN toàn cầu năm nay, ông có suy nghĩ gì vì về vai trò của thanh niên và trí thức trẻ tham gia phát triển đất nước đến năm 2045?
TS Phan Hồng Hải: Lần đầu tiên tham dự Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu thì tôi rất ấn tượng với phong cách làm việc của các bạn. Các bạn thanh niên trí thức trẻ năng động, tràn đầy nhiệt huyết. Tôi thiết nghĩ rằng để phát triển đất nước một cách toàn diện và hiệu quả, đội ngũ sinh viên, thanh niên, trí thức cần phải tăng cường bồi dưỡng tri thức và đạo đức, xây dựng một xã hội chủ động học tập, tăng cường liên kết, xây dựng mạng lưới trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, nguồn lực trẻ cần phải tham gia phát tiển kinh tế, xã hội, đáp ứng nhanh với sự phát triển của khoa học công nghệ. Hiện nay, thế giới của chúng ta đang sống là thế giới phẳng, giới trẻ có điều kiện tiếp xúc với tri thức, công nghệ mới dễ dàng ở mọi lúc, mọi nơi. Chính vì thế, sinh viên và trí thức trẻ cần phài ý thức được nhiệm vụ và trách nhiệm của mình để xây dựng đất nước.
PV: Cảm ơn tiến sĩ!