Việt Nam nỗ lực cùng thế giới, góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu

(VOV5) - Là quốc gia chịu nhiều tác động, Việt Nam đang thể hiện nỗ lực cao nhất trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sau 5 năm nỗ lực thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tháng 10 vừa qua Việt Nam đã hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Là quốc gia chịu nhiều tác động, Việt Nam đang thể hiện nỗ lực cao nhất trong góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu. Về nội dung này, PV Hà Linh phỏng vấn Thạc sĩ Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng, Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên môi trường. Ông Phạm Văn Tấn là người trực tiếp làm việc về các vấn đề có liên quan đến Thỏa thuận chung Paris tại Việt Nam.

Việt Nam nỗ lực cùng  thế giới, góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu - ảnh 1Ông Phạm Văn Tấn tại hội thảo Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu.- Ảnh Cục BDKH 

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

 PV: Ngay sau khi tham gia ký kết thỏa thuận chung về Biến đổi khí hậu (COP21) ngày 12/12/2015 chính phủ Việt Nam triển khai kế hoach như thế nào đối với cam kết quốc tế về giảm khí phát thải nhà kính?

Ông Phạm Văn Tấn: Sau khi Việt Nam cùng các quốc gia thông qua thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu ( COP21) 12/12/2010) Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ ngành, làm ngay thủ tục phê duyệt để lên phương án thực hiện thỏa thuận này. Ngày 31/10/2011, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt ngay kế hoạch triển khai thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu tại Việt Nam, quy ra 68 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức thực hiện từ năm 2016-2030. Đồng thời, nội dung đóng góp của Việt Nam đối với thỏa thuận Paris, được Việt Nam nội luật hóa, đưa vào luật bảo vệ môi trường vừa được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ ngành, cơ quan, các doanh nghiệp trong việc giảm nhẹ khí phát thải nhà kính, thích ứng với BĐKH, lồng ghép vào các hoạt động thường xuyên của các bên liên quan.

PV: Như ông vừa nói, Liên Hợp Quốc đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam, trong 5 năm qua, chúng ta đạt được kết quả gì trong câu chuyện liên quan đến biến đổi khí hậu?

Ông Phạm Văn Tấn: Phải nói rằng, con số 8% và 25% là việc Việt Nam cam kết thực hiện từ năm 2021- 2030. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là từ năm 2015, chúng ta chưa làm gì, ngược lại Việt Nam làm được rất nhiều. Đặc biệt trong mảng tiết kiệm Năng lượng. Hàng trăm triệu tấn CO2 được giảm trong suốt 5 năm vừa qua thông qua việc tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sạch, rồi những giải pháp thể hiện sự nỗ lực của các ban bộ ngành  liên qua đến trong thích ứng BĐKH, giảm thiểu rủi ro thiên tai. 

Có thể thấy rằng, các hoạt động của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá cao thông qua những báo cáo, chương trình ngay sau khi Việt Nam trình bản NDC cập nhật và được Tổng thư ký Liên hợp quốc gửi thư chúc mừng đánh giá cao về những nỗ lực của Việt Nam. Ngoài ra, trong những nỗ lực chung đó, những bài học, kinh nghiệm, giải pháp sáng kiến của Việt Nam làm thế nào để huy động tất cả các bên, các nguồn lực xã hội tham gia và làm thế nào chúng ta chuyển cam kết quốc gia với quốc tế thành quy định trong nước…được nhiều nước học hỏi và muốn làm theo cách làm đó.

PV: Vâng, hiện Việt Nam đang gặp phải những khó khăn gì trong thực hiện những cam kết đó thưa ông?

Ông Phạm Văn Tấn: Thách thức lớn nhất là về nguồn lực. Hiện trong nước, Việt Nam mới chỉ đảm bảo được mục tiêu giảm 8%-9%  lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính đến năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường. Tuy nhiên, nỗ lực này sẽ tăng lên 27% khi nhận được hỗ trợ đầy đủ của quốc tế. Đối với chúng ta nguồn lực là vấn đề đầu tiên.

Việt Nam nỗ lực cùng  thế giới, góp phần giảm nhẹ BĐKH toàn cầu - ảnh 2Đức đề xuất hỗ trợ công nghệ giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính cực mạnh N20 cho Việt Nam. Dự án được thực hiện tại nhà máy sản xuất axit nitric của MICCO ở tỉnh Thái Bình.
Ảnh Giz in VietNam

Thứ 2 là về công nghệ, những hoạt động liên quan đến giảm thiểu khí phát thải nhà kính liên quan đến công nghệ, mà liên quan đến dây chuyền công nghệ thì rất đắt. Vậy làm sao mà chuyển giao được về Việt Nam. Trong quá trình trao đổi với các quốc gia, công nghệ tạo ít phát thải làm sao chuyển giao một cách thuận lợi nhất cho các nước đang phát triển chịu nhiều tác động, trong đó có Việt Nam, để chúng ta có thể áp dụng dễ dàng và hợp lý hơn theo từng đặc thù riêng.

PV: Thưa ông, chủ động phòng tránh, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu là muc tiêu chính phủ Việt Nam đề ra. Và, các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021-2030 được tập trung xác định cho các lĩnh vực, ngành nghề nào, thưa ông? 

Ông Phạm Văn Tấn: Thích ứng với BĐKH trong Đóng góp do Quốc gia tự quyết định ( NDC) cũng đưa ra những mục tiêu chiến lược để Việt Nam triển khai thực hiện từ nay đến 2030 và sau đó. Đồng thời với nội dung trong NDC, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia về thích ứng với BĐKH đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đây tất cả là những nỗ lực mà chúng ta sẽ phải thực hiện từ nay đến 2050 về thich ứng với BĐKH.

Việt Nam xác định 5 lĩnh vực lớn. Thứ nhất là ngành Năng lượng, trong đó tất cả các Bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp tổ chức sử dụng năng lượng (điện, xăng dầu..) đều được đưa vào mảng đối tượng phải cam kết. Thứ hai là lĩnh vực nông nghiệp, ngành này sản sinh ra khí phát thải CH4, dùng phân bón, hóa chất nhiều. Thứ 3 là việc thay đổi sử dụng đất và mảng phát triển rừng. Tiếp đó liên quan đến vấn đề xử lý chất thải và Thứ 5 là các quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam sản sinh khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính.

Trong Luật Bảo vệ Môi trường mới có quy định rằng những đơn vị nào tạo khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, từ năm 2021 trở đi sẽ phải chịu trách nhiệm. Sẽ có đơn vị độc lập thực hiện việc đo đếm, kiểm kê xem đang làm gì, gây ra mức phát thải bao nhiêu để từ đó có lộ trình cam kết thực hiện. Việc giảm khí phát thải nhà kính không chỉ là việc của Nhà nước   mà là trách nhiệm của tát cả mọi người từ trong xã hội.

Vâng, Xin trân trọng cảm ơn Ông đã trả lời PV Đài TNVN.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác