(VOV5) - PV Nguyên Long phỏng vấn chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica VietNam.
Mặc dù tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) quý đầu năm của Việt Nam chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm ngoái - mức tăng trưởng vào bậc thấp nhất trong vòng 12 năm qua. Đáng lưu ý, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế trong quý đầu năm - khi sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh, chỉ số tồn kho toàn ngành tăng cao. Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực giảm đơn hàng, thị trường bị thu hẹp…Mặc dù vây, Chính phủ vẫn kiên định “chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát”. Điều này cũng đồng nghĩa Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% năm nay và kiểm soát lạm phát ở mức 4,5%.
Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:
PV. Thưa ông, tập trung làm tốt công tác quy hoạch và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân tiếp tục là các giải pháp được nhấn mạnh trong các quý tiếp theo. Từ thực tế công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng như tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp thời gian qua, theo ông đâu là những nút thắt mà chúng ta cần phải tháo gỡ?
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình: Những khó khăn trong công tác giải ngân vốn đầu tư công thì cũng đã được đề cập khá nhiều, nhưng với những kết quả mà chúng ta đạt được trong quý 1 vừa qua thì tôi thấy rằng, một trong những nút thắt lớn nhất mà theo đánh giá của chúng tôi đó là những cái khó khăn về thể chế, những khó khăn về quy định pháp luật… và những khó khăn khác trên thị trường trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công thì nó vẫn còn đó.
TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam. (Ảnh: KT) |
Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng, với những quyết tâm mạnh mẽ của các cơ quan Chính phủ, của các bộ, ngành và của các địa phương thì chúng ta sẽ có thể giải ngân được tốc độ vốn đầu tư công cao hơn. Và nếu như có các quyết tâm như vậy thì rõ ràng chúng ta có thể vượt qua được những khó khăn về những cái thể chế, những hạn chế trong những quy định về mặt pháp luật. Trong quy định hiện tại chúng ta vẫn có cách để cho chúng ta có thể hoàn thiện được những thủ tục một cách đầy đủ một cách nhanh chóng thuận lợi. Nếu như chúng ta có quyết tâm như vậy thì sẽ giải quyết được một trong những khó khăn ví như quá trình nhận diện dự án, lựa chọn dự án, thẩm định dự án rồi là phân bổ vốn, lựa chọn những dự án tốt cho quá trình đầu tư quá trình thẩm duyệt những dự án đầu tư công…
PV. Trong ba chân kiềng tăng trưởng là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng, theo ông, trong bối cảnh hiện nay thì nên ưu tiên tập trung vào đâu để chúng ta có thể đạt được hiệu quả cao nhất (và hiệu quảở đây là nó mang lại tác động lan tỏa và kích thích tăng trưởng, tạo ra nhiều việc làm hơn cho người lao động), thưa ông?
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình: Nếu mà được chọn 1 thì tôi nghĩ rằng là đầu tư công và chi tiêu công. Đấy là cái mà có khả thi nhất. Với những quyết tâm như hiện nay thì chúng ta có thể thực hiện ĐTC với một tốc độ nhanh hơn và đảm bảo được mục tiêu mà chúng ta đề ra. Nếu như một nguồn vốn đầu tư công mà được chi ra sớm – và đó là nguồn vốn mà sẽ được chi trực tiếp vào các doanh nghiệp - từ đó nó có sức lan tỏa rất lớn đối với những doanh nghiệp, nhà thầu phụ, rồi những người công nhân làm việc trong các nhà thầu phụ đó; Rồi có những cái tác động lan tỏa đến những ngành nghề có liên quan. Ví dụ như thép, vật liệu xây dựng, rồi vào những ngành khác như khai khoáng mỏ v.v để phục vụ cho những công trình đầu tư công đó. Như vậy chúng ta thấy rằng đó là cái tác động lan tỏa tương đối lớn.Điều quan trọng tôi nghĩ rằng là chúng ta cần phải làm thế nào đó để tốc độ giải ngân vốn đầu tư công này nó sẽ được đều trong cả một quá trình, trong quý 2, quý 3 và quý 4.
Nếu như mà chọn 2 thì tôi nghĩ rằng chúng ta cũng cần phải chú trọng đầu tư, đặc biệt là chúng ta sẽ phải thu hút hơn nữa về đầu tư FDI và đặc biệt là đầu tư tư nhân. Chúng ta sẽ phải cải thiện môi trường đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh để làm thế nào đó khôi phục lại đầu tư FDI và đầu tư của khu vực tư nhân. Ngoài ra thì chúng ta cũng kỳ vọng vào sự hồi phục của những ngành dịch vụ như ngành du lịch với những chính sách E-visa cởi mở hơn trong thời gian tới để hy vọng là chúng ta sẽ thu hút được nhiều hơn khách du lịch, rồi sự hồi phục của ngành du lịch trong nước trong những tháng hè, thế rồi là những sự hồi phục của ngành tài chính, Ngân hàng và các ngành dịch vụ khác hỗ trợ kinh doanh…
PV. Thưa ông, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thì đã hết thời gian thực hiện hoặc là hiệu quả rất là thấp. Theo ông chúng ta cần phải có những chính sách cụ thể như thế nào để hỗ trợ cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay?
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình: chúng ta sẽ nhìn lại những biện pháp hỗ trợ trong thời gian vừa qua những chương trình hỗ trợ mà đã thực hiện tốt thì chúng ta sẽ có những bài học kinh nghiệm từ những cải cách thức thực hiện như vậy. Ví dụ, đó là những chính sách về hỗ trợ về mặt thuế, những chính sách hỗ trợ về tiền thuê đất kéo dài thời gian trả nợ về thuế và nghĩa vụ tài chính của các doanh nghiệp, những chính sách đã được thực hiện khá tốt.
Tuy nhiên, có những chính sách thực hiện đã không thành công hoặc là khâu chưa hiệu quả. Ví dụ như là những chính sách về cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp hoặc một chương trình khác thì đó là những cái bài học mà chúng ta có thể rút ra được kinh nghiệm thực hiện những chính sách trong thời gian tới. Tôi nghĩ là việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ phải thực hiện theo một cách có trọng tâm trọng điểm cho những nhóm doanh nghiệp một cách cụ thể vào việc hỗ trợ chúng ta không nên thực hiện với tư tưởng là luôn luôn hỗ trợ luôn luôn nâng đỡ các doanh nghiệp một cách vô điều kiện nó sẽ phải có một số điều kiện nào đó là việc hỗ trợ và cách thức hỗ trợ nó cũng phải thiết kế thế nào đó nó phải phù hợp với lợi thế điều kiện của thị trường chúng ta phải sử dụng những cơ chế vận hành của thị trường để làm sao các biện pháp hỗ trợ đó nó phải phù hợp với cách vận hành của thị trường phù hợp với khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp của người dân của các cơ sở kinh tế bằng cách đó thì nó mới mang lại hiệu quả tốt nhất. Nếu như chúng ta hỗ trợ một diện rộng quá lớn, nó sẽ vượt quá khả năng nguồn lực cũng như là nó sẽ không đi được đến ký đối tượng mà thực sự cần thì đó là những cái mà chúng ta cũng nên tránh…
PV. Rất nhiều chuyên gia đưa ra quan điểm là từ thắt chặt kiểm soát lạm phát sang hỗ trợ tăng trưởng, điều này rất là quan trọng. Tuy nhiên những lo ngại về lạm phát... Vậy theo ông thì chúng ta cần phải làm gì - ví dụ như là cơ cấu dòng tiền hay như thế nào đó để chúng ta có thể đảm bảo được mục tiêu là hỗ trợ cho tăng trưởng nhưng vẫn kiểm soát được lạm phát?
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình: Chúng ta thấy rằng nguy cơ lạm phát vẫn chực chờ, và mới đây là khi giá dầu do OPEC vừa rồi đã giảm sản lượng nó sẽ tạo một áp lực lớn hơn nữa về lạm phát. Trong bối cảnh như vậy chúng ta lại hạ lãi suất điều hành thì chúng ta thấy rằng là bắt buộc chúng ta vẫn cứ phải thực hiện những biện pháp là làm thế nào đó mở rộng hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua tăng trưởng tín dụng, thế nhưng mà cũng phải chú ý đặc biệt đến lạm phát. Điều chú ý lạm phát ở đây chúng ta có thể thực hiện được bằng cách là chúng ta phân bổ nguồn lực tín dụng này đến những khu vực doanh nghiệp, đến những ngành kinh tế mà cần thiết nhất.
Vẫn cái nguồn cung tiền trong phạm vi mà chúng ta khống chế để phục vụ lạm phát như vậy thì cung tiền đó sẽ được chuyển đến cho những doanh nghiệp, đến những ngành nghề mà sử dụng nguồn lực đó một cách tốt nhất, nó sẽ không được dàn trải cho tất cả các khu vực doanh nghiệp, cho tất cả các ngành nghề kinh tế mà nó phải được dành cho những khu vực sử dụng nguồn lực đó tốt nhất để hỗ trợ cho tăng trưởng trong năm nay; để tránh những trường hợp chúng ta dàn trải nguồn lực. Như vậy, việc cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu dòng tiền nó sẽ đảm bảo được mục tiêu hỗ trợ cho tăng trưởng cũng như mục tiêu để chúng ta kiềm chế lạm phát.
PV. Xin trân trọng cảm ơn ông!