Việt Nam có tiềm năng xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao

(VOV5) - Tôi mong muốn được thấy các cơ sở giáo dục nghề của Phần Lan đóng vai trò cầu nối giữa Phần Lan với Việt Nam.

Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong bối cảnh chuyển đối số. Đó là nhân định của bà Marjaana Sall, Đại sứ giáo dục của Bộ Ngoại giao Phần Lan, khi chia sẻ với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa hai nước.

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây: 
PV:  Thưa Đại sứ, bà nhận định như thế nào về giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam?

Bà Marjaana SallĐầu tiên, Việt Nam có một dân số rất trẻ, và tất nhiên điều này đồng nghĩa với việc các bạn cần phải có những kỹ năng cần thiết cho công việc trong tương lai và để đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Hiện nay, công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, chúng ta đang nói về kinh tế xanh, kinh tế số.

Điều này sẽ yêu cầu một loạt các kỹ năng nghề nghiệp mới. Khi tới Việt Nam, tìm hiểu về hệ thống giáo dục ở đây, theo tôi, các bạn có thể tiếp tục nâng cấp hệ thống giáo dục nghề nghiệp, và thu hút ngày càng nhiều học sinh theo học nghề hơn, đồng thời làm sao để họ hiểu rằng Chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực thực hiện các chương trình cải cách giáo dục nghề nghiệp.

Việt Nam có tiềm năng xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao - ảnh 1Bà Marjaana Sall, Đại sứ giáo dục của Bộ Ngoại giao Phần Lan

Tôi có thể thấy rất nhiều tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam. Với dân số trẻ, lực lượng trong độ tuổi lao động đông, kết hợp với những chính sách hấp dẫn mà Chính phủ đưa ra, đây sẽ là cơ hội rất tốt để Việt Nam xây dựng được một lực lượng lao động chất lượng cao trong tương lai.

PV:  Phần Lan là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Vậy theo bà có những mô hình hay bài học kinh nghiệm nào của Phần Lan có thể ứng dụng được tại Việt Nam?

Bà Marjaana SallTại Phần Lan, chúng tôi cũng đã trải qua một cuộc cải cách lớn trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Và tôi tới đây với hi vọng để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để chia sẻ thực tiễn của Phần Lan, và cũng là để học tập từ chính các bạn. Một vài bài học mà chúng tôi có thể chia sẻ với Việt Nam, đầu tiên phải kể đến đào tạo giáo viên. Với tất cả các hệ thống giáo dục, các bạn cần có giáo viên giỏi và có động lực làm việc, bởi họ chính là những người động viên và truyền cảm hứng cho học sinh tiếp tục học nghề.

Tại Phần Lan, các giáo viên nghề nghiệp đều có bằng cử nhân, thạc sĩ, họ vừa phải có kiến thức chuyên ngành, kinh nghiệm làm việc. Thứ 2, giáo dục nghề nghiệp rất phổ biến ở Phần Lan. Gần 50% học sinh sau khi học xong cấp trung học đã quyết định học nghề. Điều này là do hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại Phần Lan có sự linh hoạt. Học viên có thể có nhiều kế hoạch học tập riêng. Họ có thể tiếp tục học lên đại học hoặc đi làm ngay. Một điều mà Việt Nam có thể tham khảo, đó là các cơ sở giáo dục nghề tại Phần Lan hợp tác rất chặt chẽ với các doanh nghiệp. Do đó, học viên hoàn thành chương trình sẽ có cơ hội việc làm ngay lập tức.

PV:  Vậy bà nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp?

Bà Marjaana Sall Tôi nghĩ có rất nhiều cách chúng ta có thể hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp. Thứ nhất là hợp tác giữa các cơ sở giáo dục. Chuyến thăm này, tôi tới Việt Nam cùng rất nhiều đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Phần Lan, và chúng tôi đã có cơ hội trao đổi với các trung tâm giáo dục của Việt Nam. Có thể thấy, hợp tác ở cấp độ này sẽ đem lại nhiều kết quả đáng kể. Thứ 2, hiện có rất nhiều sinh viên Việt Nam đang học tại Phần Lan. Việt Nam có dân số trẻ, trong khi Phần Lan với tình trạng già hóa dân số lại đang rất thiếu nhân lực.

Do đó, chúng tôi hi vọng các học sinh Việt Nam có thể sang học nghề tại Phần Lan và có công việc tại Phần Lan. Ngoài ra còn có các cuộc đối thoại chính sách giữa Chính phủ hai nước để chia sẻ các bài học kinh nghiệm. Nhìn chung, có rất nhiều lĩnh vực và cấp độ để chúng ta có thể hợp tác, và tôi mong muốn được thấy các cơ sở giáo dục nghề của Phần Lan đóng vai trò cầu nối giữa Phần Lan với Việt Nam và hy vọng tương lai sẽ có nhiều hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này.

 PV: Vâng xin cảm ơn bà!

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác